Những tín hiệu lạc quan bước đầu trong việc kiềm chế các ca nhiễm COVID-19, khoanh vùng và kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng - là thành quả của sự nỗ lực hơn cả sức mình của hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cộng đồng rất lớn, là yếu tố then chốt làm nên thành công.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu hiệu quả trong bài toán chống dịch của Việt Nam. Để đánh giá toàn bộ công cuộc phòng chống dịch này, phải chờ thời gian và sự chung tay hiệp lực của tất cả mọi người.
Sự chủ quan, lơ là, hay khinh suất với dịch COVID-19 đều vô cùng nguy hiểm, tác hại khó lường. Thậm chí xấu nhất có thể phủi sạch thành quả mà cả nước phải căng mình chống dịch thời gian qua.
Liên tục nhiều ngày qua, tại TPHCM không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới. Tính đến sáng nay 13/4, tổng số trường hợp COVID-19 xác định là 54 trường hợp, trong đó có 40 bệnh nhân đã xuất viện.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một tài xế điều khiển xe vào TPHCM (Ảnh: LH)
Thời gian qua, Thành phố có ổ dịch đáng ngại là quán bar Buddha (Quận 2) vì đã có 13 trường hợp đến quán bar có xét nghiệm dương tính. Qua điều tra, các trường hợp tiếp xúc liên quan đến quán bar này lên đến 4.483 người.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, trong đó y tế dự phòng đã phải vô cùng vất vả để tìm ra hàng ngàn trường hợp tiếp xúc gần, kịp thời khoanh vùng, không để lây lan bệnh trên diện rộng. Với sự nỗ lực không ngơi nghỉ này, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thành phố dự kiến đến ngày 15/4 sẽ kết thúc theo dõi chuỗi lây nhiễm này khi chúng ta đã kiểm soát tình hình.
Tại Hà Nội, cũng bằng sự quyết tâm cao, ra quân bất kể ngày đêm của lực lượng y tế cùng hệ thống chính trị, ổ dịch tại xã Sơn Lôi đã được kiểm soát.
Sau 21 ngày thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa cách ly, không để xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới, vào lúc 0h giờ ngày 4/3 vừa qua, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chính thức hết thời hạn cách ly, dỡ bỏ phong toả.
Phân tích, xâu chuỗi vấn đề để thấy trong cuộc chiến này không có chỗ cho sự khinh suất. Hơn hết chúng ta đều đã hiểu rõ ràng những gì diễn ra trước mắt.
Tình hình thế giới hiện nay vô cùng phức tạp với sự tổn thất nặng nề với người, về tính mạng và vô số hậu quả không lường trước sự tấn công như vũ bão của dịch COVID-19.
Tính đến 20 giờ hôm nay 13/4, tình hình COVID-19 trên thế giới tiếp tục gia tăng với số ca mắc lên đến 1.867.130 ca tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số trường hợp tử vong đã lên đến con số 115.282 người. Rơi vào tình thế hết sức quan ngại này, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban bố cách ly xã hội và họ thực hiện với một sự cứng rắn, áp dụng ngay các lệnh phong tỏa, cách ly toàn xã hội chặt chẽ để kiểm soát tình hình.
Tại Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ 1/4, Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ như một yếu tố then chốt, giúp cho việc kiểm soát dịch COVID-19 được quán triệt nghiêm túc.
Chỉ thị nêu rõ về thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Trong các nội dung chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Trong thời điểm đó, Chỉ thị 16 ban hành, đó như là liệu pháp “nhắm trúng đích” đã phát huy mạnh tác dụng.
Trong bối cảnh cuộc chiến cam go với dịch bệnh, mọi người đều ý thức được sự nguy hiểm tột độ của dịch bệnh từ những gì diễn ra xung quanh, diễn ra trên thế giới nên đã bắt tay đồng tâm thực hiện. Chỉ thị được ban hành, các tỉnh, thành trong cả nước trong đó có TPHCM nghiêm túc thực hiện, rõ ràng sau đó đã cho thấy hiệu quả. Những buổi sáng liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới, số ca mắc giảm, khoảng cách tần suất mắc cũng thưa dần.
Đáng mừng, hồ hởi phấn khởi là vậy, niềm vui đó là niềm vui chung của toàn Đảng, toàn dân, tuy nhiên, vài ngày qua đã dấy lên tình trạng đáng lo ngại. Tâm lý chủ quan, khinh suất bắt đầu len lỏi ở một số bộ phận. Điều này dễ dàng nhận thấy khi trên các tuyến đường xe cộ bắt đầu đông hơn, người dân ra đường có vẻ nhiều hơn những ngày đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 16.
Người dân ra đường nhiều hơn trong những ngày gần đây (Ảnh: LH)
Ngay trước các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nhân vẫn ngồi ăn trước hay sau giờ tan ca tại những quán ven đường với khoảng cách rất gần nhau. Nhiều người bắt đầu không đeo khẩu trang khi ra đường. Và đến giờ này, khi gần hết thời hiệu Chỉ thị 16, nhiều người đã bắt đầu không còn xem chuyện chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu.
Thấy rõ về diễn biến này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 gần đây, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16, trước hết đến hết ngày 15/4, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.
Gắn theo ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng cho biết hiện nay, đã có hiện tượng người dân một số địa phương không chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, tham gia giao thông đông đúc, ra đường không đeo khẩu trang…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng quy định, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng…
Chỉ đạo này hoàn toàn thuyết phục khi đối chiếu với những diễn biến trên thế giới đặc biệt như Mỹ, một số quốc gia châu Âu như Ý, Tây Ban Nha… chúng ta sẽ thấy rõ, điều cần quán triệt trong phòng chống đại dịch đó là không có chỗ cho sự khinh suất.
Tại Việt Nam cụ thể là hai ngày qua, với 4 trường hợp mắc mới liên tiếp tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) cho thấy, cuộc chiến với dịch bệnh đúng như tinh thần “chống dịch như chống giặc”, diễn biến khó lường, không đoán trước được. Bất kỳ một sự chủ quan, lơi lỏng nào đều dẫn đến hệ lụy khôn lường trước và sẽ là mầm mống để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Lúc đó, trả giá cho bài học này là một sự tổn hại không thể đo đếm về tính mạng con người, về kinh tế thậm chí làm suy yếu cả một quốc gia. Đó là câu chuyện ám ảnh!
Như chúng ta biết, việc hạn chế tối đa đi lại, giãn cách xã hội chính là góp phần đẩy lùi dịch COVID-19 điều này chỉ thực hiện được khi có sự chung tay của cả cộng đồng. Chủ động nhưng không lơ là, quyết liệt nhưng linh hoạt trong phòng chống dịch là những quyết sách đúng đắn. Tuy vậy, mỗi người không thể xem câu chuyện này chỉ dừng lại ngày một, ngày hai hay 1 tuần, 2 tuần mà muốn chống dịch bền vững thì các yếu tố quyết định thắng lợi đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, liên tục, và phải mang tính vững bền!
Một người Anh được chữa khỏi COVID-19 tại Đà Nẵng bất ngờ dương tính trở lại - Bệnh nhân số 22 người Anh được chữa khỏi COVID-19 tại Đà Nẵng bất ngờ dương tính trở lại khi tới TPHCM.
Chiều 13/4: Thêm 3 ca mắc COVID-19 - Bộ Y tế vừa công bố phát hiện thêm 3 ca mắc COVID-19