Hiệp ước START-3 trước bờ vực đổ vỡ

(VOH) - Tương lai START-3, sẽ hết hiệu lực ngày 5/2/2021, vẫn khá mờ mịt bởi tới nay chỉ có Nga bày tỏ sẵn sàng gia hạn hiệp ước trên thêm 5 năm.

Cuộc họp của các nhà đàm phán Nga - Mỹ về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí kết thúc trong tuần tại thủ đô Vienna của Áo với việc thành lập các nhóm công tác để bàn thảo chi tiết về những vấn đề liên quan, trong đó có số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới hay START-3). Đây được xem như một tia hy vọng sau "cú sốc" cách đây chỉ vài tháng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trởi mở. Tuy nhiên, động thái này có thể khỏa lấp mâu thuẫn giữa các bên?

Kết quả vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 10 giờ đồng hồ không làm sáng tỏ số phận START-3, hiện là thỏa thuận song phương duy nhất về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ và sẽ chấm dứt hiệu lực vào tháng 2/2021. Theo quy định của START-3 ký năm 2010, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm, và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa.... Giới chuyên gia nhận định START-3 là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân nếu trở lại thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.

Chuyên gia Nga và Mỹ theo dõi việc phá hủy tên lửa đạn đạo Pershing-2 của Mỹ

Chuyên gia Nga và Mỹ theo dõi việc phá hủy tên lửa đạn đạo Pershing-2 của Mỹ - Ảnh: SPUTNIK

Tương lai START-3, sẽ hết hiệu lực ngày 5/2/2021, vẫn khá mờ mịt bởi tới nay chỉ có Nga bày tỏ sẵn sàng gia hạn hiệp ước trên thêm 5 năm.

Nếu Nga coi START 3 là cánh cổng canh gác an ninh thế giới thì Mỹ, lại phản đối việc gia hạn hiệp ước thêm 5 năm. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn hoài nghi những "di sản" của cựu Tổng thống Barak Obama. 

Tuy nhiên, Mỹ và Nga vừa đạt được thỏa thuận về thời gian và địa điểm tổ chức đàm phán về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) trong tháng này đánh dấu một sự nhượng bộ của chính quyền Mỹ sau nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Nga gia hạn Hiệp ước.  Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn khăng khăng buộc Trung Quốc phải tham gia- vẫn khiến tương lai của Hiệp ước Start 3 trở nên mờ mịt. Bởi quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump là Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới và cũng là quốc gia liên tục tăng cường sức mạnh quân sự trong những năm qua, phải tham gia một thỏa thuận cắt giảm hạt nhân chiến lược 3 bên cùng Mỹ và Nga, để loại trừ những nguy cơ về sau này. Bởi Tổng thống Donald Trump muốn hối thúc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và Nga nhằm đạt một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, song Trung Quốc vẫn từ chối.

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân 3 bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ vì theo quan điểm của Washington, Hiệp ước START-3 có một số thiếu sót và "lỗi thời". Tuy nhiên Trung Quốc nhiều lần bác bỏ đề nghị này và trong tuyên bố mới nhất, nước này hôm qua cũng tái khẳng định lập trường không tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí 3 bên với Mỹ và Nga. 

Ở một góc nhìn khác, những biến động liên tục của tình hình quốc tế khiến cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều có những điều chỉnh sâu sắc về chiến lược. Vì thế, có thể thấy cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân hiện nay đang chuyển sang một giai đoạn mới, đó là chạy đua nâng cấp, phát triển các phương tiện mang vũ khí hạt nhân như tên lửa, tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược hiện đại, để có thể nhanh chóng xuyên thủng các phòng tuyến của đối phương, đánh chính xác mục tiêu khi cần. Với những vũ khí này thì dù đối thủ có hùng mạnh đến đâu cũng sẽ phải chịu tổn thương. Bên cạnh đó, chính sách bao vây, trừng phạt của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào Nga, cũng như việc Washington tiếp tục triển khai các hệ thống vũ khí ở Đông Âu, bất chấp phản đối của Nga, dường như đang "thúc đẩy" Nga không ngừng củng cố tiềm lực quân sự, động thái cứng rắn của Nga đáp lại lập trường cứng rắn của phương Tây. 

Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, SIPRI, trong năm 2019, các cường quốc hạt nhân trên thế giới, nhìn chung đã giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, song vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Tính đến đầu năm nay, 9 cường quốc hạt nhân – trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc – sở hữu tổng cộng 13.400 đơn vị vũ khí hạt nhân. Khoảng 3.720 đơn vị vũ khí hạt nhân được lưu giữ trong kho tác chiến và khoảng 1.800 trong số này ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. 

Một số nhà hoạch định chiến lược Mỹ cho rằng việc gia hạn Hiệp ước START-3 sẽ tạo rủi ro đối với Mỹ nếu tính đến sức mạnh của Nga hiện nay. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà ông Trump tái tranh cử đang tới gần, Mỹ chắc chắn đang muốn có được thế thượng phong trên bàn thương lượng về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép trong đàm phán về tương lai của START-3. Hơn nữa, với quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" và chính sách mà Tổng thống Donald Trump thực thi kể từ khi lên nắm quyền, không thể loại trừ START-3 sẽ có một "kết cục buồn" như số phận Hiệp ước bầu trời mở và nhiều Hiệp ước khác mà Mỹ đã cắt bỏ trước đó.