Chế tài thích đáng để nghiêm trị xe quá tải

(VOH) – Mới đây xe tải chở bê tông nhựa đường vượt trọng tải đã làm sập nhịp dẫn cầu dây văng bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, tuyến giao thông huyết mạch ở huyện Mộc Hóa, Long An.

Tình trạng xe quá tải tồn tại nhiều năm qua mang đến những bức xúc kéo dài. Hệ lụy xe quá tải gây ra là rất lớn, khi đây chính là tác nhân trực tiếp làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông.

Như mới đây, xe tải chở bê tộng nhựa đường vượt trọng tải nhiều lần đã làm sập nhịp dẫn cầu dây văng bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, tuyến giao thông huyết mạch phục vụ người dân ở các xã biên giới và trung tâm huyện Mộc Hóa, Long An.

Xe chở 48 tấn bê tông nhựa làm sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh chỉ cho phép tại trọng 5 tấn
Xe chở 48 tấn bê tông nhựa làm sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh chỉ cho phép tải trọng 5 tấn

Dù lực lượng chức năng các địa phương vẫn tăng cường kiểm soát, chốt chặn, xử lý vi phạm xe quá tải, nhưng xe quá tải hoặc lén lút, hoặc công khai hoành hành nhiều nơi. Nhiều trường hợp chở quá tải gấp vài lần điều kiện cho phép, khiến công trình đường bộ hư hỏng, nhiều tuyến đường địa phương, quốc lộ xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, thậm chí tình trạng xe quá tải gây sập cầu không phải hiếm lạ. 

Mới đây, ngày 7/11, tài xế Nguyễn Duy Sỹ, 30 tuổi, điều khiển xe tải biển kiểm soát tỉnh Đồng Nai, lưu thông qua cầu Bình Phong Thạnh, nằm trên Tỉnh lộ 817, huyện Mộc Hóa, Long An, đã làm nhịp dẫn phía mố B cầu dây văng bắc qua sông Vàm Cỏ Tây sụp đổ, hư hỏng hoàn toàn. Chiếc xe gây ra vụ sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây có tổng trọng tải 48 tấn, gấp nhiều lần tải trọng cho phép. May mắn là sự cố xảy ra thời điểm rạng sáng, không người qua lại nên không có thiệt hại về người.

Trước đó, hồi tháng 11/2020, tài xế Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1978, ngụ tỉnh An Giang), điều khiển xe tải chở 15 tấn lúa, dù thấy biển cấm nhưng vẫn cho xe chạy qua dẫn đến sập cầu dân sinh Thiên Hộ, huyện Cái Bè, Tiền Giang, khiến toàn bộ nhịp giữa cầu dài 33m rơi xuống kênh. Hồi cuối tháng 5/2019, cầu Tân Nghĩa (Đồng Tháp) cũng bị sập khi ôtô tải nặng khoảng 30 tấn đi qua, dù tải trọng của cầu chỉ cho phương tiện và hàng hoá nặng 8 tấn qua cầu. Các vụ việc kể trên sau đó đều được cơ quan công an khởi tố.

Có thể nói, hệ lụy của xe quá tải gây thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội và ngân sách Nhà nước do phải bỏ tiền ra để sửa chữa, xây dựng mới cầu đường. Đó là chưa kể những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Trên thực tế, các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm xe quá tải. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn tồn tại âm ỉ và luôn chực chờ bùng phát trở lại, gây ra nhiều bất an cho người dân cũng như nguy cơ hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, trong khoảng 4 năm qua, nhờ những giải pháp quyết liệt, xe vi phạm chở quá tải trọng đã giảm rất đáng kể. Tuy nhiên, vấn nạn xe quá tải có nhiều dấu hiệu tái bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, gây bức xúc và lo ngại. Xe quá tải ngang nhiên lưu thông trên hầu hết các tuyến quốc lộ và những nơi có mỏ vật liệu, nhà máy, khu công nghiệp, các công trình xây dựng…

Để ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ vấn nạn xe quá tải cần sự quyết liệt và đồng bộ hơn nữa từ các lực lượng chức năng, đồng thời có chế tài xử lý thích đáng, tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc xử lý vi phạm.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải đề án kiểm tra tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc. Đề án được xây dựng qua hiệu quả thí điểm hệ thống cân tự động do tổ chức JICA của Nhật tài trợ trên Quốc lộ 5.

Sau 6 tháng thí điểm, Tổng cục đường bộ đánh giá, hiệu quả đạt được lớn nhất là số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm khoảng 50 lần. Qua một thời gian ngắn áp dụng, hầu hết các vi phạm đều bị xử lý.

Ưu điểm của việc xử lý xe quá tải bằng công nghệ tự động là không những giảm áp lực đối với các lực lượng thực thi công vụ, mà còn làm tăng tính minh bạch trong việc xử lý. Kết quả cân được lưu trong phần mềm bảo mật, không thể xóa, chỉnh sửa được, do đó loại bỏ tiêu cực.

Thêm vào đó, chủ phương tiện và lái xe ý thức rằng, xe chở quá tải chạy trên đường là sẽ bị phát hiện và xử phạt bất cứ khi nào, việc tự giác tuân thủ, chấp hành đúng các quy định pháp luật, chạy đúng tải sẽ được thực hiện tốt hơn.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng 3 mức phạt đối với xe quá tải vi phạm để răn đe. Nếu vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, mức phạt lên đến 140 triệu đồng.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát xe quá tải, cũng như tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng, được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn xe quá tải gây nhức nhối lâu nay.

Bình luận