Cần quan tâm bảo vệ con trẻ trên môi trường mạng

(VOH) - Công nghệ ngày càng phát triển, việc trẻ em tiếp cận đủ thể loại nội dung, hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok đã trở nên phổ biến đến từng gia đình.

Có quá nhiều nội dung đa dạng thu hút những em nhỏ đang ở tuổi tò mò. Phải nhìn nhận có nhiều nội dung mang tính giáo dục, bổ ích, được đầu tư thực hiện nghiêm túc, nhưng cũng có vô số kênh có nhiều nội dung nhảm nhí, giật gân, phản cảm để câu view.

Và tác hại dĩ nhiên rất khó lường, khi để các em nhỏ thường xuyên tiếp xúc những nội dung nhảm nhí không được kiểm soát này. Nhiều vụ việc liên quan các YouTuber đăng tải nội dung cho trẻ em phản cảm vừa qua thật sự là lời cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng, cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Cần quan tâm bảo vệ con trẻ trên môi trường mạng
Cần quan tâm bảo vệ con trẻ trên môi trường mạng. Ảnh minh họa.

Vừa qua, kênh YouTube Thơ Nguyễn đã gây bức xúc và nhận nhiều sự chỉ trích của các phụ huynh khi tạo nhiều nhiều clip có nội dung phản cảm, dù là kênh dành cho trẻ em. Sự bức xúc càng lớn khi gần đây, kênh này đăng tải một số clip ngắn lên mạng TikTok về “búp bê ma mập”, ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ.

Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý chủ kênh Youtube có hàng triệu lượt theo dõi này. Youtuber Thơ Nguyễn cũng thừa nhận vi phạm về vì hành vi đăng video cổ súy mê tín dị đoan, đồng thời cho ẩn toàn bộ hơn 1.000 video, chỉ còn giữ lại video "xin lỗi" và "tạm biệt".

Nhưng vấn đề là không phải chỉ có một kênh Thơ Nguyễn, mà có quá nhiều kênh như thế, đa dạng các thể loại, gọi là “thượng vàng hạ cám” cũng không sai.

Dù các nền tảng mạng xã hội có tiêu chí riêng, song công cụ tự động không phải lúc nào cũng có thể phát hiện nội dung xấu độc, vi phạm tiêu chí cộng đồng.

Giữa "rừng" thông tin, các kênh dành cho trẻ em, có nhiều nội dung bổ ích, góp phần phát triển nhận thức, kỹ năng sống, nhưng cũng có không ít những video phản giáo dục.

Tham gia làm YouTube, có thể kiếm tiền, thậm chí mức thu nhập rất cao nếu có càng nhiều lượt theo dõi, lượt xem, nên hiện có rất nhiều người tham gia vào việc sản xuất nội dung trên mạng xã hội này. Nhưng cũng chính vì thế mà cuộc cạnh tranh tìm kiếm người xem trở nên thêm gay gắt.

Chủ kênh phải không ngừng tìm kiếm ý tưởng, kể cả những ý tưởng không giống ai. Như là thử nghiệm những trò nghịch dại, làm những thứ “siêu to khổng lồ”, ăn uống kinh dị… khó mà kể hết.

Theo dõi thường xuyên các nội dung nhảm nhỉ này dễ làm lệch lạc suy nghĩ, méo mó tâm hồn của trẻ nhỏ. Không ít trường hợp trẻ em rơi vào tình huống nguy hiểm, khi xem và bắt chước các video trên mạng, như học chế thuốc nổ trên Youtube, các trò tự gây nguy hiểm cho bản thân.

Đó là chưa kể những tác hại khác như gây hội chứng nghiện youtube, nghiện game ở trẻ em khiến trẻ mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến học tập, thậm chí trầm cảm, rối loạn cảm xúc.

Có thể dễ dàng nhận thấy, trường hợp trẻ em tự kỷ, nghiện game, nghiện mạng xã hội ngày một nhiều, các khóa học, điều trị, phục hồi liên quan đến tâm lý cuả trẻ em cũng ngày một nhiều. Dĩ nhiên là có nhiều nguyên nhân, có điều không thể phủ nhận là những nội dung độc hại trên môi trường mạng góp một phần không nhỏ ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe tinh thần của nhiều trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại đó rõ ràng không phải chuyện đơn giản, cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các cơ quan quản lý.

Đặc biệt, các bậc cha mẹ phải có sự quan tâm theo dõi, hướng dẫn con em nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn cho con trẻ. Không ít người vì bận bịu mà giao máy tính, điện thoại cho con tự chơi, tự xem các nội dung trên mạng, không hề có sự giám sát kiểm soát, hướng dẫn phù hợp, để trẻ biết lựa chọn, sử dụng các kênh giải trí sao cho lành mạnh và an toàn.

Nếu có tình cờ thấy con xem clip nhảm nhí thường chỉ la mắng, bắt đổi kênh hoặc tịch thu thiết bị công nghệ tức thời, nhưng rồi đâu lại vào đó.

Thời đại công nghệ, việc cấm cản trẻ tiếp cận các nền tảng công nghệ, nền tảng mạng xã hội là gần như không thể. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn cho con trẻ, trở thành người bạn của con ở đời thực cũng như trên môi trường mạng.

Khi đó, trẻ gặp những thông tin bất thường sẽ chia sẻ ngay, cha mẹ có thể nắm bắt và hướng dẫn kịp thời. Đó sẽ là tấm áo giáp, là liều vắc-xin góp phần giúp trẻ bảo vệ bản thân khi tiếp cận những nội dung xấu độc trên môi trường mạng.

Khi phát hiện những clip phản giáo dục, phản cảm, cộng đồng cũng cần chủ động có phản hồi mạnh mẽ. Thêm vào đó, việc quản lý, kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng cần được nâng cao hơn, chặt chẽ hơn, buộc các nền tảng này, cũng như mỗi người dùng phải tuân thủ các quy định Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo đúng quy định của pháp luật.

Bình luận