Bình luận: Chiến lược lớn và mục tiêu lớn

(VOH) - Bóng đá Việt Nam vừa trải qua một năm đầy vinh quang.

Kể từ ngày chúng ta hội nhập trở lại với sân chơi khu vực và châu lục, chưa có mùa xuân nào mà các fan hâm mộ cảm thấy mãn nguyện với thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá nước nhà như Xuân này.

Có lẽ, những ngày đoàn viên, sum hợp dịp tết Kỷ Hợi này, trong nhiều gia đình Việt Nam, câu chuyện bóng đá nước nhàvới một năm “đại thành công” sẽ là chủ đề rất thời sự.

Khởi đầu năm 2018, các cầu thủ trẻ đoạt vị trí Á quân VCK U23 Châu Á. Tháng 8/2018, tuyển OlimpicViệt Nam lần đầu tiên vào đến bán kết môn bóng đá nam Á Vận hội. Cuối năm 2018, tuyển quốc gia chúng tatrở thành ông Vua mới của bóng đá Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup. Và bước sang năm 2019, cái tên Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi vào đến tứ kết sân chơi danh giá ASIAN Cup.

Bóng đá Việt Nam vừa trải qua một năm đầy vinh quang.

Ảnh minh họa

Bóng đá Việt Nam vốn còn nhiều bất cập nhưng rồi tất cả gần như bị lãng quên kể từ ngày HLV Park Hang-seo đến đây và mang lại bầu không khí mới mẻ. Vị thuyền trưởng người Hàn Quốccùng thế hệ cầu thủ như Công Phượng, Văn Hậu, Quang Hải, Hà Đức Chinh, Tiến Dũng, Tiến Linh, Phan Văn Đức…đã tạo ra diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực và châu lục

Nếu ai còn hoài nghi về đẳng cấp của tuyển Việt Nam thì có lẽ sau khi chứng kiến các cầu thủ chúng ta thể hiện màn trình diễn tại ASIAN cup, tự khắc họ sẽ có câu trả lời. Một đội tuyển quốc gia trẻ nhất giải với tuổi đời 23,1 nhưng đã khiến các “ông lớn” như Iraq phải giật mình, Iran vất vả, rồi thắng Yemen, loại Jordan ở vòng knock-out, làm Nhật Bản phải thót tim đến phút cuối thì không thể là đội bóng tầm thường.

Vấn đề không phải chỉ ở một giải đấu có thể tạo nên đẳng cấp mà đó là cả quá trình các tuyển thủ Việt Nam liên tục thiết lập những cột mốc mới. Chúng ta đạt được chuỗi thành tích ổn định từ VCK U-23 Châu Á, ASIAD, AFF rồi ASIAN Cup. HLV Park Hang-seo đã truyền cho cầu thủ một tinh thần thi đấu không hề sợ hãi trước bất kỳ đối thủ nào dựa trên nền tảng thể lực được cải thiện, tâm lý thi đấu vững vàng và một lối chơi biến hóa ở từng thời điểm. Điều đó giúp tuyển Việt Nam định vị cho mình một chỗ đứng cao hơn và được xem là “thế lực mới” của làng túc cầu châu Á

Tuy nhiên khi đã tiến đến những nấc thang mới, làm sao phải giữ sự ổn định, tạo đà cho những mục tiêu lớn cao hơn, xa hơn thật sự là thách thức nan giải cho bóng đá nước nhà. Trước mắt chúng ta là vòng loại U-23 Châu Á năm 2020 - giải đấu được Liên đoàn bóng đá Châu Á-AFC xác định sẽ tuyển chọn 3 đội đứng đầu tham dự môn bóng đá nam Olympic Tokyo năm 2020.  Ngoài ra, FIFA dự kiến World Cup 2022 và 2026 có thể sẽ tăng lên 48 đội, nghĩa là cơ hội cho khát vọng tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của Việt Nam được rộng mở. Vì vậy chúng ta chưa thể hài lòng với những thành tích vừa qua và cần phải có chiến lược dài hơi để tiến “về đích”.

Ngay lúc này VFF phải tìm giải pháp, có đãi ngộ tương xứng để giữ được HLV Park Hang-seo tiếp tục ở lại với bóng đá Việt Nam, bởi tuyển quốc gia rất cần định hình lối chơi, làm nền cho các đội tuyển trẻ khác. VFF cũng phải cải tổ mạnh mẽ hệ thống thi đấu các giải bóng đá trong nước, khắc phục tình trạng “hình tháp ngược” khi mà số đội hạng dưới ít hơn các đội hạng Nhất và V.league

Công nghệ tổ chức, marketing bóng đá, khai thác tài chính, tài trợ, xây dựng thương hiệu để các CLB đáp ứng đủ điều kiện tham dự những sân chơi lớn như AFC Cup, AFC Champion league cần được chú trọng. Kể cả việc đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu cũng phải được tính đến chứ không chỉ quanh quẩn thi đấu các giải quốc nội. Hệ thống đào tạo đạt chuẩn để xây dựng các tuyến trẻ cấp CLB như các lứa U-15, U-17, U-19. ... phải là yêu cầu bắt buộc để các đội bóng có tương lai bền vững, tránh tình trạng làm bóng đá “ăn xổi ở thì”. Tổng Cục Thể dục Thể thao và VFF cần có chính sách thoáng hơn, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhiều mô hình đào tạo cầu thủ trẻ như Hà Nội, PVF, Hoàng Anh Gia Lai... Ngoài ra, mô hình bóng đá học đường đầy tiềm năng rất cần sự đẩy mạnh hợp tác giữa ngành giáo dục và ngành văn hóa - thể thao để mở rộng diện tuyển chọn cầu thủ trẻ cho tương lai.

Nói chung, chúng ta đang có một thế hệ cầu thủ “vàng ròng” nhưng không có nghĩa là nền bóng đá đã đạt chuẩn. Sau những thành tích rất ấn tượng vừa qua, bóng đá Việt Nam cần lên kế hoạch hướng đến những mục tiêu lớn hơn, dựa trên chiến lược bài bản hơn, dài hơi hơn.