Chờ...

Bạo hành trẻ tại trường học: Cần thay đổi quan điểm về “kỷ luật” trong trường học !

(VOH) - Hành động đánh, mắng, sỉ nhục… học sinh trong trường học đang được không ít người coi là một phương pháp “kỷ luật”, “giáo dục”.

Tuy nhiên, thực tế đó là hành vi bạo hành và vi phạm nghiêm trọng. 

Gần đây, liên tiếp nhiều vụ bạo hành trẻ, từ cấp mầm non đến phổ thông xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Ngọn nguồn của vấn đề xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó một trong những yếu tố quan trọng đó là quan niệm cho rằng “bạo lực”, “trừng phạt” là một cách giáo dục.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn chuyên gia giáo dục Nguyễn Lữ Gia – tổ chức Save The Children Việt Nam về vấn đề này.

* VOH: Thưa ông, một số vụ bạo hành thể chất và tinh thần trẻ mầm non/học sinh liệu có phải bắt nguồn sâu xa từ quan điểm giáo dục bằng bạo lực?

- Chuyên gia Nguyễn Lữ Gia: Trước tiên, tôi lấy một ví dụ, hai người lớn sử dụng bạo lực với nhau thì bị coi là sai trái, có thể bị kiện, bị truy tố nhưng hành vi bạo lực với trẻ em tại gia đình và trường học thì lại được không ít người coi là một… cách giáo dục.

Đó là chưa kể tới việc trẻ bị sử dụng bạo lực (đánh, mắng…) có thể chịu thương tích nặng nề hơn và phạm vi tổn thương tinh thần nghiêm trọng hơn so với người lớn.

Bởi vậy, chúng ta cần thay đổi quan niệm giáo dục. Cách giáo dục sử dụng bạo lực, trừng phạt để trẻ sợ và nghe lời không còn phù hợp trong bối cảnh ngày nay vì tất cả phương pháp giáo dục tiên tiến đều dựa vào quyền trẻ em và tôn trọng quyền của trẻ.

Những vụ việc bạo hành trẻ tại trường học xảy ra gần đây cũng cho thấy việc xâm hại quyền trẻ em ngày càng phổ biến buộc chúng ta phải nghĩ tới các giải pháp “giáo dục kỷ luật tích cực” đối với học sinh và đặt vấn đề này ở vị trí quan trọng hơn.

Các vụ bạo hành trẻ khiến nhiều người phẫn nộ

* VOH: Như vậy, việc giảm bạo lực với trẻ tại trường học nên bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy giảng dạy, hình phạt của giáo viên dành cho trẻ?

- Chuyên gia Nguyễn Lữ Gia: Giảng dạy là công việc chưa bao giờ dễ dàng hay nói đúng hơn là rất khó khăn. Đó là chưa kể tới chuyện công việc nhiều, học trò đông, môi trường nhiều áp lực khiến cho giáo viên căng thẳng, đôi khi không giữ được bình tĩnh.

Tôi nghĩ rằng, chẳng có giáo viên nào khi chọn công việc này lại lấy hình thức trừng phạt để làm niềm vui cho mình cả. Việc bạo hành có thể bộc phát trong giai đoạn áp lực công việc hoặc tức giận và không biết cách tự kiềm chế.

Luật trẻ em đã quy định rất rõ về các hành vi như thế nào là xâm hại, bạo lực đối với trẻ. Nếu giáo viên sử dụng cách giáo dục trừng phạt, bạo lực với trẻ thì không những vi phạm về đạo đức, lương tâm của nhà giáo mà còn có thể bị xử lý theo các quy phạm pháp luật.

Để tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, hạn chế hành vi tiêu cực với trẻ, giáo viên cần tiết chế cảm xúc hơn, đầu tư thời gian nhiều hơn, trang bị kiến thức, kỹ năng để không chỉ truyền đạt những kiến thức mới mà còn có thể xử lý các hành vi “chưa đúng” của trẻ một cách tích cực, đảm bảo trẻ em được phát triển cả về thể chất và trí tuệ một cách toàn diện và không bị tổn thương.

Mỗi giáo viên cũng cần thay đổi quan niệm, đánh giá trẻ ngoan dựa trên “sự vâng lời”.

Một trẻ ngoan theo kiểu chỉ biết vâng lời một cách thụ động, nói gì nghe đấy và không được nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình – điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tư duy của trẻ sau này.

Trong khi đó, giáo dục tích cực và hiệu quả hướng đến việc tham gia đóng góp ý kiến của trẻ, bày tỏ chính kiến, ý kiến của trẻ đối với những vấn đề liên quan tới mình…

* VOH: “Kỷ luật tích cực” trong môi trường học đường được hiểu như thế nào và liệu có dễ thực hiện?

- Chuyên gia Nguyễn Lữ Gia: Việc xây dựng trường học thân thiện sẽ giảm bớt được áp lực cho giáo viên, giảm áp lực cho trẻ và cũng bớt được tình trạng bạo lực, trừng phạt trẻ. Kỷ luật tích cực được thực hiện thông qua 4 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, cần thay đổi cách cư xử của giáo viên với học sinh trong lớp, dẫn đến việc các em học sinh cũng có cách cư xử thân thiện hơn với thầy cô và với bạn bè. Thầy cô cũng cần khen ngợi những mặt tích cực của trẻ nhiều hơn để khích lệ các hành động tích cực và hạn chế những hành động tiêu cực của trẻ.

Thứ hai, một điều khó nhưng cần làm là quan tâm đến những khó khăn của trẻ. Đây là điều mà chúng ta thường hay lơ là vì… không có thời gian. Các giáo viên lên lớp chỉ đủ thời gian giảng dạy mà thiếu thời gian để trò chuyện và quan tâm tới những khó khăn của trẻ.

Vẫn biết rằng, với lượng học sinh đông, giáo viên sẽ khó nắm bắt được tâm lý, hoàn cảnh gia đình của từng em… nhưng vẫn cần tìm cách thực hiện vì thực tế mọi hành vi mà người lớn cho rằng “lệch chuẩn” ở trẻ đều xuất phát từ môi trường gia đình hoặc xuất phát từ những khó khăn nội tại của trẻ.

Ví dụ, một trẻ sống với cha mẹ có hành vi bạo lực hoặc gây gổ sẽ hình thành tính cách nóng giận và hay gây hấn với bạn bè.

Một trẻ khó khăn về mặt tiếp thu hoặc khiếm khuyết một số chức năng có thể dẫn tới tiếp thu chậm, học không theo kịp bạn hoặc có hành vi khác với bạn bè – và nếu không tìm hiểu rõ ràng, chúng ta dễ dàng “quy chụp” trẻ là không nghe lời và bắt đầu đưa ra biện pháp trừng phạt để trẻ sợ và thay đổi.

Thứ ba, cần tăng cường sự tham gia của trẻ trong các hoạt động tại lớp học. Học sinh và giáo viên cùng xây dựng nội quy riêng, mục tiêu riêng cho lớp của mình. Khi các học sinh được đưa ra ý kiến và cùng nhau thực hiện thì sẽ tăng tính tuân thủ ở trẻ và điều này sẽ dễ dàng hơn cho giáo viên rất nhiều trong công tác giảng dạy và quản lý lớp học.

Thứ tư, cần tăng cường nhiều hoạt động ngoại khóa có sự tham gia của trẻ, phụ huynh và nhà trường để có sự chia sẻ giữa các bên, tạo nên mối quan hệ thân thiết không chỉ giữa giáo viên với học trò mà giữa nhà trường với phụ huynh.

Nhiều phụ huynh hiện nay đưa con đến trường và bỏ mặc cho thầy cô giáo “muốn làm gì thì làm” và buổi chiều đón về coi như là đủ trách nhiệm. Như vậy là không nên!

Việc tăng cường hoạt động ngoại khóa sẽ tăng cường trao đổi qua lại giữa các bên, tạo nên môi trường dung hòa thân thiện và hiểu nhau nhiều hơn, giáo dục được nâng cao chất lượng và học sinh cũng hứng thú đến trường hơn.

* VOH: Cảm ơn ông!

Cha mẹ làm gì khi phát hiện trẻ bị bạo hành?

  • Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, bạo hành thì trước tiên cha mẹ phải giữ thái độ cực kì bình tĩnh để tìm ra các nguyên nhân thực sự của việc xâm hại. Lúc này chỉ có bình tĩnh mới có thể tìm ra các giải pháp xử lý hợp tình hợp lý. Nếu mất bình tĩnh mọi hành động có chiều hướng tiêu cực sẽ không giải quyết triệt để vấn đề mà còn có thể dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật.
  • Cha mẹ cần an ủi, động viên, ổn định tâm lý cho trẻ và khuyến khích trẻ kể những điều đã xảy ra.
  • Cha mẹ đặc biệt cần nhớ nguyên tắc – khi trẻ có dấu hiệu bị bạo hành hoặc xâm hại thì nói với trẻ rằng “mọi chuyện xảy ra không phải do lỗi của trẻ”. Trẻ em cần được bảo vệ với bất cứ vì lí do gì, những hành vi sai trái, bạo hành hay xâm hại trẻ đều là hành vi không thể chấp nhận được. Chỉ khi yên tâm và bớt sợ hãi trẻ mới có thể kể về những gì đã xảy ra.