Giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật Bản: Dù nỗ lực nhưng không đột phá

(VOH) - Một trong những sự kiện gây sự chú ý của dư luận tuần này là chuyến thăm Nga của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của chuyến thăm là thúc đẩy một Hiệp ước hòa bình với Nga, giúp chấm dứt những tranh chấp kéo dài gần 8 thập kỷ qua liên quan đến quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Abe với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin diễn ra vào ngày 22/1 có thể coi là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, dư luận hoài nghi mối quan hệ giữa hai bên liệu có diễn ra đúng tiến trình đã định, bởi vấn đề quần đảo tranh chấp vốn là “hòn đá tảng” cản trở hai bên tiến tới bình thường hóa quan hệ đã quá lâu.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Điện Kremlin ngày 22/1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Điện Kremlin ngày 22/1 - Ảnh: REUTERS

Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc cách đây 74 năm, nhưng trên thực tế, Nga và Nhật Bản, hai quốc gia từng tham gia cuộc chiến này, chưa thực sự tuyên bố chiến tranh đã qua đi. Mọi việc bắt đầu vào những ngày cuối của cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại khi Hồng quân Liên Xô tham gia cùng quân Đồng minh tấn công Nhật Bản tại mặt trận phía Đông. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, hai bên chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình (mặc dù một tuyên bố chung năm 1956 đã phục hồi quan hệ ngoại giao và kết thúc tình trạng chiến tranh). Vì thế, quan hệ song phương luôn trở nên căng thẳng kể từ đó bởi Nga đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của Nhật Bản.

Đáng chú ý, trở ngại chính trong quan hệ Nga-Nhật liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.. Những hòn đảo này một phần của chuỗi đảo Kuril, vốn bị Nhật Bản chiếm giữ trong suốt thế kỷ 19 và Liên Xô đã giành lại trong những ngày cuối của cuộc chiến. Tuy nhiên, Nhật Bản lại coi các đảo này là “lãnh thổ phương Bắc” của mình, mà theo lịch sử là đất đai của Nhật Bản bị Nga chiếm bất hợp pháp cho đến ngày nay.

Đây là nguyên nhân khiến việc bình thường hóa quan hệ và tiến tới hợp tác sâu rộng giữa Nga và Nhật bản luôn bị chững lại. Và đây cũng chính là nội dung chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe với kỳ vọng sẽ là bước ngoặt với quan hệ song phương sau hơn 7 thập kỷ bế tắc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Thực tế, Nhật Bản và Nga đã khởi động những bước đi nhằm tiến tới chuyến thăm này. Hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo đang tranh chấp.

Trong một cuộc gặp tại Singapore hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí đẩy mạnh đàm phán dựa trên tuyên bố chung ký kết năm 1956, theo đó 2 đảo nhỏ là Habomai và Shikotan trong nhóm đảo tranh chấp sẽ được trao lại cho Nhật Bản sau khi hai nước ký kết một Hiệp ước hòa bình.

Ngay trước khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên máy bay tới Moskva ngày 21/1, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình với Nga nếu Nga trao lại cho Nhật bản 2 trong số 4 đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp giữa 2 quốc gia. Cách tiếp cận này được cho là đánh dấu một sự thay đổi trong lập trường lâu nay của Nhật Bản khẳng định Nga phải trả lại toàn bộ 4 đảo thuộc quần đảo do Liên Xô nắm quyền kiểm soát sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Dư luận cho rằng Thủ tướng Nhật bản muốn tập trung lấy lại 2 đảo nhỏ trước khi chuyển mục tiêu sang 2 đảo lớn còn lại gồm Etorofu và Kunashiri chiếm 93% diện tích quần đảo. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Chính phủ Nhật Bản khẳng định hy vọng vào khả năng thuyết phục được Nga trao lại 2 đảo lớn này là không thực tế. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng lãnh đạo Nga và Nhật Bản đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp cho Hiệp ước Hòa bình, được sự chấp nhận và ủng hộ của cả hai bên.  Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng, đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng Nga có đủ kiên nhẫn để đạt được nhận thức chung với Nhật Bản.

Tuy nhiên, kết quả hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật ngày 22/1 lại không được như kỳ vọng. Đã không có bất kỳ đột phá lớn nào được thông báo sau cuộc hội đàm tại thủ đô Moskva giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Nga- Nhật đã tích cực bàn thảo về triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình thực sự, theo đó chấm dứt tình trạng chiến tranh về lí thuyết giữa hai nước. Song, hội đàm cuối cùng khép lại mà không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào được ghi nhận. Những lập trường quan điểm trái chiều trong vấn đề phân định 4 hòn đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc tiếp tục trở thành vật cản ngáng đường trong tiến trình đàm phán giữa hai bên.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy, phần lớn người dân Nga phản đối ý tưởng Nga từ bỏ quyền kiểm soát các đảo để đạt được thỏa thuận. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đàm phán, thì bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Moskva, hàng chục người Nga đã tập trung và phản đối việc bàn giao cho Nhật Bản bất cứ hòn đảo nào. Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Nga Putin đều xác nhận, các cuộc đàm phán sẽ còn tiếp diễn và hiện chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra. Mặc dù thừa nhận phía trước là con đường đầy chông gai, song cả hai nhà lãnh đạo Nga-Nhật đều tái khẳng định quyết tâm hoàn tất một hiệp định hòa bình thời hậu chiến bằng cách giải quyết tranh cãi liên quan quần đảo tranh chấp.

Bình luận về kết quả hội nghị, giới phân tích nhận định, mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở một thỏa thuận an ninh Nhật-Nga, theo đó quân đội Mỹ ở Nhật Bản có thể được đóng quân trên hai hòn đảo này nếu chúng được trao cho Nhật Bản. Khả năng quân đội Mỹ thiết lập căn cứ và triển khai vũ khí trên các đảo này là điều mà Nga lo ngại nhất. Bản thân việc Nhật Bản là đồng minh chiến lược của Mỹ, đối thủ chủ chốt của Nga, cũng khiến khả năng Moskva -Tokyo đạt thỏa hiệp trong vấn đề này trở nên đặc biệt khó khăn. Nhận định về vấn đề này, Tổng biên tập Tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” Fyodor Lukyanov cho rằng, việc từ bỏ chủ quyền đối với dù chỉ một phần nhỏ lãnh thổ là việc rất hiếm hoi đối với mọi quốc gia, với Nga nó còn đặc biệt khó hơn bởi các vấn đề đối nội. Vì thế mà giới phân tích hoài nghi về khả năng đạt đột phá trong các cuộc đàm phán cấp cao Nhật- Nga cho dù cả hai bên đều rất cố gắng.