Tổng thống Mỹ không chỉ là người lãnh đạo nước Mỹ mà còn có thể là người quyền lực nhất trên Trái đất. Những gì một Tổng thống Mỹ làm đã thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta và ông Donald Trump cũng không ngoại lệ. Vậy chính xác thì ông Trump đã thay đổi thế giới như thế nào?
Thế giới nhìn nước Mỹ như thế nào?
Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố Mỹ là “quốc gia vĩ đại nhất thế giới”. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew được tiến hành tại 13 quốc gia, ông Trump lại có vẻ như không làm được gì nhiều cho hình ảnh của nước Mỹ trong mắt người nước ngoài.
Ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ công chúng có cái nhìn tích cực về Mỹ đang ở mức thấp nhất trong gần 20 năm. Cụ thể ở Anh, có 41% ý kiến ủng hộ Trump và con số này ở Pháp là 31% - thấp nhất kể từ năm 2003 - và ở Đức chỉ ở mức 26%.
Lý giải về tình trạng này, nguyên nhân chính được cho là phản ứng của Mỹ trong việc xử lý đại dịch Covid-19. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong đứng trong nhóm đầu thế giới suốt nhiều tháng qua. Theo số liệu từ tháng 7 và tháng 8 năm nay, chỉ 15% số người được hỏi cảm thấy Mỹ đã ứng phó tốt trước dịch bệnh.
Rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu
Thật khó để xác định những gì Tổng thống Donald Trump nghĩ về biến đổi khí hậu. Ông từng gọi đó là “một trò lừa bịp đắt tiền”, sau đó lại thành một “chủ đề nghiêm túc rất quan trọng đối với tôi”. Điều rõ ràng là chỉ trong 6 tháng trở thành Tổng thống, ông đã khiến các nhà khoa học thất vọng khi tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris - với nội dung cam kết rằng gần 200 quốc gia trên toàn cầu sẽ giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2 độ C.
Mỹ là quốc gia phát ra lượng khí thải nhà kính lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, tình trạng nóng lên toàn cầu có thể không kiểm soát được.
Về việc rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Tổng thống Trump cho rằng hiệp định này có thể "làm đóng cửa các công xưởng ở Mỹ bằng các quy định khắt khe quá mức”. Đây là cũng là một định hướng của ông Trump trong nhiệm kỳ khi đã tiến hành loại bỏ một loạt các quy định ô nhiễm, nhằm cắt giảm chi phí sản xuất các tài nguyên than đá, dầu mỏ và khí đốt.
Mặc dù vậy, hiện tại thì một số mỏ than của Mỹ vẫn phải đóng cửa do sự cạnh tranh từ nguồn khí đốt tự nhiên có giá thành rẻ hơn và các nỗ lực của nhà nước trong việc hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo. Các số liệu từ Chính phủ cho thấy, ở Mỹ các nguồn năng lượng tái tạo tạo ra nhiều năng lượng hơn các lò điện than truyền thống vào năm 2019, lần đầu tiên sau hơn 130 năm.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 4/11 - một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã cam kết sẽ tham gia lại hiệp ước này nếu ông thắng cử.
Đối với thế giới, những lo ngại rằng việc rút lui của Mỹ sẽ gây ra hiệu ứng domino chưa được công nhận, mặc dù một số nhà quan sát tin rằng động thái của Mỹ đã tạo thuận lợi cho Brazil và Ả Rập Saudi trong việc ngăn chặn tiến độ cắt giảm khí thải carbon.
Đóng cửa biên giới
Chỉ một tuần sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đã đặt ra các kế hoạch về vấn đề nhập cư trong đó có việc đóng cửa biên giới Mỹ đối với du khách đến từ 7 quốc gia có dân số đa số theo đạo Hồi. Hiện tại, danh sách hạn chế với những quy định gắt gao của Mỹ đang áp dụng với 13 quốc gia.
Theo thống kê, số người nước ngoài sống ở Mỹ năm 2019 cao hơn khoảng 3% so với năm 2016. Tỷ lệ người dân Mỹ sinh ra ở Mexico giảm đều đặn trong các năm ông Trump là Tổng thống, trong khi số người Mỹ nhập cư chuyển đến từ các nước khác - ngoài Mexico, trong khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe tăng lên. Bên cạnh đó, số lượng thị thực cho phép định cư lâu dài ở Mỹ cũng bị thắt chặt - đặc biệt là đối với thân nhân của những người đã sống ở Mỹ.
Nếu có một biểu tượng về chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, đó chắc chắn là hình ảnh “bức tường lớn” mà ông tuyên bố bằng mọi cách sẽ xây dựng ở biên giới với Mexico. Tính đến ngày 19/10/2020, Lực lượng Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ cho biết 371 dặm của bức tường đã được xây dựng - trong đó phần lớn là thay thế cho hàng rào vốn đã tồn tại từ trước.
Mặc dù vậy, bức tường này không ngăn cản được những người có khao khát đến Mỹ.
Năm 2019 là năm có số lượng người di cư bị giam giữ tại biên giới Mỹ - Mexico đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Trong đó, hơn một nửa là các gia đình đến từ Guatemala, Honduras và El Salvador - nơi bạo lực và nghèo đói khiến họ phải xin tị nạn và tìm một cuộc sống mới ở những nơi khác.
Đối với người xin tị nạn, Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm số người có thể tái định cư ở Mỹ. Trong năm tài chính 2016, Mỹ đã tiếp nhận gần 85.000 người tị nạn và con số này giảm xuống còn dưới 54.000 người vào năm tiếp theo.
Năm 2021, số người được tị nạn tối đa sẽ là 15.000 người - ít nhất kể từ khi chương trình tị nạn được triển khai vào năm 1980.
Vấn đề về "tin giả"
Donald Trump từng phát biểu trong cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2017 rằng, một thuật ngữ quan trọng nhất đối với ông trong nhiệm kỳ chính là “tin giả”. Mặc dù cụm từ “tin giả” không phải do ông nghĩ ra nhưng ông Trump chính là người đã phổ biến nó. Theo các bài đăng trên mạng xã hội và các bản ghi âm được Factba.se theo dõi, ông Trump đã sử dụng cụm từ này khoảng 2.000 lần kể từ lần đầu tiên tweet nó vào tháng 12/2016.
Hiện nay, sau khi gõ từ khóa “tin giả” trên công cụ tìm kiếm Google, bạn sẽ nhận về hơn 1,1 tỷ kết quả từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, khoảng thời gian mùa đông năm 2017 - 2018 là mức độ quan tâm đến “tin giả” của người dân Mỹ tăng đột biến, nhất là khi Tổng thống Trump công bố cái mà ông gọi là “Giải thưởng Tin giả” - danh sách tổng hợp các thông tin mà ông cho là không đúng sự thật.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, “tin giả” có nghĩa là các tin không đúng sự thật, như một tin về việc Giáo hoàng Francis ủng hộ việc ông Trump trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, khi được dùng phổ biến, ý nghĩa của cụm từ này không chỉ như vậy.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên sử dụng từ “tin giả” để tấn công những tin bài mà ông không đồng tình. Tháng 2/2017, ông đã có động thái mạnh hơn khi gọi một số hãng tin tức lúc bấy giờ là “kẻ thù của người dân Mỹ”.
Không chỉ vậy, “tin giả” còn là một thuật ngữ được chính quyền một số nước như Thái Lan, Philippines, Ả Rập Saudi và Bahrain sử dụng trong các hoạt động quản lý nhà nước ở quốc gia mình.
‘Cuộc chiến không hồi kết’ của Mỹ ở Trung Đông và thỏa thuận hòa bình hòa bình trong khu vực
Tháng 2/2019, Tổng thống Trump đã cam kết rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Ông tuyên bố: “Các quốc gia vĩ đại không chiến đấu tại những cuộc chiến không hồi kết.”
Tuy nhiên, mọi chuyện lại không diễn ra như vậy. Nhiều tháng sau lời tuyên bố trên, ông Trump quyết định giữ khoảng 500 quân ở Syria để bảo vệ các giếng dầu. Thực tế, Tổng thống cũng cho thu hẹp quân đội Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Syria; tuy nhiên thì quân đội Mỹ vẫn ở khắp mọi nơi trong khu vực.
Mặc dù vậy, chắc chắn là vẫn còn nhiều cách để tác động đến khu vực Trung Đông mà không cần đến quân đội, và ông Trump biết rõ điều này.
Theo đó, Tổng thống Trump đã có động thái trái ngược với các vị Tổng thống đời trước, khi chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018 và công nhận thành phố này, bao gồm cả Bờ Đông bị chiếm đóng, là thủ đô của Israel.
Vào tháng trước, ông đã ca ngợi cái gọi là “bình minh của một Trung Đông mới” khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain chính thức ký kết các thỏa thuận - do Mỹ làm trung gian - với nội dung bình thường hóa quan hệ với Israel sau nhiều thập kỷ căng thẳng. Đây có lẽ là thành tựu ngoại giao quan trọng nhất của chính quyền Trump.
Phong cách đàm phán “vô tiền khoáng hậu”
Tổng thống Trump dường như không xem trọng các thỏa thuận mà ông không đích thân góp mặt. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là “tồi tệ” và quyết định hủy bỏ. Đây là thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia được Tổng thống Obama phê duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người Mỹ và ủng hộ việc Mỹ hủy bỏ.
Trên thực tế, việc bãi bỏ TPP mang lại lợi ích lớn nhất cho Trung Quốc - quốc gia vốn coi thỏa thuận này là một nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không chỉ vậy, Tổng thống Donald Trump cũng tiến hành đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico (NAFTA). Ông Trump gọi đây là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ký kết”. Hiệp định thay thế sau đó không có nhiều thay đổi, mà chỉ thắt chặn các điều khoản về lao động và các quy định về nguồn cung ứng các bộ phận trong sản xuất xe hơi.
Những quy định và thay đổi của Donald Trump ở các hiệp định thương mại quốc tế hiện được xem là nguồn đem lại lợi ích cho nước Mỹ so với các nước khác trên thế giới. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến thương mại vô cùng gay gắt với Trung Quốc kéo dài suốt nhiều năm qua, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa của nhau.
Đối với Mỹ, cuộc chiến thương mại đã kéo theo nhiều vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp - đặc biệt là trồng đậu nành. Ngoài ra còn có lĩnh vực công nghệ và công nghiệp sản xuất xe hơi cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Đối với Trung Quốc, hàng loạt doanh nghiệp đã phải chuyển dây chuyền sản xuất sang một số nước lân cận để giảm chi phí.
Mâu thuẫn với Trung Quốc
Ngày 2/12/2016, khi vừa đắc cử Tổng thống Mỹ chưa lâu, Donald Trump đã thực hiện một động thái vô cùng bất ngờ và táo bạo - nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với lãnh đạo Đài Loan. Hành động này chưa từng có tiền lệ kể từ năm 1979. Đây là nước đi được xem là sẽ khiến Bắc Kinh tức giận vì lâu nay Trung Quốc luôn xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm, khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và tuyên bố sẽ sáp nhập cho dù có phải dùng đến vũ lực.
Động thái mở đầu “gây bão” từ ông Trump là bước đầu tiên trong cuộc cạnh tranh nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc - hai đối thủ địa chính trị lớn trên thế giới, có mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp trong nhiều năm qua.
Không chỉ vậy, Mỹ còn áp thuế cao ngất lên hàng hóa lên hàng hóa của Trung Quốc, cấm cửa các ứng dụng phổ biến TikTok và WeChat và đưa Huawei vào danh sách đen mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này cũng triển khai loạt hành động đối nghịch với Mỹ, trong đó nổi bật có vấn đề về luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn nhất trong vòng hàng trăm năm qua, kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện là ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lây lan với tốc độ không thể kiểm soát nổi. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, với số người nhiễm và số người tử vong đứng đầu.
Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng đổ lỗi cho Trung Quốc và khẳng định Trung Quốc là quốc gia phải chịu trách nhiệm chính trong đại dịch lần này.
Quan hệ Mỹ - Iran: Sát bờ vực chiến tranh
“Iran sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sinh mạng bị mất hoặc thiệt hại phát sinh. Họ sẽ phải trả một cái giá rất lớn! Đây không phải là một cảnh báo, mà là một lời đe dọa”, ông Trump viết trên Twitter vào đêm giao thừa năm 2019.
Vài ngày sau, Mỹ đã gây chấn động toàn cầu khi ám sát Qasem Suleimani, vị tướng quyền lực nhất của Iran và là người chỉ huy các hoạt động quân sự của nước này ở Trung Đông. Iran liền có động thái trả đũa, bắn hơn một chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq. Hơn 100 lính Mỹ đã bị thương. Giới phân tích cho rằng các quốc gia đang trên bờ vực chiến tranh.
Không có chiến tranh, nhưng dân thường vô tội vẫn bỏ mạng oan ức. Chỉ vài giờ sau khi Iran tấn công tên lửa, quân đội nước này đã bắn nhầm một máy bay phản lực chở khách của Ukraine, toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Mỹ và Iran trong lịch sử đã đối đầu nhau từ năm 1979, khi quốc vương Iran thời điểm đó, đồng thời là người được Mỹ hậu thuẫn, bị lật đổ và 52 người Mỹ bị bắt làm con tin bên trong đại sứ quán Mỹ.
Vào tháng 5/2018, căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, với nội dung Iran đồng ý hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Tổng thống Trump sau đó tiếp tục đưa ra cái mà Nhà Trắng gọi là “chế độ trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp đặt” lên Iran, với mong muốn buộc các nhà lãnh đạo Iran phải đồng ý với các quy định từ phía Mỹ.
Về phần Iran, chính quyền Tehran từ chối các yêu sách của Mỹ. Hậu quả là các lệnh trừng phạt đã khiến nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái nghiêm trọng và đến tháng 10/2019, chi phí thực phẩm tăng đến 61% so với cùng kỳ năm trước. Xã hội Iran vì thế luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn vì các lệnh trừng phạt kéo dài.