Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chọn nghề Y là chọn những gian lao!

(VOH) - Do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, đã 2 năm liên tiếp đội ngũ những người công tác trong ngành Y không có lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc.

Tuy vậy, 66 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ gửi thư đến Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu ngày 27/2/1955, những lời răn dạy, rèn giũa của Người về y đạo, y đức hơn bao giờ hết luôn hiện hữu trong từng chiến sĩ áo trắng. Đó là động lực, là hành trang để họ bước vào cuộc chiến chống dịch Covid -19 không phút giây nghỉ ngơi. 

Những phút giây trải lòng, các y bác sĩ cảm thấy thật hạnh phúc khi họ đã sống, đã làm việc với lứa tuổi thanh xuân dành trọn những ngày đẹp nhất trên mặt trận tiền tuyến chống dịch Covid-19.

Chúng ta không khỏi xúc động khi đâu đó là những câu chuyện các bạn trẻ sinh viên trường y xung phong đến hỗ trợ chống dịch những nơi tuyến đầu, những vợ chồng trẻ tạm xa nhau vì mỗi người mỗi phần việc của mình trên điểm nóng, rồi hình ảnh các nữ nhân viên ngành y phải nén nỗi nhớ con thơ vào lòng, chuỗi ngày biền biệt xa con để mẹ tập trung làm tròn nhiệm vụ.

Dù biết công cuộc chống dịch Covid-19 là không của riêng ai nhưng với trách nhiệm “đứng mũi chịu sào”, ngành y tế của cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã luôn can trường trên từng điểm nóng. Họ cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân với bầu nhiệt huyết với nghề.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh trải qua một cái Tết giữa mùa dịch cũng đồng nghĩa là toàn bộ cán bộ nhân viên y tế tại đây không có Tết.

Ngay từ khi phát hiện ca bệnh ở Chí Linh - tỉnh Hải Dương từ ngày 29/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã đánh giá đây là đợt cao điểm chống dịch mới và xác định không có Tết. Do vậy, 100% nhân viên tại đây không về quê, trừ những trường hợp đặc biệt.

nghề y, ngày Thầy thuốc, ngày 26 tháng 2 năm 2021
Ảnh minh họa

Không có Tết để vì bình an cho cộng đồng, đội ngũ “blouse trắng” luôn chọn những việc của sự hy sinh thầm lặng, hy sinh đến quên mình. Họ làm việc với tinh thần xung kích, tinh thần vì cộng đồng khi có rất nhiều bác sĩ tình nguyện đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi hay Bệnh viện dã chiến Cần Giờ công tác, dù biết rằng rủi ro có thể xảy đến khi đây là dịch bệnh mới nổi, chưa hiểu tường tận về nó.

Các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố đã luôn ý thức và xung phong đến hai nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 chủ lực của Thành phố. Ngoài đoàn kết, đó còn là ý thức về tinh thần sống vì cộng đồng, khi hữu sự thì sức mạnh vô biên của "câu chuyện bó đũa" đã phát huy hiệu quả trong toàn ngành Y.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các y bác sĩ làm việc không có thời gian bắt đầu và kết thúc bởi cuộc chiến chống Covid -19, phương châm của thành phố là truy vết thần tốc, khống chế nhanh bất kể không gian và thời gian.

Năm 2020, với sự thành công trong kiểm soát dịch Covid – 19, nước ta là một trong nhiều quốc gia có số mắc và tử vong thấp nhất thế giới. Trong nỗ lực của cả hệ thống thì ngành y tế đã góp phần rất lớn cùng cả nước trong thực hiện mục tiêu kép: Việt Nam là một trong ít ỏi nền kinh tế tăng trưởng dương.

Nước ta cũng là một trong 4 nước phân lập thành công virus SARS-CoV-2 tạo tiền đề, căn cứ khoa học cho những nghiên cứu về sau góp phần khống chế, kiểm soát dịch.

Từ "bàn đạp" của sự vững chãi, bình tĩnh ấy, trong cuộc chiến với sự trở lại lần này của dịch, kéo dài từ trước Tết cho đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế đã hết sức bản lĩnh với sự điều phối khoa học, nhanh nhạy, hiệu quả tại các địa phương.

Cụ thể như ngay khi dịch bùng phát tại Hải Dương, Bộ Y tế đã lập tức điều động các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương về ngay hỗ trợ Hải Dương trong vấn đề xét nghiệm, hoạt động chuyên môn tại các bệnh viện dã chiến luôn được Cục Quản lý Khám chữa bệnh "sát cánh kề vai".

Ngay khi Gia Lai có xuất hiện các ca bệnh, trong phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy tức tốc lên đường  hỗ trợ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi có chuỗi lây nhiễm tại sân bay, Bộ Y tế quyết định thành lập ngay Tổ thường trực đặc biệt chống dịch Covi-19 do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị bệnh nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

Rõ ràng trải qua các đợt dịch đã cho thấy, sứ mệnh, vai trò của người thầy thuốc là rất đỗi lớn lao. Ngoài “chữa bệnh, cứu người” thì tinh thần hy sinh, xông pha của họ lại xuất hiện thật rõ, đậm nét tại bất cứ nơi nào. Không phân biệt bác sĩ dự phòng hay điều trị, mỗi người một phần việc họ cứ âm thầm cống hiến, làm việc trọn vẹn với tinh thần người "chiến sĩ áo trắng".

Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức chọn là Năm Quốc tế của Thầy thuốc trên toàn thế giới. Qua đây cũng nhằm tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu cũng như để tưởng niệm những thầy thuốc đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống Covid-19. Thông điệp này cho thấy một lần nữa về vai trò, ý nghĩa và sứ mệnh hết sức cao cả của những “blouse trắng”.

Tại nước ta, đội ngũ những người thầy thuốc đã dốc hết sức để thực hiện nhiệm vụ xuất sắc không chỉ trong nhịp bình thường mà họ đã tỏa sáng trong các đợt chống dịch Covid-19. Cảm xúc vững tin, vui mừng, hạnh phúc là những cung bậc cảm xúc thường thấy của các bác sĩ làm việc nơi tuyến đầu chống dịch.

Bởi lẽ dù chọn những gian lao nhưng họ không hề cô đơn, họ làm việc trong tinh thần chan hòa, được sự quan tâm sẻ chia của mọi người, của xã hội. Đằng sau những giọt mồ hôi kể cả nước mắt không gì sánh bằng nụ cười trên môi bệnh nhân, là sự vui mừng khôn xiết khi bệnh nhân nhận kết quả âm tính xuất viện.

Chiều 28 Tết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên ngành y tế - ngành đi đầu trên mặt trận chốngCovid 19. Ngoài biểu dương thành tích lớn lao, quyết tâm, ý chí quyết liệt của toàn bộ chiến sĩ áo trắng trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng đã gửi những lời chia sẻ rất chân tình mà đã khái quát được tất cả, đó là: "Các đồng chí đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro để nhận khó khăn về mình”.

Chọn nghề Y là chọn những gian lao. Tất cả cán bộ ngành y tế vẫn luôn như thế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “chống dịch như chống giặc”. Tinh thần ấy được thắp lửa từ những lời răn dạy quý báu của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ ngành y tế. Để rồi dù bất kỳ nghịch cảnh nào, họ vẫn ngời sáng những y đạo, y đức với tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền”

“Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời lẻ loi, xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…” lời bát hát “Một đời người, một rừng cây” vang lên theo từng nhịp điệu, khoảnh khắc gợi đến hình ảnh rất thật của những chiến sĩ áo trắng.

Tinh thần làm việc vì cộng đồng, vì sức khỏe nhân dân đã khiến hình ảnh ấy tỏa sáng lung linh. Cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ luôn sẵn lòng đón lấy dù khó khăn, chông gai thậm chí là cả rủi ro về bản thân mình vì biết rằng “chọn nghề Y là chọn những gian lao”.

Bình luận