Cuộc chiến thương mại leo thang: Khi Mỹ - Trung “ăn miếng trả miếng”

(VOH) - Chính quyền Tổng Thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo: Từ ngày 24/9 sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la Mỹ và tăng lên 25% vào đầu năm 2019.

The Wall Street Journal cho rằng, đây là đòn thuế mạnh nhất từ trước đến nay của ông Trump. Ngay lập tức, Trung Quốc đã có hành động đáp trả lại khi tuyên bố sẽ áp thuế đối với 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ. Những động thái "ăn miếng trả miếng" này được giới phân tích đánh giá sẽ đẩy cuộc chiến thương mại leo thang hơn. VOH phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Chuyên gia Kinh tế cao cấp; Trưởng Khoa Tài chính Đại học Kinh tế TPHCM xung quanh vấn đề này.

*VOH: Thưa ông, mới đây Mỹ đã công bố áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la Mỹ. Và đáp trả lại tuyên bố này thì Trung Quốc sẽ áp thuế đối với 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ. Phân tích những động thái này của Mỹ và Trung Quốc, ông có nhận định ra sao?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Đây là một trong những động thái làm leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Mọi người hy vọng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại này sẽ kết thúc trên bàn đàm phán bằng những hành động nhượng bộ. Nhưng rõ ràng cả hai bên đều không nhượng bộ cho nên Tổng thống Donald Trump đã quyết định đi thêm một bước bằng cách áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la Mỹ. Đây xem như là giai đoạn 2 của cuộc chiến. Những hành động này làm cho bầu không khí về kinh tế, tài chính, thương mại của thế giới thêm căng thẳng. Và trong bầu không khí chiến tranh thương mại như vậy, thì rõ ràng chúng ta không có lợi gì cả khi mà Việt Nam chúng ta là một nước có nền kinh tế nhỏ, hàng hóa chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài không có quyết định được mặt bằng giá mà lệ thuộc vào mức giá trên thế giới và cung cầu trên thế giới. Nói cách khác là nền kinh tế chúng ta rất dễ tổn thương. Cho nên tôi cho rằng Việt Nam sẽ bất lợi nếu như cuộc chiến thương mại còn tiếp tục leo thang.

*VOH: Cả hai đều khẳng định sẽ không dừng lại tại đây mà sẽ tiếp tục áp thuế hơn nữa nếu như đối phương có động thái khác. Vậy thì ảnh hưởng nhất với nền kinh tế Việt Nam là gì, ông có thể phân tích?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Lợi thế thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ rất là lớn. Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ một năm có thể lên đến hơn 600 tỷ đô la, trong khi Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ khoảng 100 tỷ đô la. Cho nên nếu dùng chính sách thuế để đánh nhau thì có thể Trung Quốc không bì lại với Mỹ được. Tuy nhiên, "vũ khí chiến lược" mà Trung Quốc có thể sử dụng được:

Thứ nhất là tỷ giá, Trung Quốc vốn nổi tiếng trên thế giới là làm cho đồng nhân dân tệ giá rẻ để từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh giá với hàng hóa, dịch vụ thế giới. Bây giờ Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh sử dụng vũ khí này, chúng ta thấy rằng thời gian vừa qua, Trung Quốc đã liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ khiến cho hàng hóa Trung Quốc đã rẻ, giờ còn rẻ hơn nữa. Và đây có thể xem là Trung Quốc bù đắp lại cho những nhà xuất khẩu của Trung Quốc khi mà họ chịu thiệt hại do Mỹ đánh thuế.

Thứ hai là họ bơm thêm sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc để đối đầu với các quốc gia khác khi mà Trung Quốc gặp bất lợi trong cuộc chiến mậu dịch. Điều này nó vô tình làm cho Việt Nam gặp khó khăn hơn, bởi khi hàng hóa Trung Quốc rẻ sẽ gây sức ép lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Và khi đồng nhân dân tệ giá rẻ, khả năng làm cho thâm hụt mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc cao hơn.

Khi đồng nhân dân tệ giảm giá thì đồng đô la Mỹ lại tăng giá – Hai biến động này như hai gọng kiềm siết chặt chính sách tỷ giá của Việt Nam. Đồng đô la Mỹ tăng giá khiến cho chính sách tỷ giá của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải liên tục điều chỉnh tỷ giá. Vô hình chung lãi suất tăng lên sẽ làm cho chí phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên, như vậy giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. 

Hình minh họa: internet

VOH: Như vậy trong thời điểm trước mắt và trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần chuẩn bị những đối sách như thế nào và Việt Nam chúng ta có thể làm được gì?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Chúng ta phải đa dạng hóa đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm để đừng quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Phải đa dạng hóa rủi ro – Đó là một trong những giải pháp lâu dài. Thứ hai, vai trò xử lý khủng hoảng và giảm bớt tác động ở đây là vai trò từ các cơ quan quản lý vĩ mô, các cơ quan điều hành chính sách. Chúng ta phải có những tư vấn và những quy hoạch, giống như là chúng ta thông tin cho người nông dân và doanh nghiệp biết là bây giờ sản phẩm, hàng hóa của chúng ta thì chúng ta có thể đến được những thị trường nào, ngoài thị trường Trung Quốc ra. Rất nhiều lần báo chí đã nhắc những chuyện như là những đoàn xe tải dài chở dưa hấu, chở chuối xếp hàng ở biên giới khi mà Trung Quốc thay đổi những chính sách thuế quan như vậy thì doanh nghiệp rất điêu đứng. Làm sao chúng ta phải hạn chế tối đa những việc này. Còn chiến tranh thương mại nổ ra, quốc gia nào cũng sẽ chịu thiệt hại, chúng ta cũng không tránh khỏi. Điều quan trọng là phải giảm thiểu tối đa rủi ro bằng cách đa dạng hóa đầu vào cũng như đầu ra, đừng quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, may ra chúng ta mới giảm bớt được sức ảnh hưởng của nó. Mặt khác, để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cuộc chiến này thì sứ mệnh nằm trong tay các nhà quản lý như NHNN, Bộ Công Thương… đó là chúng ta giữ ổn định biến động tỷ giá, ổn định lãi suất và mặt bằng giá cả để chúng ta giảm sự hấp thụ của nền kinh tế với những cú sốc này. Chúng ta giữ ổn định là chúng ta đã giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Như vậy là cũng đã giúp ích cho doanh nghiệp trong cuộc chiến thương mại này.

VOH: Ông nhận định như thế nào về những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong thời gian tới?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Hai bên sẽ không dừng lại. Có thể rằng trong giai đoạn đầu, phần lớn giới quan sát cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc trong bàn đàm phán khi mà các áp lực chính trị từ nội bộ Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa của Mỹ lên Tổng thống Trump cũng như là những khó khăn từ Trung Quốc như thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, rồi những nhà sản xuất thiệt hại mạnh khiến chính phủ Trung Quốc chịu áp lực rất lớn.

Nói chung người ta cho rằng với những áp lực về chính trị, về kinh tế khá nặng nề từ nội tại của hai quốc gia đó sẽ khiến cho họ ngồi lại bàn đám phán với nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng dự đoán đó không còn đúng nữa khi mà hai bên đã liên tục có những động thái leo thang. Và dĩ nhiên họ cũng chịu sức ép, nhưng rõ ràng sức ép đó là chưa đủ lớn để họ thay đổi quyết định của mình. Bởi có thể sứ mệnh chính trị của ông Donald Trump đặt vào cuộc chiến này và rất có thể ông Trump đã giải quyết tốt những việc trong nội bộ nước Mỹ để có thể tiếp tục đeo đuổi cuộc chiến. Tôi cho rằng cho đến khi nào Mỹ chưa đạt được mục đích của mình thì Donald Trump sẽ không dừng lại. Và nếu như ông ta không dừng lại thì cuộc chiến này sẽ tiếp tục leo thang.

VOH: Cám ơn ông!