Gian dối, thiếu ý thức phòng dịch là tội ác với cộng đồng

(VOH) - Những hành vi thiếu ý thức, khai báo gian dối đó không chỉ phạm pháp, mà còn là tội ác với cộng đồng.

Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, vụ việc một doanh nhân, lãnh đạo công ty đang thực hiện dự án điện gió tại Quảng Trị “đánh tráo”, cho nhân viên đi cách ly thay mình đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trước đó ít ngày, nữ bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 khai báo thiếu trung thực khi từ vùng dịch trở về Việt Nam đã để lại bao nhiêu hệ lụy. Với đặc tính lây nhiễm chéo cực kỳ nguy hiểm của Covid-19, chỉ cần người mang mầm bệnh thiếu ý thức phòng ngừa cho cộng đồng là có thể làm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. Những hành vi thiếu ý thức, khai báo gian dối đó không chỉ phạm pháp, mà còn là tội ác với cộng đồng.

Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị thông tin trong ngày 9/3 đã phát hiện, một trong 4 người được đưa về cách ly không có ông Lê Thanh H, thay vào đó là một người khác không đi cùng chuyến bay với người bị nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi sự việc bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện thì người đàn ông nói trên đã tự nguyện ra trình diện để đưa đi cách ly. Trong khi Chính phủ cũng có quy định rất nghiêm ngặt về cách ly và phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho xã hội và người dân cũng đang tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, việc trốn cách ly bằng cách đưa người khác đi thay rõ ràng là phạm pháp. Thậm chí, trong trường hợp xấu, nếu người này mang mầm bệnh, việc trốn tránh cách ly làm lây nhiễm cho người khác là có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Ảnh minh họa

Đại dịch Covid-19 đã lan ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, gây những thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Trong nước, cả hệ thống chính trị và mọi người dân căng mình phòng chống dịch, hành vi cho người cách ly thay là rất đáng lên án.

Bất kể là ai, đối với dịch bệnh cũng phải tự ý thức việc tuân thủ quy trình quy định của ngành y tế. Song những hành vi gian dối, thiếu trung thực trong khai báo y tế khiến công tác phòng chống dịch thêm gian nan. Hơn tuần trước, một cô gái ở Bình Dương về từ tâm dịch ở Hàn Quốc khai báo gian dối để trốn cách ly, thậm chí livestream phổ biến "bí quyết" này trên Facebook. Khi dư luận chưa thôi bất bình, đến trường hợp N.H.N - bệnh nhân số 17 ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đi nước ngoài trở về, có triệu chứng nhiễm virus Covid-19 nhưng không tự giác khai báo với các cơ quan chức năng đã gây nên biết bao hệ lụy. Cả bộ máy của Thành phố Hà Nội căng mình chống dịch, hàng ngàn người phải thức trắng đêm triển khai các biện pháp phòng dịch khẩn cấp, hàng trăm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17 bị cách ly, chưa kể bao nhiêu người khác bị ảnh hưởng, cuộc sống đảo lộn. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân số 17 mang mầm bệnh nhưng khai báo thiếu trung thực dẫn đến nguy cơ làm cho dịch bùng phát ở Thủ đô và nhiều địa phương khác.

Hành vi gian dối, thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng dịch có thể dẫn đến bao nhiêu hệ lụy, khó có thể thống kê, đong đếm một cách đầy đủ. Thậm chí, thành quả to lớn về phòng chống Covid-19 của cả hệ thống trên phạm vi cả nước, mọi nỗ lực của hàng triệu người trong hơn 2 tháng qua có nguy cơ đổ bể.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là "chống dịch như chống giặc", chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế để bảo toàn sức khỏe, tính mạng của người dân! Thủ tướng cũng chỉ đạo phải xử lý nghiêm những người có hành vi khai báo gian dối, giấu bệnh, trốn tránh cách ly, không tuân thủ quy trình y tế. Để mỗi người dân luôn có ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng không chỉ dừng lại biện pháp giáo dục, tuyên truyền mà cần phải xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hiện cổng hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế đã chính thức được mở. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu, từ 10/3 thực hiện khai báo y tế toàn dân. Thông tin của người dân khai báo sẽ giúp cơ quan y tế liên lạc khi cần thiết để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, những người khai báo thông tin sai là vi phạm pháp luật Việt Nam và có thể xử lý hình sự.

Trong phòng chống dịch, dù pháp luật có những quy định cụ thể, cơ quan chức năng tuyên truyền thường xuyên, nhưng quan trọng hơn hết là ý thức của mỗi người dân. Nếu mỗi người dân không ý thức hết trách nhiệm với bản thân mình, gia đình, cộng đồng xã hội thì mọi tuyên truyền đều không có tác dụng, thậm chí khiến những nỗ lực chung trở nên đổ sông đổ biển. Bất cứ ai khi có các triệu chứng nhiễm Covid - 19 tự giác, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng, chủ động cách ly, không để lây nhiễm sang người khác. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình, gia đình và cả cộng đồng, góp sức, chung tay đẩy lùi đại dịch.