Mạnh mẽ tuyên chiến với thực phẩm bẩn

(VOH) - Một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn thực phẩm bẩn là tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Điều này không có gì bàn cãi. Việc quản lý chất lượng thực phẩm trên địa bàn trước đây do 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương thực hiện theo phân cấp, nên ít nhiều có sự chồng chéo, đùn đẩy, giẫm chân nhau. Nay Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP ra đời, các đầu mối sẽ quy về một. Từ nền tảng thành quả đã có, bộ máy chuyên trách này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại hiệu quả đột phá trong việc quản lý an toàn thực phẩm, mang lại niềm tin và sự an tâm cho người dân.

Việc sử dụng thực phẩm bẩn thường xuyên gây ra những tác hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. (Ảnh: SK&ĐS)

Thực phẩm bẩn là mầm mống của bệnh tật và bao nhiêu hệ lụy nghiêm trọng khác. Người dân mỗi ngày xách giỏ đi chợ lo bữa ăn hay vào hàng quán, hình như chỉ biết phó mặc may rủi. Ma trận thực phẩm bẩn, độc hại vây bủa khiến nhiều người bất lực, tặc lưỡi, nhắm mắt cho qua, bởi không biết làm cách nào để tự bảo vệ mình. 

Những hành lang pháp lý, hàng rào bảo vệ có lúc không đủ sức ngăn chặn thực phẩm độc hại hàng ngày len lỏi vào đời sống, vào bữa ăn từng gia đình. Bao lần phát hiện nguồn thực phẩm bẩn hàng chục, hàng trăm tấn, rồi thực phẩm tẩm hóa chất độc hại, hay rất nhiều ca ngộ độc nặng đã từng diễn ra chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Một bữa ăn sạch là điều ai cũng mong muốn, nhưng điều tưởng như đơn giản đó thực tế lại là mong ước nhức nhối và đau đáu với mỗi gia đình. Vấn đề thực phẩm không chỉ là bữa ăn, đó còn là sức khỏe, là chất lượng cuộc sống, là chất lượng giống nòi.

Chính vì thế, việc tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức cần thiết, cũng là yêu cầu bức bách của người dân. Trên thực tế, cả bộ máy dù có nhiều nỗ lực, song việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân còn xa mới đạt như kỳ vọng. Hy vọng sự đột phá từ cơ quan chuyên trách Ban quản lý an toàn thực phẩm mà thành phố vừa thí điểm thành lập cũng là lời tuyên chiến mạnh mẽ với thực phẩm bẩn, là cam kết về những nỗ lực của Thành phố trong việc cùng góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.  

Phải thừa nhận rằng, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mọi lúc mọi nơi, chỉ quyết tâm thôi chưa đủ. Lực lượng thanh tra chuyên trách cũng như từng địa phương, từng quận, huyện, phường xã cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là các chợ, bếp ăn tập thể. Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm vừa khoa học vừa cập nhật kịp thời những thay đổi thực tiễn. Không phải chỉ làm theo phong trào, thời vụ, việc tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm phải được làm xuyên suốt, từ người nuôi trồng đến nhóm đối tượng vận chuyển, chế biến và người tiêu dùng. Và việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Không thể để cho những người vì chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, không thể để thực phẩm bẩn có đất sống.

Song song với việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, vấn đề quan trọng không kém là tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho thành phố. Đảm bảo nhu cầu ăn hàng ngày của hơn mười triệu dân như TPHCM là một vấn đề nan giải. Hơn 80% thực phẩm cho TPHCM lại do các tỉnh cung cấp. Vì vậy, để có nguồn thực phẩm sạch ổn định, TPHCM phải liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành khác. Một khi TPHCM có nhiều biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn thực phẩm thì các địa phương khác cũng phải vào cuộc quyết liệt tương tự. Có như thế, tình hình an toàn thực phẩm mới có thể cải thiện rõ rệt.

Việc UBND TPHCM thống nhất cơ quan chuyên ngành của 3 sở thành một ban quản lý an toàn thực phẩm là một quyết định đột phá cho công tác này. Tuy nhiên, hệ thống này phải được thiết lập chặt chẽ từ thành phố đến các quận huyện và phương xã, trong đó việc kiểm tra giám sát của người dân là đặc biệt quan trọng. Thực tiễn đang đòi hỏi, những sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm phải được xử lý kiên quyết và nghiêm khắc. Vì thế, đã đến lúc phải coi hành vi buôn bán, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn là tội ác. Những vi phạm nghiêm trọng phải được truy tố trước pháp luật và xử lý thích đáng. Làm được vậy, người dân mới có thể an tâm về những bữa ăn sạch, an tâm về thực phẩm an toàn, an tâm cho sức khỏe và tương lai.