Chờ...

Nông sản hữu cơ Việt Nam với thị trường thế giới

(VOH) - Nông sản hữu cơ ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhưng còn chậm. Các nông sản hữu cơ như cà phê, hạt tiêu, cá tra, tôm... luôn có có giá trị cao, cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cần có hướng phấn đấu để thị phần nông sản hữu cơ chiếm tỷ lệ cao hơn trên thị trường tiêu thụ thế giới.

Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng nếu có điều kiện ngành nông nghiệp nên đi thẳng vào việc sản xuất nông sản hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Đây là phân khúc thị trường cao cấp của những người có thu nhập khá trở lên. Phân khúc này tuy khó tính nhưng sẵn sàng mua giá cao vì vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản hữu cơ trên thế giới đã lên đến 80 tỷ đô la Mỹ và còn tiếp tục tăng trưởng thời gian tới.

Nghe nội dung bài viết

Trang trại rau hữu cơ của Organica được chứng nhận hữu cơ quốc tế. Ảnh: NLĐ

Hiện nay, ở Việt Nam, bên cạnh thị trường nội địa, có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ hơn 263.000 tấn một năm, giá trị gần 15 triệu đô la Mỹ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, HongKong.

Ngoài ra, một số hàng thủy sản hữu cơ như tôm, cá tra cũng được khách hàng các quốc gia nhập khẩu đánh giá tốt, mua giá cao hơn khoảng 30% so với tôm, cá tra thông thường. Tuy nhiên, sản lượng xuất chưa nhiều, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 triệu đô la Mỹ. Bởi vì các doanh nghiệp đang thăm dò thị trường và giải quyết vấn đề liên kết nuôi, tiêu thụ phải bảo đảm đúng chất hữu cơ.

Để thúc đẩy hướng sản xuất hữu cơ, từ năm 2006, ngành nông nghiệp đã công bố Bộ tiêu chuẩn về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn này, đã được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ công nhận năm 2013, có 24 tiêu chuẩn cơ bản phải đáp ứng như về nguồn nước sử dụng trong canh tác hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm.

Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính. Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hóa học. Cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cấm sử dụng các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng. Các thiết bị  phun thuốc đã  được sử dụng trong canh tác thông thường thì không được sử dụng trong canh tác hữu cơ...

Về cơ bản, sản xuất nông sản đã có những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Hiện, ngành nông nghiệp Việt Nam đã ban hành 4 quy trình VietGAP cho rau quả tươi, chè búp tươi, lúa gạo, cà phê và 8 quy trình chăn nuôi tốt VietGAP cho bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, heo, gà, vịt và ong. Nếu áp dụng các quy trình VietGAP này một cách nghiêm chỉnh, nông sản Việt sẽ an toàn, sạch. Đây là cơ sở để tiến bước thuận lợi trong thực hiện sản xuất nông sản hữu cơ theo Bộ Tiêu chuẩn về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ.

Nông sản Việt Nam đang cần chuyển qua giai đoạn chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Mặt khác, thị trường nông sản hữu cơ cũng là một cánh cửa lớn, với giá trị 80 tỷ đô la Mỹ một năm, đang rộng mở đón chờ nông sản nước ta tham gia nhiều hơn.