Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiều giải pháp y tế thông minh được ứng dụng hiệu quả

(VOH) - Trong lộ trình tiến đến thực hiện y tế thông minh thì công nghệ thông tin với các ứng dụng trực tuyến được xem là mũi nhọn để hiện thực hóa đề án y tế thông minh.

Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 thì các giải pháp này còn mang tính khả thi với ý nghĩa thực tiễn thiết thực.

Nhiều giải pháp y tế thông minh được ứng dụng hiệu quả
Với bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch. Ảnh: SGGP

Thực hiện chủ trương thúc đẩy thanh toán điện tử theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Chỉ thị về “Đẩy mạnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong ngành Y tế”, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố đồng loạt nỗ lực trong quá trình thực hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một trong những thanh công cụ mang tính đặc thù trong lộ trình chúng ta đang nỗ lực thực hiện y tế thông minh. Hòa chung sự phát triển xây dựng Thành phố thông minh thì các lĩnh vực đang phấn đấu, từng bước hoàn thiện số hóa. Trong lĩnh vực y tế, trên phạm vi cả nước, toàn ngành y tế cũng đang ra sức thực hiện bệnh án điện tử, tiến tới quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi cá nhân ngay từ lúc sinh ra cho đến khi về già, tất cả đều thống nhất chung một mã số định danh. Quản lý theo mã số điện tử định danh với sự kết nối thông suốt từ các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước. Nỗ lực này cho thấy quyết tâm từ ngành y tế trong lộ trình thực hiện y tế thông minh.

Và có thể thấy, hiện nay, tại TPHCM, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế đang diễn ra rộng khắp. Không chỉ vậy, đến cả trong công tác quản lý, theo thông tin từ Sở Y tế Thành phố cho biết thì đến nay, không dừng lại trong công tác khám chữa bệnh, ngay cả việc quản lý trong phê duyệt, thẩm định danh mục kỹ thuật cũng là một trong những hoạt động cung ứng dịch vụ công của ngành y tế cũng được số hóa vì quy trình này trước đây trải qua rất nhiều công đoạn, mất thời gian, công sức. Việc rút gọn quy trình này là thực hiện công tác cải cách hành chính mà ngành y tế ứng dụng bằng công nghệ thông tin. Quy trình này được tinh gọn còn lại gồm 6 bước, đã tiết kiệm rất lớn cho đội ngũ chuyên gia, hội đồng thẩm định không phải mất thời gian cho nhiều cuộc họp mà tất cả đều qua họp trực tuyến, online.

Sở Y tế cho biết, với quy trình được ứng dụng công nghệ thông tin này, một ý nghĩa quan trọng của quá trình nỗ lực xây dựng y tế thông minh đó chính là tham gia số hoá dữ liệu, từ đó xây dựng dữ liệu lớn về danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh số hóa trong phê duyệt, thẩm định danh mục kỹ thuật, trong kênh giám sát hoạt động ngành y tế, Sở Y tế từng bước thực hiện quy trình ứng dụng công nghệ thông tin bằng ứng dụng “Y tế trực tuyến” và “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến”.

Từ tháng 3/2020, Sở đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” cài đặt trên điện thoại thông minh, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh đến cơ quan quản lý nhà nước. Liền theo đó, Sở Y tế đã ban hành “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến”. Với quy trình tinh gọn, tiện lợi này, hằng trăm ý kiến đóng góp, phản ánh gởi về trong số đó, có những phản ánh mà ngành chức năng đã vào cuộc, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm, mà nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, đến sức khỏe của người dân. Sự cộng hưởng, hợp tác từ người dân qua ứng dụng trực tuyến dễ dàng cũng là một cách làm hiệu quả trong kết nối công nghệ thông tin, ứng dụng y tế thông minh vào hoạt động khám chữa bệnh, từ kênh giám sát kiểm tra mà sự hợp tác từ người dân góp phần rất lớn.

Nỗ lực trong hoạt động quản lý, trong thanh kiểm tra qua tiện ích số hóa hay công nghệ thông tin là các hoạt động đa dạng trong lộ trình thực hiện y tế thông minh. Không chỉ có vậy, hiện nay khuynh hướng đang diễn ra sôi động tại các cơ sở y tế nằm trong lộ trình chung đó là chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, việc này đã bắt đầu thực hiện từ nhiều tháng qua. Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông tin, việc triển khai hình thức này là một trong  nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. Các giải pháp này nhằm góp phần gia tăng tiện ích cho người dân trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện, giúp giảm thời gian chờ đợi và các bước trong quy trình khám, chữa bệnh và nằm trong những nỗ lực không ngừng của bệnh viện trong chuyển đổi số hóa, hướng tới bệnh viện thông minh. Và có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật trong đó có thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh và xây dựng y tế thông minh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định nói riêng và ngành y tế thành phố nói chung.

Bên cạnh bệnh viện hạng 1 này, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố đã mạnh dạn triển khai từ tháng 10 năm 2019 bằng hình thức thanh toán qua ví điện tử và ngày càng đẩy mạnh cho đến nay. Thông tin từ bệnh viện cho biết, hiện tại tại đây đã có hơn 25% người bệnh ngoại trú sử dụng ứng dụng “UMC – Đăng ký khám bệnh online” để đặt hẹn khám bệnh, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, tính đến tháng 07/2020 đã chiếm tỷ trọng 42,05% trong tổng thu hoạt động khám chữa bệnh.Việc ứng dụng các giải pháp thông minh y tế trong các hoạt động quản trị bệnh viện, chuyên môn và đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm, bắt kịp xu hướng công nghệ mới đang là nỗ lực chung của rất nhiều cơ sở y tế. Trong đó, khuynh hướng chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu thế của thời đại, vì vậy, Bệnh viện Đại học Y dược cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhân viên y tế như chuẩn hóa các quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống khám chữa bệnh, bố trí nhân viên chuyên trách tư vấn, tăng cường công tác quảng bá, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nội bộ, truyền thông trên mạng xã hội, phát hành standee, brochure, huấn luyện nhân viên y tế... những hoạt động trong nỗ lực cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, mang đến sự hài lòng cho người bệnh bằng ứng dụng công nghệ số hóa trong hoạt động thực tiễn đã cho thấy hiệu quả vượt trội. Một ý nghĩa khác cần đề cập là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, sự thanh toán bằng các thanh công cụ tài chính giúp giãn cách, tránh tiếp xúc trực tiếp đó cũng là cách giúp phòng chống Covid hiệu quả, hạn chế giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng, nhất là việc trao đổi dùng tiền mặt.

Ngoài 2 cơ sở y tế này, thì còn rất nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã bắt đầu ứng dụng hình thức thanh toán trực tuyến như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng 1,... Nỗ lực này nhằm tiến đến số hóa toàn bộ hoạt động, tiến đến không dùng tiền mặt, bệnh viện không giấy trong tương lai, vừa tiết kiệm nhân lực, thời gian, tiền bạc lại vừa cải tiến chất lượng từ khám chữa bệnh đến công tác quản lý. Mục tiêu xa hơn là các cơ sở y tế hòa mình trong dòng chảy chung của y tế thông minh trong một đô thị thông minh.

Bình luận