Liệu Mỹ có rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới?

(VOH) - Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO nếu tình hình không được cải thiện.

Trước đó, chính quyền Washington không ít lần chỉ trích WTO đối xử không công bằng với Mỹ và có phần “ưu ái” Trung Quốc. Theo giới phân tích, tuyên bố của Tổng thống Trump rõ ràng mang một thông điệp: “Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và rộng hơn là trật tự thương mại toàn cầu cần phải tuân thủ ‘luật chơi’ của Mỹ đặt ra, hoặc nếu không tất cả sẽ không còn giá trị”.

Nghe bài viết tại đây.  

Chỉ trong vòng 1 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần dọa rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – tổ chức giúp xác lập và điều hành hệ thống thương mại toàn cầu. Ngày 13/8, ông Trump cho biết sẽ hành động nếu tổ chức này không sửa đổi các điều khoản quy định mà theo ông ‘ưu ái’ Trung Quốc. Tổng thống Trump lập luận Mỹ nhiều năm qua bị thua thiệt, đồng thời thể hiện quyết tâm không để tình trạng này tái diễn. Trươc đó, cách đây đúng 1 năm, Tổng thống Trump từng đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới khi chỉ trích tổ chức này có cách đối xử không công bằng với Mỹ, đồng thời khẳng định Washington không cần tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức thương mại quốc tế này. Tiếp lời Tổng thống Donald Trump, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cáo buộc Tổ chức Thương mại Thế giới can thiệp vào chủ quyền của Mỹ, nhất là trong các trường hợp chống bán phá giá, nhằm cân bằng lợi ích trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn ảnh: AFP 

Những phát ngôn của chính quyền Donald Trump khiến hình ảnh của Tổ chức Thương mại Thế giới bị suy giảm phần nào và tạo ra cảm giác rằng Mỹ chính là ‘nạn nhân’ của hệ thống thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ đã nhiều lần giành phần thắng trong các cuộc tranh chấp thương mại do WTO làm trung gian giải quyết, trong đó nổi bật nhất là vụ Mỹ kiện Liên minh châu Âu (EU) trợ giá hãng sản xuất máy bay Airbus gây tổn hại cho đối thủ Boeing của Mỹ. Thực tế, trước khi ‘sắm vai’ bên chịu thiệt tại Tổ chức Thương mại Thế giới, Mỹ còn đang khiến tổ chức này không thể vận hành bình thường. Do đó, nhiều quan điểm cho rằng “Mỹ không phải là nạn nhân, mà đôi khi còn là thủ phạm” khiến Tổ chức Thương mại Thế giới xáo trộn.

Thực tế cho thấy Tổng thống Donald Trump không thân thiện với Tổ chức thương mại thế giới bởi vì, ông Trump luôn “tâm đắc” với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và luôn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chứ không phải tự do mậu dịch mới có lợi nhất cho nước Mỹ. Quan điểm và nhận thức này trái ngược hoàn toàn với tôn chỉ và mục đích hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới. Hơn nữa, ông Trump luôn theo đuổi khẩu hiệu "Nước Mỹ là trước tiên" với nội hàm là vì lợi ích riêng của nước Mỹ mà bất chấp tất cả. Tham gia Tổ chức thương mại thế giới, Mỹ phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung của tổ chức này tức là Mỹ không thể tự tung tự tác để gây tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác và cũng không tránh khỏi bị các thành viên khác sử dụng các nguyên tắc của Tổ chức này để chống lại Mỹ. Bởi vậy, ra khỏi Tổ chức thương mại thế giới thì Mỹ sẽ không bị lôi vào chuyện kiện tụng, không còn bị ràng buộc vào mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau hơn 2 thập kỷ Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó là ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ. Theo giới phân tích, đây mới là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc Tổ chức Thương mại Thế giới phải cải tổ theo hướng đảm bảo vị thế và lợi ích Mỹ như trong hệ thống Bretton Woods, từng được xác lập hơn nửa thế kỷ qua.

Ở một góc nhìn khác, những đòn cảnh báo của Tổng thống Mỹ có lẽ không chỉ liên quan tới những thiệt thòi mà nước Mỹ phải chịu do WTO gây ra. Ý định thực sự mà Tổng thống Trump hướng tới còn lớn hơn thế. Khi Mỹ đã đưa ra luật chơi, tạo ra cuộc chơi mà nay lại muốn bỏ cuộc chơi thì hàm ý ở đây là Mỹ  đang hướng tới cuộc chơi mới với những luật chơi mới, và Mỹ sẽ là tác giả của một loạt các luật chơi mới. Đó là việc Washington muốn muốn tái lập vị thế độc tôn của đồng đô la Mỹ và thương mại Mỹ.

Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ hiện tại vốn chủ trương thiết lập các thỏa thuận thương mại song phương, ở đó, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh của mình - cả về chính trị, kinh tế, quân sự - để ép đối phương phải nhượng bộ, từ đó tối đa hoá lợi ích Mỹ. Đây là điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được. Các chuyên gia thương mại đi tới thống nhất rằng tổng thống Trump muốn lồng ghép cơ chế song phương trong cơ chế đa phương, từ đó tạo ra sân chơi không bình đẳng, nơi Mỹ đặt ra các luật chơi cho các mối quan hệ song phương và đa phương. Trong khi ngược lại, nếu các quốc gia khác đưa vấn đề ra giải quyết tại WTO thì Mỹ cho rằng họ bị Tổ chức Thương mại Thế giới can thiệp vào chủ quyền, đặc biệt là đối với các vụ chống bán phá giá. Do vậy, việc Tổng thống Trump yêu cầu WTO cải tổ thực ra là muốn định chế này tạo ra một sân chơi không bình đẳng mới trên toàn cầu.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, liệu động thái của Mỹ có trở thành hiện thực hay chỉ là lời đe dọa nhằm tạo sức ép với cả Tổ chức Thương mại Thế giới và Trung Quốc? Theo luật, ông Trump dù là Tổng thống Mỹ, nhưng không thể tự quyết định được việc này, mà phải thông qua Quốc hội Mỹ mới có thể chính thức rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới. Mặt khác, không có gì đảm bảo rằng đa số các thượng nghị sỹ Cộng hoà trong Quốc hội cũng muốn Mỹ rút ra khỏi Tổ chức thương mại thế giới như ông Trump. Trong khi đó, ý tưởng này chắc chắn sẽ bị đảng Dân chủ phản đối và cản trở tại Hạ viện nơi đảng này đang nắm quyền kiểm soát. Ngoài ra, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng không phải là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới. Không có sự tham gia của Mỹ, Tổ chức thương mại thế giới vẫn tồn tại, hoạt động và phát triển. Rút khỏi tổ chức này, Mỹ sẽ bị cô lập hoàn toàn và sẽ không còn đóng vai trò nào trong việc xác định luật chơi chung của thương mại toàn cầu. Nếu một mình Mỹ đối địch với thế giới thì Mỹ chỉ có thể thua thiệt.  Do vậy, có thế thấy rằng, ông Trump hiện chỉ ngỏ ý hoặc ngầm có ý như vậy với mục đích yêu cầu Tổ chức thương mại thế giới có một số thay đổi có lợi cho Mỹ, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chứ cũng khó có khả năng ông Trump có ý định thực sự rút nước Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới trong thời gian tới.

Việt Nam giành Huy chương Bạc trong Tank Biathlon 2019 - Đội Việt Nam hôm nay 15/8 về đích thứ hai với thành tích 2 giờ 24 phút 25 giây, xếp sau đội Uzbekistan trong chung kết Tank Biathlon.
Mỹ gia hạn thời gian giữ tàu chở dầu Iran – Động thái của Mỹ hôm 15/8 kéo dài thời gian giữ tàu chở dầu Iran bị bắt tại Gibraltar có thể làm hỏng mọi nỗ lực của Anh để hạ nhiệt căng thẳng với Tehran.
Bình luận