Nhà tái định cư – thừa mà thiếu!

(VOH) - Theo thống kê của Sở Xây dựng, Thành phố có khoảng 10 ngàn hộ dân có nhu cầu nhà ở tái định cư. Thế nhưng thực tế còn hàng ngàn căn hộ tái định cư tại nhiều dự án đang bị bỏ trống.

Tại sao nhu cầu nhiều mà căn hộ trống cũng nhiều, phải chăng cung chưa gặp cầu hay vì những lý do nào khác?  

Nhiều lý do lý giải cho vấn đề nhà tái định cư vừa thiếu lại vừa thừa là bởi người dân chưa thích nghi với lối sống, sinh hoạt của nhà chung cư, nên họ muốn tái định cư bằng nền đất hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới. Cũng có trường hợp, tại nhiều khu vực gần trung tâm, giá nhà tái định cư cao hơn so với số tiền bồi thường các hộ dân nhận được nên người dân cũng không thể mua nhà tái định cư. Nhiều nơi giá nhà chung cư thấp nhưng vị trí không thuận lợi cho sinh hoạt, học tập và làm việc nên người dân cũng không chọn.

Một số khu chung cư tái định cư do vướng mắc ở khâu định giá hỗ trợ đền bù, tới khi giải quyết xong người dân vào ở thì nhà đã xuống cấp, thời hạn duy tu, bảo hành đã hết, người dân đề nghị sửa chữa thì phải đợi các cấp phê duyệt. Vì vậy, nhiều hộ dân tính đến chuyện sang nhượng, cho thuê, hay đành bỏ trống đi chỗ khác ở. Chất lượng nhà tái định cư kém so với nhà ở thương mại nhưng bán giá ngang bằng với thị trường cũng là một yếu tố kém thu hút người dân lựa chọn. Khi nhà tái định cư không đáp ứng được nhu cầu và không thể ổn định cuộc sống của người dân vùng quy hoạch giải tỏa thì tất yếu họ không nhận nhà.

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 2 với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vẫn còn thừa hơn 6.000 căn hộ tái định cư. Trước đó, để giải quyết tái định cư cho các hộ dân bị giải toả ở khu vực này, thành phố đã huy động vốn xây dựng 125.000 căn hộ tái định cư. Rất nhiều lý do khiến cho người dân nơi đây không mấy mặn mà với nhà tái định cư như: hạ tầng yếu kém, vị trí không thuận lợi, cách xa trường học, chợ….

Cách trung tâm TP không xa, chung cư Tân Hưng quận 7 có khoảng 70 căn nhưng chỉ có 1 căn được sử dụng làm phòng bảo vệ, còn lại cửa đóng then cài, chưa từng có người ở, hàng rào thép gai bảo vệ được giăng lên cho cỏ mọc um tùm. Đây là một trong bốn chung cư của quận 7 bị bỏ hoang hoặc có rất ít hộ tới ở.

Nhà tái định cư

Một dự án nhà tái định cư bị bỏ trống. Ảnh minh họa. TTO

Còn khu chung cư Vĩnh Lộc được xây xong và bàn giao từ năm 2010 đến 2012 với 45 lô, gần 2.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 480 căn hộ có người ở. Nhiều lô chưa có hộ dân nào đến ở, khóa cửa gỉ sét, bụi bám quanh. Mặc dù được xây cao 5 tầng, nhưng chung cư này không có thang máy, hành lang rộng chỉ đủ 2 người tránh nhau. Hơn thế, đến thời điểm này, chưa có một con đường chính thức nào kết nối khu dân cư nơi đây với bên ngoài. Những hộ vào đây sống chủ yếu là những hộ không đủ điều kiện tái định cư, thành phố giải quyết cho thuê dài hạn khấu hao, cho trả góp, trả chậm 15 năm. Tuy nhiên, mật độ đưa vào khai thác chưa cao, mới có 25%.

Thực tế cho thấy có sự thiếu khoa học trong việc xây dựng, bố trí các nhà tái định cư. Số lượng, quy mô, tính chất, điều kiện của các nhà đất tái định cư thường không được tính toán phù hợp cho tất cả mọi đối tượng trong dự án thu hồi đất. Trong số hộ dân bị giải tỏa luôn có nhiều nhóm dân cư khác nhau về trình độ, nghề nghiệp, diện tích nhà ở bình quân đầu người, thu nhập thực tế, nhưng khi bố trí nhà tái định cư thì gần như tất cả các dự án đều chỉ chú ý đến diện tích nhà, tương ứng với yếu tố diện tích nhà bình quân, và giá tiền, chứ các yếu tố khác đều không được đề cập.

Mỗi một dự án tái định cư được thực thi đều hướng tới đời sống an sinh xã hội được tốt hơn và nhu cầu nơi ở mới của người dân phải “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ là tất yếu. Chung cư tái định cư bỏ trống gây lãng phí tiền của cho nhà nước và người dân là điều không ai muốn. Nếu có sự dự trù và thỏa thuận trước và tìm được sự thống nhất giữa những hộ dân có nhu cầu tái định cư và đơn vị thực hiện dự án thì sự lãng phí không đáng có này sẽ hạn chế được một cách tối đa.

Bên cạnh đó, khi công tác quy hoạch được thực hiện tốt thì câu chuyện sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, bố trí các dự án, bố trí cuộc sống người dân tái định cư sẽ chu đáo hơn. Đi đôi với các dự án tái định cư đó thì hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, văn hóa phải đi theo. Khi quy hoạch hẳn một khu vực tái định cư như là một thành phố mới, hiện đại, đầy đủ cơ sở, trường học, trung tâm thương mại, thiết chế văn hóa, cơ sở y tế đầu tư một cách bài bản, thì chắc chắn chẳng ai từ chối nhà tái định cư.

Bình luận