Tại Hội nghị sơ kết an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020, thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, số vụ tai nạn giao thông giảm sâu cả về số vụ và số thương vong so với cùng kỳ năm trước. So với 6 tháng năm 2019, đã giảm gần 1.600 vụ, giảm gần 600 người chết, số người bị thương giảm trên 1.400 người. Những thông tin đáng mừng khi đây là mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tai nạn giao thông giảm mạnh, chắc chắn một trong những nguyên nhân quan trọng là việc thực thi Nghị định 100 kiểm soát nghiêm việc uống rượu bia không lái xe thời quan qua. Đó là chưa kể tình hình dịch Covid-19 dẫn đến việc người dân hạn chế ra đường, rồi một khoảng thời gian giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa phải chăng cũng khiến tình hình giao thông bớt căng thẳng hơn.
Giảm tai nạn là thông tin tích cực, nhưng cần phải thấy rằng, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước vẫn được đánh giá là diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra gần 6.800 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 3.200 người, bị thương gần 5.000 người. Vẫn còn 14 tỉnh có số tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước. mỗi ngày vẫn có gần 20 người vĩnh viễn nằm lại trên đường, hàng chục người phải mang thương tật về nhà. Nghĩa là, tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh với rất nhiều gia đình, là gánh nặng với xã hội.
Nghị định 100 đi vào thực tiễn đã cho thấy hiệu quả, nhất là các đợt chiến dịch cao điểm. Tổng kết các đợt cao điểm, đánh giá chung là tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến rất tích cực, ý thức người dân về việc chấp hành pháp luật giao thông tăng cao.
Ảnh minh họa - Nguồn: SGGP
Thế nhưng, sau đó, nơi này nơi khác đã có tình trạng buông lỏng, không còn quyết liệt như trước trong việc kiểm tra, kiểm soát những trường hợp uống rượu bia lái xe, tài xế sử dụng ma túy. Cục Cảnh sát giao thông nhận định vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.
Ngay trong những ngày tháng 7, đã có liên tiếp nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm các quy định an toàn giao thông. Hậu quả khiến 18 người chết, hàng chục người bị thương. Đêm 10/7, ôtô con do anh T.T.A. (sinh năm 1983, ngụ tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển xe chạy trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn bất ngờ tự lao xuống biển khu vực Cột 8, nơi đang có dự án xây dựng bãi tắm nhân tạo. Khi xảy ra tai nạn, trên xe có 5 người, lái xe đã kịp thời thoát ra. 4 người bị mắc kẹt trong xe, được lực lượng chức năng và người dân đưa ra khỏi xe và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng đều không qua khỏi. Nguyên nhân ban đầu vụ việc được xác định là do tài xế không thuộc đường, sử dụng rượu bia khi lái xe, đồng thời gặp phải mưa giông hạn chế tầm nhìn, thiếu quan sát khi vào cua nên đã đi sang phần đường ngược chiều và lao xuống biển. Hậu quả hết sức nặng nề và đau lòng.
Ngày 11/7, xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại chân đèo Ngọc Vin thuộc địa bàn xã Rờ Koi, huyện Sa Thầy, Kon Tum. Chiếc xe khách giường nằm chở 40 người lao xuống vực sâu, 5 người tử vong tại chỗ và 35 người khác bị thương. Thêm 1 người tử vong tại bệnh viện sau đó. Thông tin nhanh về kết quả điều tra ban đầu, cơ quan Công an tỉnh Kon tum cho biết chiếc xe đi không đúng lộ trình. Khám nghiệm cho thấy hộp số nằm ở số 4, trong khi đường đèo dốc rất nguy hiểm. Qua kiểm tra nhanh phát hiện một phụ xe dương tính với chất ma túy.
Kinh hoàng hơn, rạng sáng 21/7, chiếc xe khách loại 16 chỗ lưu thông trên Quốc lộ 1 từ Bình Thuận đi TP.HCM, đến Km 1767 (thuộc xã Tân Đức, H.Hàm Tân) thì tông trực diện vào ô tô tải lái chạy chiều ngược lại. Do va chạm quá mạnh, chiếc xe khách văng sang bên kia đường, quay đầu xe lại và biến dạng hoàn toàn; xe tải đầu móp nát. Hậu quả là 8 người chết và 7 người bị thương.
Những vụ tai nạn mà bất kỳ ai chứng kiến hoặc nghe thấy đều đau xót, thảng thốt và bất an. Lúc này, những chữ “nếu mà”, “giá như”… đều trở nên quá muộn. Nguyên nhân trực tiếp các vụ tai nạn có thể nói là do lỗi phần lớn của tài xế: chạy quá tốc độ, thiếu quan sát, lấn đường, thậm chí sử dụng rượu bia, chất cấm… Nhất là vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế nhưng các tài xế cứ phóng ào ào, chỉ cần một sơ suất nhỏ hay có tình huống bất ngờ thì chắc chắn thảm họa sẽ xảy ra. Rồi nhiều nguyên nhân khác đã quá quen thuộc: hạ tầng chưa đồng bộ, xuống cấp; lượng phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh; ý thức người tham gia giao thông kém, việc kiểm tra, giám sát nơi này nơi khác còn buông lỏng….
6 tháng đầu năm, số liệu thống kê tai nạn giao thông giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước đã khẳng định một thực tế là khi chúng ta quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông, thực thi đồng bộ quyết liệt các giải pháp, tình hình trật tự an toàn giao thông có thể ngày càng cải thiện một cách tích cực hơn. Tuy nhiên, từ những tồn tại đã kể, từ những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gần đây, cho thấy diễn biến trật tự an toàn giao thông còn phức tạp, thậm chí rất phức tạp. Và chính vì thế, vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa, cần rất nhiều sự kiên trì, quyết liệt từ các cấp các ngành chức năng, mới góp phần thay đổi ý thức người tham gia giao thông, thiết lập được nền tảng thay đổi bền vững trong nề nếp trật tự an toàn giao thông.
Hoàng Khuê