Điển hình như vụ việc đêm 27/3, Công an TPHCM bắt giữ được lượng ma túy “khủng”ngay cầu vượt An Sương với 895 bánh heroin (tương đương 315 kg). Trước đó, ngày 19/3, lực lượng chức năng cũng bắt giữ khoảng 300kg ma túy đá tại quận Bình Tân… Nhiều đánh giá lo ngại: Liệu Việt Nam có đang là địa bàn trung chuyển ma túy của tội phạm xuyên quốc gia hay không?
Ma tuý xếp đầy trụ sở công an trong vụ bắt giữ được lượng ma túy “khủng”ngay cầu vượt An Sương với 895 bánh heroin (tương đương 315 kg). Ảnh: VNE/Công an cung cấp.
Có thể thấy, hai vụ bắt giữ ma túy lớn vừa qua đều do các đối tượng nước ngoài cầm đầu, nguồn ma túy đều từ vùng Tam giác vàng vận chuyển tới. Theo Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an: Hoạt động sản xuất, mua bán ma túy tại khu vực Đông Nam Á có chiều hướng gia tăng đã tác động mạnh đến Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an: Lượng ma túy vào Việt Nam có khoảng 20% dùng để sử dụng, 80% còn lại để trung chuyển đi Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, châu Úc, châu Âu... Tội phạm ma túy hiện diễn biến phức tạp cả trên đường bộ, đường không và đường biển do phương thức phạm tội càng lúc càng tinh vi. Vì thế, việc lo ngại nước ta đang dần trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý quốc tế hoàn toàn có cơ sở! Nhất là khi Việt Nam hội đủ các điều kiện thuận lợi để loại tội phạm này lợi dụng. Bởi riêng TPHCM, số người nghiện ma túy đã chiếm tỷ lệ cao nhất nước (với hơn 23.500 người nghiện có hồ sơ).
Ít ai biết, Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước có hệ thống pháp luật xử phạt việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy cứng rắn nhất thế giới. Nếu như mua bán, tàng trữ chỉ 0,1g heroin hoặc các loại ma túy dạng rắn đã phải chịu khung hình phạt từ 2 cho đến 7 năm tù. Còn theo khoản 4, Điều 194 Bộ Luật hình sự thì từ 100 gam trở lên có thể bị phạt tù 20 năm đến chung thân hoặc tử hình. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra, đó là: Vì sao luật quy định nghiêm như thế mà bọn tội phạm vẫn ngang nhiên hoành hành? Theo đánh giá của chúng tôi, đa số các đối tượng nhận thức rằng, nếu buôn 1 bánh đã có thể bị tử hình mà 10 bánh cũng thế, thậm chí 100 bánh cũng không thay đổi được thực tế. Do đó, vì lợi nhuận, bọn chúng sẵn sàng vận chuyển với số lượng cực lớn kèm tâm lý “được ăn cả, ngã về không”.
Có thể nói, tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Bởi từ ma túy sẽ dễ dàng sinh ra trộm cắp, cướp của, giết người… Làm sao để ngăn chặn hiệu quả tệ nạn ma túy đang là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng với toàn xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tội phạm đã lợi dụng chính sách mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi trong làm ăn của Việt Nam để phát triển, “vươn vòi bạch tuột” đến từng ngõ ngách cuộc sống. Do đó, đòi hỏi công tác quản lý, ngăn chặn phải thực tế hơn nhằm bắt kịp với sự thay đổi chung. Ai trong chúng ta cũng hiểu rõ: Tác hại của ma túy với sức khỏe, nhân cách của người nghiện và kéo theo sự khó khăn, sa sút về đời sống kinh tế, tinh thần của cả gia đình người nghiện; là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ phạm pháp hình sự... Nhưng có lẽ do nhịp sống hối hả nên đôi khi chúng ta đã có chút lơ làng, không quan tâm nhiều đến nó. Để rồi các vụ triệt phá ma tuý “khủng” vừa qua đã như những hồi chuông báo động, thức tỉnh mỗi người.
Đã đến lúc, xã hội và cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt hơn. Vai trò của từng gia đình, nhà trường cần đặt lên hàng đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, định hướng cho con em mình tránh xa “cái chết trắng”. Đừng nghĩ người sử dụng ma túy chỉ khoanh lại ở một vài đối tượng cá biệt, hư hỏng. Có thể thấy người nghiện giờ có ở nhiều thành phần, nhiều ngành nghề... Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh một cách thực chất, có chiều sâu phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy bằng những chương trình, hành động cụ thể, thường xuyên. Song song đó là các biện pháp để giảm cầu ma túy trong nước cũng như quản lý các đối tượng nghiện, các đối tượng có liên quan đến ma túy.
Ngoài ra, cần tập trung sức mạnh của các kênh thông tin đại chúng, các tổ chức, tôn giáo... tuyên truyền cho người dân, nhất là giới trẻ hiểu đúng về tác hại của ma túy để mỗi người tự ý thức, tự nói "không" với ma túy. Nói cách khác phải vận động người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo khí thế mạnh mẽ đến toàn xã hội. Quan trọng nhất, các lực lượng chức năng cần tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, thậm chí hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống. Để mục tiêu này triển khai có hiệu quả, lực lượng chức năng phải chủ động phối hợp với các nước triệt phá ma túy để phòng ngừa, ngăn chặn chúng từ xa, giảm lượng cung từ nước ngoài vận chuyển trái phép vào nước ta. Không phải đơn giản mà tội phạm ma tuý chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển “hàng” nhưng với quyết tâm của toàn xã hội thì tin rằng: Chúng ta sẽ hoàn toàn ngăn chặn được vấn nạn này.