Một số vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp

(VOH) – Trong thời gian qua, mô hình liên kết nhiều nhà trong lĩnh vực nông nghiệp được khuyến khích hình thành. Vấn đề cần thiết là xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương, Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, nông dân... trong mối liên kết này.

Hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hợp đồng được ký giữa người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp muộn nhất là từ đầu vụ sản xuất hoặc đầu chu kỳ nuôi, đầu chu kỳ khai thác sản phẩm nông nghiệp. Chính nhờ hợp đồng hợp tác, liên kết này, các thành phần sẽ tham gia vào.

Người sản xuất và người tiêu thụ trong mối liên kết này đóng vai trò chính. Người sản xuất ở đây có thể là nông dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Và người tiêu thụ có thể là cá nhân thương lái, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, các siêu thị bán lẻ.

Điều quan trọng là trong một vùng sản xuất đó, tổ hợp tác hoặc HTX, doanh nghiệp hợp đồng với nhiều nông dân để nâng cao năng suất, sản lượng một loại nông sản, đáp ứng yêu cầu là một bên sản xuất, cung ứng nông sản. Bên sản xuất căn cứ giá cả thị trường, ước tính chi phí sản xuất, dự kiến giá thành... để đàm phán với bên tiêu thụ, bảo đảm cho sản xuất có lợi nhuận.

Tương tự như vậy, một tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, siêu thị có thể hợp đồng với một hoặc nhiều thương lái hoặc tự mình đứng ra là một bên đối tác, tiêu thụ nông sản.

Bên tiêu thụ cũng hạch toán hiệu quả kinh doanh để ký kết hợp đồng với bên sản xuất và cùng nhau có lợi nhuận. Khi bên sản xuất và bên tiêu thụ cùng giữ chữ tín, cam kết, tôn trọng, chân thành vì hài hòa lợi ích chung, cùng nhau hưởng lợi... tất nhiên, mọi chuyện đều suôn sẻ, khó khăn sẽ vượt qua.

Còn ngược lại, sẽ xảy ra chuyện bẻ kèo như đã từng xảy ra. Ví dụ, trước đây, một số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, cung ứng vật tư và tiêu thụ lúa với hàng ngàn nông dân qua một HTX, có thông qua chứng nhận của chính quyền cơ sở.

Khi vào vụ thu hoạch, nếu lúa trên thị trường có giá, nông dân hoặc HTX bẻ kèo bán lúa ra ngoài, doanh nghiệp không mua được lúa theo kế hoạch. Và cũng có truờng hợp một số doanh nghiệp bẻ kèo, không mua lúa do giá lúa trên thị trường sụt giảm. Chính vì lợi ích trước mắt mà các bên có thể làm mất uy tín trong mối liên kết đã tốn nhiều công sức xây dựng.

Về phía chính quyền địa phương trong mối liên kết, chưa nổi bật vai trò. Chính quyền địa phương là nơi có nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành và hoạt động của các tổ hợp tác, HTX. Theo ngành nông nghiệp, bên cạnh một số tổ hợp tác, HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả vẫn còn những đơn vị hoạt động yếu kém.

Một trong các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tổ hợp tác, HTX chưa có sức bật và bước đột phá trong thời gian qua, chưa đáp ứng đòi hỏi mới của nền kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là sự xung đột vai trò giữa các bên. Đó là ở một bộ phận khá lớn các địa phương có tổ chức HTX, chưa nhận thức đúng và làm đúng, làm tốt vai trò mình, trong khi có những sự can thiệp hoặc tác động chưa phù hợp tới các nguyên tắc, nguyên lý phát triển của hợp tác xã, liên kết nông dân.

Chính quyền địa phương thay vì hỗ trợ, thúc đẩy, tạo sự thông thoáng và tự chủ mà quản lý theo mệnh lệnh hành chính đã vô hình chung tạo nên những rào cản, những vòng kim cô cho sự phát triển của các HTX, làm chệch hướng phát triển theo các quy luật của kinh tế hợp tác và kinh tế thị trường.

Từ đó, dẫn tới các khó khăn mà tổ chức nông dân, HTX gặp phải trong phát triển chính mình, sự chồng chéo và kém hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, chính sách. Cũng như sự huy động hỗ trợ và nguồn lực thiếu, kém hiệu quả để phát triển các HTX.

Các HTX tiếp cận không tốt tới các chính sách cũng như phản hồi việc thực thi các chính sách trong thực tiễn tại các địa phương. Mặt khác, mặc dù có chứng nhận mối liên kết giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ nhưng khi xảy ra tình trạng bẻ kèo, chính quyền địa phương cũng không thể xử lý nông dân lẫn doanh nghiệp vi phạm hợp đồng liên kết. Vì vậy, chính quyền cần tư vấn, hỗ trợ cho các bên để không xảy ra vi phạm hợp đồng.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đưa ra nguyên tắc liên kết là tự nguyện, bình đẳng, cùng chịu trách nhiệm, cùng có lợi và chia sẻ rủi ro. Và thông qua hợp đồng hợp tác, liên kết giữa các đối tác tham gia liên kết hoặc đề án, dự án hỗ trợ nhằm phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn và chuỗi giá trị. Đây là chìa khóa để thực hiện mối liên kết ngày càng bền chặt, hiệu quả hơn.