Những tính toán địa chính trị tại Trung Đông
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga tiếp tục “làm nóng” các mặt báo quốc tế tuần này. Tuy nhiên, điều khiến người ta quan tâm nhất lúc này không phải là uy lực của S-400 tới đâu, mà là quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xuống cấp ở mức nào vì sự xuất hiện của tổ hợp này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh minh họa
Về lý thuyết, việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn mua hệ thống tên lửa S400 của Nga đơn giản là hai bên “thuận mua, vừa bán”. Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng S400 có đầy đủ các tính năng, đảm bảo việc bảo vệ an ninh quốc gia này trước các mối đe dọa tiềm tàng. Quan trọng hơn, vũ khí do Nga sản xuất được cho là phù hợp về giá thành, lại không đi kèm bất kỳ điều kiện chính trị nào. Nhưng thực tế cho thấy, nếu nhìn rộng hơn, việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn mua vũ khí của Nga thay vì Mỹ - một đồng minh quân sự là động thái nằm trong tính toán của Ankara.
Hệ thống tên lửa S-400 được thiết kế từ các hệ thống tên lửa S-200 và S-300, xuất hiện lần đầu vào năm 2007. Một tổ hợp S-400 hiện có ít nhất 6 xe phóng tên lửa, một xe chỉ huy, radar di động cùng nhiều thiết bị vận chuyển. Tầm bắn xa nhất của S-400 là 400 km. Tốc độ di chuyển tối đa của tên lửa phóng từ S-400 là khoảng 17.000 km/h. S-400 có thể tấn công các mục tiêu nằm ở độ cao tối đa 27.000 km. Thậm chí, S-400 còn có thể phá hủy các tên lửa đạn đạo siêu thanh ở khoảng cách 60 km.
Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đề nghị NATO triển khai các hệ thống tên lửa Pa-tri-ốt để đối phó với các mối đe dọa từ Xyri, nhưng Đức và Hà Lan đã rút Pa-tri-ốt của họ khỏi nước này vào đầu năm 2016 để gây áp lực chính trị. Từ năm 2015, khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Xyri đã bắt đầu phải chịu các cuộc tấn công tên lửa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vào Xyri, tên lửa đạn đạo xuất phát từ Iran và các nước láng giềng cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua Pa-tri-ốt nhưng cũng đã phía Mỹ từ chối cung cấp chuyển giao hệ thống công nghệ tên lửa nhạy cảm này. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga cũng được cho là một thông điệp gửi tới Mỹ “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phụ thuộc ai, kể cả đồng minh Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 đang thử thách tính bền vững và lợi ích song trùng của quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ. Càng gần ngày Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400, Mỹ càng gia tăng áp lực buộc đồng minh trong NATO phải từ bỏ hợp đồng. Mới nhất, ngày 9/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Quan chức ngoại giao Mỹ nêu rõ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn nắm rõ Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ năm 2017, theo đó cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga. Còn trong một bức thư gửi đến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Patrick Shanahan) đã cảnh báo rằng Ankara có thời gian đến hết tháng 7 này để từ bỏ thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nếu không, Mỹ sẽ hủy bỏ hợp đồng mua khoảng 100 máy bay chiến đấu F-35 cũng như đình chỉ việc cho phép các phi công Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình huấn luyện đối với loại máy bay tàng hình hiện đại của Mỹ. Washington cũng cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỹ vẫn mua hệ thống vũ khí này của Nga.
Những tranh cãi xung quanh thương vụ S-400 đã trở thành chủ đề gây bất đồng lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “phớt lờ” đồng thời khẳng định quyết tâm theo đuổi hợp đồng với Nga.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sức ép của Mỹ để mua vũ khí của Nga? Giới phân tích nhận định việc mua vũ khí của Nga không đơn thuần là hợp đồng quân sự mà là một bước quan trọng trong hành trình vươn lên trong bản đồ quyền lực tại Trung Đông nhiều bất ổn, xa hơn là ở tầm toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan sát các định hướng chiến lược về an ninh, ngoại giao và kinh tế của đất nước này vài năm qua, dễ nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn sử dụng hợp đồng S-400 để củng cố chặt chẽ mối quan hệ với Nga. Sau quãng thời gian căng thẳng vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu SU-24 của Nga tại chiến trường Syria hồi tháng 11/2015, người ta được chứng kiến quan hệ song phương Nga - Thổ tăng trưởng ấn tượng trên mọi lĩnh vực.
Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy thương vụ mua hệ thống tên lửa S-400 với Nga vào lúc này vì có nhu cầu gắn kết với Nga về quân sự và an ninh, khiến Nga thành đối trọng cho quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO. Chỉ có như thế, Thổ Nhĩ Kỳ mới tránh được tình trạng lép vế và bị dồn ép bởi Mỹ và EU cũng như trong NATO. Nhìn cách mà Liên minh châu Âu ứng xử với Thổ Nhĩ Kỳ mỗi khi bàn chuyện nước này gia nhập EU, hay thái độ của Mỹ sau vụ đảo chính hụt nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan hồi tháng 7/2016, có thể thấy rõ động cơ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi tới cùng trong chiến lược dài hơn nhằm nâng tầm vị thế quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ tự tin rằng Mỹ sẽ không dám “dồn” Thổ Nhĩ Kỳ vào chân tường chỉ vì xích mích với hợp đồng S-400 này. Bởi nếu Mỹ càng gây áp lực lớn cũng như càng phân biệt đối xử Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ càng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xa khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ và xích lại gần Nga hơn.