Báo động thói quen tự ý dùng kháng sinh – hệ lụy khó lường!

(VOH) - Tại Việt Nam, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Phần lớn kháng sinh thuộc thế hệ 1 và 2 đã không có tác dụng đặc hiệu, các bệnh viện phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới.

Đặc biệt, có những trường hợp vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh. Vì sao tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng như vậy?  

Kháng sinh là thuốc được bác sĩ kê đơn và uống phải có chỉ định, không được tự tiện sử dụng. Tuy nhiên, thói quen của rất nhiều người hiện nay khi bị bệnh tự ra nhà thuốc mua về dùng. Hành động này không chỉ gây hại cho bản thân khi tự ý chẩn bệnh, bốc thuốc mà về lâu dài, đề kháng kháng sinh sẽ là hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

Điều này không chỉ là những lời cảnh báo mà tại các bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp vì lạm dụng kháng sinh mà tự chuốc họa vào thân.

thuốc kháng sinh, kháng kháng sinh

Dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh

Điển hình như vừa qua, trường hợp bệnh nhân 70 tuổi, ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhập viện địa phương do tình trạng khó thở suốt 2 tuần. Trước đó, ông tự mua kháng sinh uống nhưng bệnh không thuyên giảm.

Sau khi chuyển đến nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ông được nhập vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng đặt nội khí quản, thở máy và được chẩn đoán là viêm phổi do Klebsiella pneumoniae, đây là một trong những vi khuẩn gram âm có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao hàng đầu.

Bệnh nhân đã được điều trị với colistin đây cũng là kháng sinh hàng cuối cùng để điều trị vi khuẩn gram âm đa kháng. Kết quả cấy đàm sau đó của ông cho thấy vẫn còn tồn tại vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đa đề kháng.

Trước tình thế này, các bác sĩ đã cùng hội chẩn với dược sĩ lâm sàng tại khoa, quyết định sử dụng phối hợp kháng sinh đồng thời  tiến hành theo dõi chức năng thận và đo nồng độ thuốc trong máu nhằm tối ưu hóa điều trị.

Giải pháp này như hy vọng cuối và may mắn sau đó bệnh nhân cải thiện tích cực, hết sốt, ngưng được máy thở. Với sự tư vấn của dược sĩ lâm sàng, ông được ngưng kháng sinh sau 10 ngày điều trị nhằm giảm những biến chứng liên quan đến sử dụng kháng sinh kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, có hơn 80% vi khuẩn Pneumococcal là vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi, viêm màng não nhiễm trùng đã kháng với kháng sinh penicillin, hơn 70% vi khuẩn Ecoli là vi khuẩn gây ra các bệnh về tiêu chảy và đường ruột đã kháng với kháng sinh ceftriaxon.

Phó Giáo sư Đặng Nguyễn Đoan Trang - Trưởng Khoa Dược – Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cho biết, trước tình trạng kháng kháng sinh cũng như để kiểm soát tốt hơn, chương trình quản lý sử dụng kháng sinh với sự tham gia của dược sĩ lâm sàng đã được tiến hành rộng rãi trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 772 hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đặc biệt nhấn mạnh việc thành lập nhóm quản lý sử dụng kháng sinh. Mục đích của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh là tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm hậu quả không mong muốn khi dùng kháng sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, ngăn ngừa vi khuẩn đề kháng kháng sinh và giảm chi phí y tế.

Trong đó, dược sĩ lâm sàng tham gia các nhóm quản lý sử dụng kháng sinh, trực tiếp theo dõi và can thiệp vào việc kê đơn kháng sinh, cung cấp thông tin cập nhật về kháng sinh, tiến hành các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học về sử dụng kháng sinh.

Phân tích ở góc độ điều trị, các bác sĩ cũng đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh dẫn đến những khó khăn trong quá trình điều trị. Sự kháng thuốc dẫn đến hậu quả là thất bại trong điều trị hoặc các bác sĩ buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới làm gia tăng chi phí điều trị.

Nguy hại hơn, khi vào bệnh viện người bệnh lại đối mặt với nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng lại là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, nhiều chủng vi khuẩn đa kháng nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, di chứng, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Một khi cơ thể đã kháng thuốc, thêm vào nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện thì việc điều trị càng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Trước tình trạng kháng kháng sinh ngày càng cao, Phó Giáo sư Đặng Nguyễn Đoan Trang cũng lưu ý, người dân nên thận trọng trước các thông tin về thuốc đăng tải trên các trang mạng, không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Kháng kháng sinh hiện đang là một vấn đề toàn cầu. Đáng ngại hơn khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất ở châu Á.

Tình trạng này xuất phát từ việc các kháng sinh thế hệ mới, hoạt tính kháng khuẩn mạnh chỉ để dành cho các bệnh lý nhiễm khuẩn nặng được sử dụng rộng rãi, thiếu kiểm soát.

Đáng nói là chế tài xử phạt việc bán kháng sinh không kê đơn tại nhà thuốc còn quá nhẹ, vẫn chưa đủ tác dụng răn đe. Vậy nên, nếu việc giám sát tình trạng bán kháng sinh không kê đơn tại nhà thuốc chưa nghiêm, thêm vào thói quen tự ý dùng kháng sinh của nhiều người thì tất yếu sẽ dẫn đến hệ lụy về tình trạng lờn thuốc, đề kháng kháng sinh rất nguy hại.

Đã đến lúc, phải thay đổi thói quen, không nên dùng thuốc bừa bãi nhất là kháng sinh. Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chỉ định điều trị cũng như sử dụng đúng thuốc. Vì sức khỏe chính mình, hãy tập cho mình một thói quen có  bệnh thì phải đến bác sĩ thăm khám, uống theo đúng toa chỉ định.

Bệnh Huntington là bệnh gì? - Bệnh Huntington là bệnh lý gây thiệt hại đến các tế bào thần kinh trong não, dẫn đến những rối loạn vận động, nhận thức, tâm lý người bệnh. Vậy cụ thể đây là bệnh gì và có chữa trị ...

Các loại rau tốt cho bà bầu và một số lưu ý khi ăn - Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo của mỗi mẹ bầu sẽ không thể thiếu sự góp mặt của các loại rau củ. Vậy đâu là các loại rau tốt cho bà bầu và đâu là những loại rau bà bầu không nên ăn?

Bình luận