Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cương quyết chấn chỉnh thái độ xem thường pháp luật

(VOH) - Vụ “giang hồ vây xe” chở công an ở Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày 12/6 vừa qua đã gây xôn xao trong dư luận.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bắt thêm nghi can Tuấn “nhóc” (ngụ phường Long Bình) để làm rõ việc “giang hồ vây xe công an” gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Như vậy là sau khi bắt giữ khẩn cấp Ngô Văn Giang (còn gọi là Giang “36”, cùng ngụ phường Long Bình), công an đã bắt thêm Tuấn “nhóc” - Đối tượng được xác định rất tích cực trong việc đứng ra hô hào, chặn xe ô tô có công an tỉnh Đồng Nai. Việc bắt giữ thể hiện sự cương quyết của lực lượng công an nhằm chấn chỉnh lại thái độ xem thường pháp luật của các đối tượng gây rối.

Đối tượng Tuấn "nhóc"

Vụ “giang hồ vây xe” chở công an ở Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày 12/6 vừa qua đã gây xôn xao trong dư luận. Sau vụ va chạm trong một quán ăn, ba người đàn ông là cán bộ công an đã lên xe ô tô rời đi nhưng bị chặn lại. Tiếp theo, hàng trăm thanh niên xăm trổ vây kín chiếc xe, uy hiếp và không cho người ngồi trong xe bước ra, thậm chí chiếc xe còn bị xì bánh để không thể di chuyển. Đáng nói là khi hàng trăm công an được trang bị vũ khí, huy động đến hiện trường nhưng đám côn đồ vẫn không chịu dừng lại. Vụ việc chỉ được giải tỏa sau hơn hai tiếng căng thẳng kèm sự “thương thuyết” của các bên liên quan. 

Rõ ràng, không ai có thể tin: Trong một Nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh và ngay giữa ban ngày, đám côn đồ này lại có thể ngang nhiên sử dụng “luật rừng” để hành xử như thế? Chưa kể, trước mặt hàng trăm cảnh sát, đám côn đồ dám ngang nhiên xì hơi bánh xe ô tô - Một hành động có dấu hiệu huỷ hoại tài sản của công dân. Dư luận rất ngạc nhiên xen lẫn bức xúc khi xe chở công an bị vây hơn 2 tiếng mới được đi. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao lực lượng chức năng, trước một hành vi phạm pháp như thế lại không có biện pháp thị uy, bắt giữ những kẻ côn đồ? Tại sao phải đi “thương thuyết” với chúng khi hành vi giam giữ người trái phép, xì bánh xe ô tô… đã cấu thành vi phạm? Thậm chí có ý kiến tỏ vẻ “chê trách” lực lượng chức năng khi không có hành động quyết liệt nào để thể hiện sức mạnh công quyền, bắt bọn gây rối phải thượng tôn pháp luật…

Quả thật! Những câu hỏi từ dư luận rất “nhức nhối”! Nó không chỉ là sự quan tâm, sự bức xúc của người dân mà còn là sự lo lắng của họ khi những người được đào tạo nghiệp vụ, trang bị vũ khí như công an còn bị như thế thì thử hỏi người dân làm được gì nếu gặp tình huống tương tự?

Những năm gần đây, nạn côn đồ lộng hành, hoạt động băng nhóm xuất hiện tràn lan, gây mất an ninh trật tự. Chúng không chỉ sử dụng dao kiếm, gậy gộc mà còn sẵn sàng nổ súng, truy cùng giết tận đối thủ hoặc những ai chúng muốn. Chúng sẵn sàng tập hợp, cấu kết với nhau để gây án một cách công khai, sẵn sàng chà đạp lên pháp luật, coi thường lực lượng chức năng. Dù công an các địa phương đã quyết liệt trấn áp nhưng nạn côn đồ, băng nhóm vẫn len lỏi, chực chờ cơ hội quấy phá. Khác với các băng nhóm trước đây thường có "luật ngầm" là không “đụng” vào công an. Các băng nhóm hiện nay manh động hơn, hung hăn hơn, sẵn sàng chống trả lại công an nếu có dịp mà vụ việc ở Biên Hoà là minh chứng rõ nét nhất.

Phải khẳng định, thời gian qua, lực lượng công an nhân dân luôn có nhiều đóng góp to lớn trong việc hoạch định, xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hơn ai hết, chính mỗi chiến sĩ công an luôn ý thức việc bảo vệ bình yên cho nhân dân. Sự việc vừa qua chỉ là đơn lẻ, chúng ta không thể lấy đó để hạ thấp vai trò, uy tín của lực lượng công an. Bởi trong bất kỳ một xung đột nào, quan điểm lấy dân làm gốc và lấy vận động, thuyết phục là giải pháp hàng đầu luôn được các chiến sĩ vận dụng. Chỉ khi không còn cách nào khác thì công an mới sử dụng đến quyền trấn áp vì lúc đối tượng có hành động nguy hiểm, họ phải bị cưỡng chế.

Với câu chuyện “giang hồ vây xe công an” ở Biên Hoà, chúng ta phải lên án hành vi xem thường pháp luật của băng nhóm côn đồ. Đồng thời có cái nhìn chia sẻ với lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai. Đây chắc chắn là một “bài học kinh nghiệm” với các cán bộ chiến sĩ công an. Qua đó, sẽ giúp họ thêm vững tin để kiên quyết lập lại trật tự trên địa bàn. Một trong số những kẻ cầm đầu đã bị bắt và sẽ còn nhiều đối tượng khác phải ra vành móng ngựa vì trót “coi trời bằng vung”, “đứng trên pháp luật”. Những ngày tới, hy vọng công an tỉnh Đồng Nai sẽ có câu trả lời thoả đáng cho dư luận từ chính hành động quyết liệt của mình. Cần phải làm rõ: Liệu Ngô Văn Giang là kẻ cầm đầu đích thực hay đằng sau đám giang hồ này còn có kẻ giấu mặt "giật dây"?

Đồng thời, sự việc này cũng là hồi chuông cảnh báo trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và người dân. Đã đến lúc, cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, ngăn chặn, góp phần làm giảm dần các loại tội phạm. Huy động sự hỗ trợ của các bên trong công tác phòng và chống. Chỉ khi có sự phối hợp tốt giữa các bên thì mới tạo nên sự hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an. Có như thế, người dân mới yên lòng và tin tưởng vào lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự.

Bình luận