Chờ...

Hiểm họa từ tín dụng đen

(VOH) - Tín dụng đen hay cho vay nặng lãi từ các băng nhóm giang hồ có tiền án tiền sự, các tay anh chị... đang hoành hành ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đây là vấn đề không mới nhưng cách thức hoạt động ngày càng táo tợn cùng sự biến tướng, phát sinh các loại tội phạm, đẩy nạn nhân vào thế cùng cực... gây bất an cho cộng đồng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.  

Chuyện các băng nhóm cho vay nặng lãi, bất chấp lương tâm, dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, gài bẫy, khủng bố tinh thần nạn nhân...gần đây xuất hiện khá rầm rộ với những vụ xảy ra tại Tân Phú –TPHCM, Cần Thơ, Phú Yên, Đà Nẵng, Gia Lai. Đó là các vụ việc nổi cộm mà nạn nhân đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, không còn sức chịu đựng nên đã đến cơ quan công an tố giác. Lực lượng công an từ đó đã tiếp tục mở rộng điều tra, phá án với sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội.

Ngoài đời, mọi người gọi ngắn gọn là “cho vay nóng”. Còn giới tài chính ngân hàng, gọi bằng thuật ngữ “tín dụng đen”. Chỉ nghe sơ qua cũng thấy rõ bản chất bất hợp pháp của kiểu cho vay này. Bắt mạch tâm lý người vay cần tiền gấp để giải quyết chuyện cá nhân, gia đình, các băng nhóm cho vay đã tối giản thủ tục, công đoạn để “con mồi” tiếp cận nguồn tiền một cách dễ dàng. Đó là sự khác biệt một trời một vực giữa vốn vay hợp pháp từ các ngân hàng, các quỹ tín dụng so với “tiền tươi, thóc thật” nhưng đầy ẩn họa của tín dụng đen.     

Thật ra, tín dụng đen chẳng có gì mới nhưng cách thức hoạt động của các băng nhóm cho vay nóng thì ngày càng công khai như trêu ngươi, thách thức pháp luật với địa bàn hoạt động rộng từ thành thị đến nông thôn. Bằng chứng là chúng ta rất dễ dàng phát hiện các tờ rơi, giấy quảng cáo, số điện thoại cho vay nóng dán đầy rẫy trên tường rào, cột điện, trao tận tay tại các ngã tư đường, kể cả các trang web với nội dung cho vay nhanh, tín chấp, thủ tục đơn giản...

Kiểu cho vay “alo là có”, ký giấy tay mượn nợ luôn đi kèm rủi ro cực cao, là cái bẫy đầy hiểm nguy với những ai đang cần tiền xoay sở khẩn cấp, vòng quay ngắn hạn hoặc những người túng quẩn, gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, người nhẹ dạ, cả tin.

Khi mà lãi suất ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng cho vay hợp pháp không được phép vượt quá 12%/năm thì các nhóm cho vay nóng áp dụng mức lãi suất cao hơn vài chục lần, thậm chí có trường hợp cao hơn 300%/ năm. Đó là trần lãi suất cao khủng khiếp sẽ đưa nạn nhân vào tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con” khó mà thoát ra được.

Với bọn bất lương, cứ thế chúng đã đạt được mục đích biến con nợ thành “nô lệ” góp lãi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng... để chúng sống phè phỡn trên sự đau khổ, thê lương của bao nhiêu phận người, bao nhiêu gia đình. Thậm chí, nhiều người còn bị chúng hành hung, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa tính mạng, trấn áp tinh thần, khiến cuộc sống ngày càng cùng quẫn, con cái mất cả tương lai...

Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rằng: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng... sẽ bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...”.

Thực tế thì bọn cho vay nóng còn vi phạm nặng nề hơn quy định này gấp nhiều lần nên chuyện phạt tù những cá nhân, tổ chức phạm tội là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Thuận lợi hơn, trong lần sửa đổi mới đây, không còn cụm từ “có tính chất chuyên nghiệp và bóc lột” trong cấu thành tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, cũng không hề dễ dàng để cơ quan chức năng truy bắt và khởi tố các đối tượng phạm pháp! Trong buổi làm việc cách đây không lâu nhân dịp khen thưởng Công an quận Tân Phú đã triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho hay, Công an TP đã nhiều lần chỉ đạo xử lý mạnh tay với tình trạng này nhưng còn vướng một số vấn đề pháp lý nên có nhiều vụ khi đưa qua Viện Kiểm sát không phê chuẩn.

Rõ ràng, ranh giới giữa việc không được hình sự hóa quan hệ cho vay dân sự và xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực hình sự đối với những kẻ phạm tội có khi rất mỏng manh. Thành ra không ít trường hợp vì thận trọng mà lực lượng chức năng không thể xử lý, răn đe, không thể ngăn chặn kịp thời những kẻ phạm tội với hoạt động ngày càng tinh vi, lợi dụng sự mập mờ và kẽ hở của pháp luật.

Rất nhiều những hiểm họa từ tín dụng đen. Ảnh minh họa: TPO. 

Khi mà các cơ quan chức năng còn loay hoay trước vấn đề xử lý tội phạm loại này thì chúng đã phát triển và vươn vòi bạch tuộc đến mọi ngõ ngách của các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến Tây Nguyên. Cũng từ việc cho vay nặng lãi đã gây biến tướng, phát sinh các loại tội phạm chiếm đoạt tài sản, gây thương tích, cướp của, giết người...

Có câu: “Cùng thuyền cùng một mạng” hay “lửa cháy nhà người như cháy nhà mình”. Nếu có ai đó nghĩ rằng, đây là chuyện thiên hạ chẳng liên can đến mình thì e rằng, vấn đề không dừng lại ở sự thờ ơ nữa, mà chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của tín dụng đen hay cho vay nặng lãi. Đó chẳng khác nào là sự thỏa hiệp, chấp nhận tình trạng phát sinh các loại tội phạm, để rồi môi trường sống ngày càng xấu đi và có thể chính bản thân chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng vì cùng chung guồng quay xã hội.

Từng có thời gian, ngành viễn thông, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cùng phát động chiến dịch xóa các số điện thoại “khoan giếng”, “hút hầm cầu”... Vậy thì tại sao số điện thoại và giấy quảng cáo cho vay nặng lãi nguy hiểm hơn rất nhiều mà chưa thấy địa phương, sở, ngành nào phát động chiến dịch xóa bỏ, dọn sạch trong khi cho vay nặng lãi đang lan rộng như đại dịch?

Trong một động thái những tưởng không có liên quan nhưng với ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp đã làm gì để đơn giản hóa thủ tục hơn nữa nhằm giúp những người cần vốn vay có thể tiếp cận một cách hợp pháp nhưng nhanh nhất? Ngược lại, những năm qua, có không ít doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... còn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận vốn vay hợp pháp.

Thời điểm này, khi mà tín dụng đen đang hoạt động ngoài ánh sáng một cách công khai, rầm rộ hoặc không loại trừ chúng có thể núp bóng ở một số cửa hiệu cầm đồ, tạp hóa... thì có vẻ những biện pháp đối phó, ngăn chặn từ xã hội đang rất yếu ớt.

Chúng mạnh vì ta yếu và ngược lại! Muốn làm chuyển biến nhận thức xã hội, giúp mọi người hiểu rõ bản chất và có ý thức tẩy chay, phòng chống loại hình tội phạm này không phải một sớm một chiều. Nhưng khi các băng nhóm cho vay xuất hiện khắp nơi với tốc độ chóng mặt thì dứt khoát chúng ta phải lên tiếng một cách mạnh mẽ nhất để cùng ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa từ tín dụng đen.

Trong bối cảnh này, tùy theo sức của mình, với trách nhiệm xã hội công dân, ý thức bảo vệ an ninh trật tự cộng đồng của mọi người cần được khơi gợi, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, bên cạnh vai trò đầu tàu của ngành công an trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.