Năm 2020 nhiều khó khăn với Liên minh châu Âu

(VOH) - Năm 2019 đã khép lại với những gam màu xám ở Lục Địa già.

Nếu như “ánh sáng đã hé lộ cuôi đường hầm” với tiến trình Brexit ở nước Anh, thì Liên minh châu Âu năm 2019 tiếp tục đối mặt với mâu thuẫn nội khối, tình trạng chia rẽ và tâm lý hoài nghi đối với tiến trình nhất thể hóa tham vọng mà khối này đặt ra... Vì thế câu hỏi lớn đặt ra với Liên minh châu Âu trong năm 2020 là chặng đường tới sẽ ra sao?

Kể từ thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vào tháng 6/2016 cho đến khi bắt đầu những đàm phán đầu tiên về Brexit, nước Anh đã mất 9 tháng để có thể xác định được đâu là chiến lược về Brexit mà họ cần theo đuổi. Đến tháng 3/2017, Anh và Liên minh châu Âu mới bắt đầu đàm phán.Bất đồng nội bộ nghiêm trọng trong chính trường Anh về Brexit, đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Theresa May phải ra đi (tháng 7/2019) và phe Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson lên nắm quyền.

Nhìn lại tiến trình Brexit trong năm 2019, cụm từ “bế tắc toàn diện”đã thể hiện chính xác nhất những gì diễn ra ở nước Anh. Mặc dù trong 15 ngày cuối cùng của năm 2019, nước Anh đã tìm được giải pháp khai thông bế tắc, đó là chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc tổng tuyển cử hôm 12/12, tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi của Brexit như thuế quan, biên giới cứng của Bắc Ireland trong tương lai, vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Những yếu tố trên được dự báo tiếp tục là trở ngại lớn nhất của tiến trình Brexit những ngày tới. Dẫu sao kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 12/12 được cho là “ánh sáng cuối đường hầm” khi nó tháo gỡ thế bế tắc kéo dài suốt 3 năm qua của tiến trình Brexit. Vương quốc Anh giờ đây đã có một Hạ viện mới, với một đa số ghế mạnh mẽ trong Quốc hội của đảng cầm quyền nên chắc chắn tiến trình Brexit sẽ sớm đi vào hồi kết vào ngày 31/1/2020 tới.

Ảnh minh họa

Đối với Liên minh châu Âu, kết quả này được ví như một sự “thở phào nhẹ nhõm”, bởi họ đã quá chán ngán với mớ bòng bong hỗn loạn từ nước Anh. Do đó, việc đảng Bảo thủ thắng lớn tại cuộc bầu cử hôm 12/12 được cho là một kết quả mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu mong đợi. Vấn đề không phải là Liên minh châu Âu ủng hộ đảng Bảo thủ hay Công đảng, mà họ “thở phào” vì thấy con đường Brexit phía trước trở nên rõ ràng hơn và tình trạng bất định lâu nay sẽ chấm dứt.

Bài toán đặt ra đối với Liên minh châu Âu những ngày đầu năm 2020 này là tương lai mối quan hệ Anh- Liên minh châu Âu sẽ như thế nào? Bởi dù Anh không còn là thành viên Liên minh châu Âu thì với các yếu tố về vị trí địa lý, lịch sử, văn hoá và chính trị, nước Anh vẫn không thể tách rời với Liên minh châu Âu. Nhưng liệu Liên minh châu Âu có thể hoàn tất đàm phán với Anh trong 11 tháng-tác bạch mọi thứ rạch ròi như kỳ vọng, để hai bên có thể trở thành những đối tác bình đẳng hay không lại là một bài toán bất khả thi. Trong khi đó, bản chất mối quan hệ mới giữa Anh và Liên minh châu Âu sẽ biến chuyển theo hướng nào, thì chưa bên nào có thể đưa ra câu trả lời. Trong bài phát biểu mới đây tại Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Liên minh châu Âu sẽ có một đối thủ đáng ghờm là Vương quốc Anh. Bởi đã xuất hiện những lo ngại chính quyền của Thủ tướng  Boris Johnson sẽ theo đuổi các chính sách bất bình đẳng về thương mại, thuế quan, về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường…với EU và đây là điều Liên minh châu Âu không mong muốn ở một thành viên cũ.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu - hội nghị mở đầu của nhiệm kỳ 5 năm hôm 14/12 đã phải trải qua các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài tới 10 giờ để tạm đạt được sự thống nhất cho mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khối, Thỏa thuận Xanh châu Âu. Từ trước đến nay, chống biến đổi khí hậu luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của khối, ngay cả trong chính sách của tân Chủ tịch Liên minh châu Âu bà Von De Layern.

Tuy nhiên, sự chia rẽ đã xuất hiện khi Ba Lan, Hungary và CH Séc, những nước có nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào than đá, đã tìm mọi cách để trì hoãn kế hoạch trên của Liên minh châu Âu.Khác biệt sâu sắc xảy ra giữa các nước châu Âu và Ba Lan, đất nước đã từ chối đăng ký vào mục tiêu lượng thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã “đòi” nhận 560 tỷ euro từ nay đến năm 2030 để giúp Ba Lan đóng cửa các nhà máy điện than.Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh mang tính định hướng của khối, mục tiêu chung về trung hòa carbon (lượng khỉ thải bằng 0) vào năm 2050, rốt cuộc đã được viết như sau: "một quốc gia, ở giai đoạn này, không thể cam kết thực hiện mục tiêu trên. Hội đồng sẽ trở lại thảo luận vấn đề này vào tháng 6/2020".

Vấn đề thứ hai, đó là ngân sách chung của khối. Việc nước Anh ra đi sẽ để lại một khoảng trống ngân sách cho Liên minh châu Âu. Phần Lan, nước nắm giữ chức chủ tịch 6 tháng của Hội đồng châu Âu từ ngày 1/1/2020, đã đưa ra một đề xuất đặt mức đóng góp ngân sách châu Âu ở mức 1,07% tổng thu nhập quốc dân (GDP). Về phần mình, Ủy ban đã đề xuất mức 1,114% trong khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan và Áo chỉ muốn đóng góp 1,0% GDP vào “túi tiền” chung của khối. Rõ ràng, sự khác biệt về quan điểm và chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu đang trở thành một rào cản nghiêm trọng, khi các "đầu tàu" như Đức hay Pháp tỏ ra vượt trội với phần còn lại, đặc biệt là những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu mới gia nhập Liên minh châu Âu chưa lâu, hay thậm chí cả những nước từng là "đầu tàu" nhưng nay bị tụt lại phía sau... Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả liên minh, bất chấp sự phát triển không đồng đều từ bên trong và thách thức từ bên ngoài, nhiệm vụ này xem ra cũng không kém phần nặng nề, khi mà thực tế đã cho thấy những dấu hiệu không mấy lạc quan về nguy cơ bất ổn hay suy thoái cận kề Liên minh châu Âu năm 2019.

Nhìn lại năm 2019, câu chuyện người di cư tràn vào châu Âu vẫn tiếp tục tạo ra những hệ lụy về mặt xã hội và an ninh, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Liên minh châu Âu. Nguy hiểm hơn, bóng ma khủng hoảng quay trở lại đe dọa thúc đẩy các đảng theo đường lối dân túy trỗi dậy mạnh mẽ hơn ở khắp nơi. Đây là điều Liên minh châu Âu hết sức lo ngại.

Đây cũng là bài toán đặt ra đối với Liên minh châu Âu trong năm 2020 này. Vấn đề nổi cộm nhất đặt ra với khối trong năm 2020 là câu chuyện “con thuyền Liên minh châu Âu sẽ rẽ lái” theo hướng nào trong 5 năm tới?

Với tham vọng xây dựng một châu Âu có sức nặng về "địa chính trị", các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu sẽ phải thích nghi với một thế giới của các siêu cường. Liên minh châu Âu tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ tốt hoặc chí ít là không đối đầu với các siêu cường như Trung Quốc, Nga, thậm chí là Mỹ, đối tác truyền thống xuyên Đại Tây Dương của Liên minh châu Âu, song mối quan hệ hai bên đang sứt mẻ nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tháng 1/2017. Mục tiêu này đòi hỏi Liên minh châu Âu phải có được sức mạnh cả về chính trị, kinh tế và quân sự tương xứng. Điều cản trở chính lại nằm ở chính Liên minh châu Âu, bởi vấn đề quan hệ giữa Liên minh châu Âu với các cường quốc trên tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ khối, mà nguyên nhân xuất phát từ những cân nhắc lợi ích của từng nước thành viên.

Nhìn vào những gì đang diễn ra, có thể nói Liên minh châu Âu sẽ buộc phải tính toán lại những bước đi của mình nếu không muốn tụt lại phía sau khi năm 2020 đã tới.