Người dân mới có thể giải quyết triệt để nạn... ăn xin

(VOH) – Từ năm 2014, TPHCM có chủ trương “thu gom” người ăn xin vào các cơ sở xã hội. Tuy nhiên, dù có giảm nhưng “nạn” ăn xin vẫn tồn tại và núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ăn xin cũng tại... người dân

Đến Lăng ông Bà Chiểu sáng 19/2, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ ăn mặc lôi thôi, ngồi cạnh chiếc cổng nhỏ bên hông Đền thờ. Dù không hề đặt nón trước mặt nhưng khi có người đi qua, người phụ nữ này lại chìa tay xin tiền.

Đầu năm đi chùa, nhiều người sẵn sàng làm phước nhưng có lẽ họ sẽ không hề vui khi biết sau khi cho tiền, người phụ nữ kia lại phì phèo hút thuốc và đếm tiền lẻ.

Bà cụ xin tiền bên trong khu mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt - Lăng Ông Bà Chiểu, ngày 19/2 (Ảnh: Lan Hương)

Đi vào khu mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt (phía trước Đền thờ), phóng viên gặp một bà cụ tóc bạc ngồi bệt dưới đất đọc báo. Cụ già cũng chẳng ngần ngại chìa tay, cười hềnh hệch và nài nỉ: “Con có tiền lẻ cho bà đi. Chẳng đáng bao nhiêu đâu! Cho bà đi, làm phước!”.

Khi được hỏi nhà bà ở đâu, sao ngồi đây thì bà cụ trả lời bâng quơ: “Nhà bà quanh khu này thôi, con cho bà đi, đầu năm…”. Với những lời van nài thế này, nhiều người dù khó chịu cũng phải móc bóp để “biếu” bà ít tiền lẻ.

Chị Hải Yến - Quận 1, TPHCM chia sẻ: “Biết là họ không phải nghèo đói gì thật, nhưng đi qua lại một vài lần vẫn thấy họ đứng, ngồi một chỗ thì lại động lòng bỏ ít tiền dù chẳng nhìn kĩ mặt họ ra sao. Lúc sau, lại thấy một người xin tiền gần đấy, tự nhiên thấy mình... ngớ ngẩn".

"Ra đường, nhìn nhiều cảnh trẻ con, bồng bế nhau ăn xin khổ cực, không giúp đỡ thì áy náy, giúp thì như là mình gián tiếp giúp cho kẻ xấu" - chị Hà Thương (Quận Thủ Đức) thở dài.

Chị Ngọc Hương - một chuyên viên thiết kế tại quận 3 kể, khi còn là sinh viên, chị cùng nhóm bạn hay tổ chức tặng quà cho trẻ lang thang, ăn xin vào dịp lễ nhưng sau này, chị đặc biệt không cho tiền các đối tượng này nữa vì biết các em bị chăn dắt.

Theo chị Hương: "Nếu ai cũng cho tiền thì chắc chắn ăn xin giả sẽ thành một nghề và không thể nào dẹp được".

Theo quan sát của phóng viên, trên đường Xa Lộ Hà Nội, dưới chân cầu vượt Cát Lái, thường xuyên thấy cảnh bà cụ phơi nắng, phơi mưa ngồi ven đường để... bán tăm bông. Nhìn bề ngoài, bà không phải là ăn xin, cũng chẳng để nón trước mặt xin tiền. Chỉ có điều, người mua ủng hộ thì ít nhưng người dừng đèn đỏ cho tiền thì nhiều. Khi nhận tiền bà cũng không quên khum hai tay trước mặt cảm ơn đầy… xúc động.

Không ai nghĩ bà là người ăn xin nhưng lòng thương không đúng lúc vô tình tạo nên những người "ăn xin" như thế.

Một người ăn xin trước cổng chùa Phước Hải, Quận 1 (Ảnh: Lan Hương)

Đầu năm mới, khi đến các đền chùa, người dân dễ dàng gặp người ăn xin. Dù không xếp hàng dài, nhao nhao chìa nón như trước đây nhưng đâu đó người ta vẫn gặp người nhếch nhác đứng chìa nón hay đơn giản là xin xỏ khi có người đi qua; cảnh hàng loạt người già, trẻ em, người không lành lặn đu bám bán vé số, rồi "tiện miệng" xin tiền. Khoảng cách từ một người bán vé số đến một người ăn xin chỉ cách nhau chưa đầy... gang tay.

Ăn xin chỉ bị dẹp nếu mọi người cùng... dẹp

Tại buổi làm việc với Đảng bộ Công an TPHCM, chiều ngày 17/2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo gắn camera, yêu cầu quản lý người ăn xin ở khu vực trung tâm. Đây là chính sách được nhiều người dân ủng hộ.

Theo chị Ngọc Hương, đây là chính sách nhân văn sẽ tạo điều kiện cho người nghèo, người khổ thực sự có chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng. "Hơn nữa, không có khách du lịch nào đến TPHCM mà lại muốn nhìn thấy cảnh người ăn xin nhếch nhác, rách rưới, mất thẩm mỹ ".

Chị Hà Thương: "Bí thư thành uỷ Đinh La Thăng chỉ đạo gắn camera đồng bộ, quản lý người ăn xin - không mới nhưng rất thiết thực với TP. Việc lắp camera đồng bộ còn giúp giải quyết các tiêu cực trong giao thông, an toàn đô thị, hàng rong, lấn chiếm vỉa hè...".

Đồng tình với chủ trương này nhưng chị Thanh Huyền (Quận 2) trăn trở: "Nếu người già không nơi nương tựa, trẻ em cơ nhỡ ăn xin được TP đưa về các trung tâm bảo trợ thì tốt. Chỉ có điều, sau khi đưa về, các trung tâm có kinh phí, chính sách hỗ trợ lâu dài về dạy học, dạy nghề, tạo việc làm như thế nào, chứ để họ rảnh quá, chán nản, lại bỏ ra ngoài đi ăn xin thì như không".

Cơ quan chức năng TPHCM có chính sách thu gom người lang thang, ăn xin và giao công an phường quản lý từ năm 2014. Sau khi triển khai, thì lực lượng này giảm đáng kể.

Tình trạng trẻ em người Campuchia lấm lem xin tiền tại một số ngã tư thưa thớt hơn; hàng dài người lớn tuổi xếp hàng xin tiền tại cổng đình chùa trong những dịp lễ cũng trở nên hiếm hoi. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nạn “ăn xin” biến mất.

Chủ trương đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ nếu được làm đến nơi đến chốn sẽ mang lại hiệu quả khi người ăn xin thật được hỗ trợ, người ăn xin giả phải... bỏ nghề.

Tuy nhiên, để làm được triệt để thì không chỉ cơ quan chức năng mà chính người dân cần chấm dứt kiểu "làm phước" bằng cách cho tiền người bán hàng rong, lang thang, ăn xin.