Mỹ - Nhật “sưởi ấm” quan hệ đồng minh

(VOH) - Hôm thứ 3 đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày với tư cách quốc khách đầu tiên của quốc gia Đông Bắc Á kể từ khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi.

Các bất đồng thương mại giữa Tokyo và Washington vẫn tiếp diễn với việc hai nước không ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, nhìn tổng thể chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Trump đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho cả hai nước. Bình luận của Nhà báo Nhật Quang đề cập nội dung này:

Mục tiêu chính trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Nhật Bản được cho là để tái khẳng định và củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, trong bối cảnh còn khá nhiều về các vấn đề song phương cũng như trong cách tiếp cận đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Đặc biệt, việc thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do làm hài lòng cả hai bên hay tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế mà Mỹ và Nhật Bản cùng có chung lợi ích như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Iran, quan hệ với Nga, Trung Quốc và thống nhất quan điểm trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 6 tới tại Nhật Bản... là những nội dung chính của hội nghị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Vốn là hai đồng minh chủ chốt, nhưng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, quan hệ Washington-Tokyo cũng trải qua nhiều sóng gió. Một trong những bất đồng chính khiến quan hệ Mỹ-Nhật căng thẳng là chính sách bảo hộ thương mại mà Mỹ đang theo đuổi. Việc Tổng thống Trump áp dụng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” theo đó gây sức ép buộc Nhật Bản phải cân bằng cán cân thương mại song phương, khiến Tokyo và Washington “nhức đầu”.

Mặc dù Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên ở Washington giữa tháng 4 vừa qua, trong đó Mỹ thúc giục Nhật Bản cắt giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ "càng sớm, càng tốt" và loại bỏ các loại thuế lớn của Nhật Bản đánh vào các nông sản nhập khẩu từ Mỹ, tuy nhiên Nhật Bản chưa đáp ứng điều này. Để buộc Tokyo phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản – một mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào Mỹ. Do đó, những căng thẳng thương mại Nhật-Mỹ khiến bầu không khí của chuyến thăm, dù bên ngoài “tay bắt mặt mừng” nhưng bên trong thì cả Thủ tướng Nhật và nhà lãnh đạo Mỹ đều đối đầu căng thẳng. Kết quả là thượng đỉnh Mỹ-Nhật đã không ra được Tuyên bố chung, dù ông Trump thăm Nhật tới tận 4 ngày.

Đối với Mỹ, việc không đạt được một thỏa thuận hay một tuyên bố chung với Nhật Bản sẽ là một thất bại đối với Tổng thống Trump trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ rất cần một thành quả mạnh mẽ để bước vào cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Trong khi đó, việc ông Trump lựa chọn cách tiếp cận mềm mỏng trong vấn đề Triều Tiên-nhưng vẫn buộc nước này phải giải giáp hạt nhân, trong khi Thủ tướng Nhật Bản khẳng định ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vô điều kiện, khiến lập trường hai bên có phần xa cách.

Điểm sáng duy nhất trong chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày của ông Trump là vấn đề Iran. Đối với Nhật Bản, Iran từng là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Tokyo. Nhật Bản luôn muốn đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ đang căng thẳng với Iran xung quanh việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và cần một nhà hòa giải đủ năng lực để tháo gỡ bất đồng.

Do đó, việc Thủ tướng Nhật bản cân nhắc sẽ thăm Iran vào giữa tháng 6 để làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran, là ý tưởng được Tổng thống Mỹ hoan nghênh. Mục tiêu trước mắt của Mỹ vẫn là tập trung đối phó Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới - cơ hội giúp liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe củng cố thế đa số trong Nghị viện.Chính vì thế, chuyến thăm Nhật Bản của ông Trump lần này là cơ hội để hai đồng minh "dàn xếp" các động thái của nhau trước một loạt sự kiện quan trọng cả trong nước lẫn quốc tế. Việc lần đầu tiên một tổng thống Mỹ ghé thăm một tàu chiến Nhật Bản cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh một thông điệp rõ ràng: “Quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cho dù vẫn còn bất đồng thương mại”.

Kết quả cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo lần này, chỉ dừng lại việc hai bên nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương mới nhằm đạt được một mối quan hệ hai bên cùng có lợi, trong đó Tổng thống Trump đã nói bóng gió về khả năng hai nước sẽ công bố một thỏa thuận thương mại mới vào tháng 8 tới.

Trước đó, trong dòng tweet đăng tải hôm 26/5, Tổng thống Trump đã đề cập tới về việc Washington sẽ không thúc ép Tokyo phải đạt được thỏa thuận thương mại song phương trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử thượng viện ở Nhật Bản vào tháng 7/2019. Điều này cho thấy có vẻ Tổng thống Trump đã hiểu rõ quan ngại của Thủ tướng Abe về những tác động tiêu cực đối với đảng cầm quyền nếu Tokyo bị ép phải nhượng bộ Washington trong lĩnh vực nông nghiệp trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.

Nhìn tổng thể, kết quả cuộc gặp cho thấy những cam kết đem lại lợi ích cho cả hai nước và giúp hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ gia tăng sự ủng hộ của cử tri. Tất nhiên, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đều hiểu rõ điều này và tiếp tục tận dụng hóa tối đa các cơ hội mà chuyến thăm mang lại./.