Hiện nay, ngư dân đang nuôi các loại cá giò, vược, song, tôm hùm, nghêu, ngao, vẹm xanh, sò điệp, rong biển... ở vùng bờ và ven biển của các tỉnh từ Bắc đến Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang... Trong đó, nuôi tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa là một nghề cho lợi nhuận cao, từ 50 đến 60% so với vốn đầu tư. Nuôi cá bớp lồng bè ở Long Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu cũng cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi tôm theo hướng công nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Ảnh: quangninh
Theo ngành thủy sản, diện tích nuôi thủy hải sản cả nước hơn 240.000 ha, trong đó bãi triều chiếm tỷ lệ lớn nhất, hơn 60%, còn lại là trên biển. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với bờ biển dài trên 3.000 km, tiềm năng mặt nước nuôi thủy sản biển lên đến hàng triệu ha.
Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho biết, triển vọng phát triển của các loại thủy hải sản nuôi biển, ước tính đến năm 2030 gần 5 triệu tấn, đóng góp cho giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 30 đến 35 tỷ đô la Mỹ.
Nuôi trồng thủy hải sản hiện nay đã có sự thay đổi về phương thức và hoạt động tổ chức sản xuất. Chuyển mạnh từ sản xuất mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa đáp ứng thị trường; từ quy mô hộ gia đình đơn lẻ sang công ty; tổ hợp tác và chuyển từ nuôi các đối tượng truyền thống sang nuôi các đối tượng có giá trị thương mại cao.
Một doanh nghiệp ở Kiên Giang đang đầu tư 50 lồng nuôi cá biển, rộng khoảng 30 ha và một trại sản xuất nhân tạo giống cá biển. Đơn vị này lắp đặt các công nghệ thiết bị phục vụ cho nuôi thủy sản biển nhập khẩu từ Na Uy... Đây là những dấu hiệu mở đầu cho phát triển nghề nuôi biển theo xu hướng công nghệ mới, hiệu quả cao.
Trong phát triển nghề nuôi biển có những vấn đề cần quan tâm như sản xuất con giống, kỹ thuật công nghệ nuôi, vốn đầu tư, môi trường, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Các chuyên gia ngành này cũng cho biết cần có những giải pháp chủ lực trong thời gian tới.
Trước tiên là giao hoặc cho thuê mặt nước biển; Thứ hai cung ứng vốn cho dân để có thể phát triển nuôi công nghiệp, vì nuôi biển công nghiệp cần đầu tư lớn. Ngoài vốn của dân phải có sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng; Thứ ba là ưu tiên tất cả công nghệ về làm lồng bè, thức ăn, con giống, nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm.
Đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt như GlobalGap, BAP, ASC... giúp đáp ứng yêu cầu chất lượng và thâm nhập các thị trường tiêu dùng; Quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực, đào tạo con người am hiểu kỹ thuật nuôi thủy hải sản.
Nuôi thủy hải sản ven bờ, ven biển cũng đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi và các dịch bệnh. Dịch bệnh xảy ra trên các đối tượng thủy hải sản nuôi là do yếu tố môi trường.
Tình trạng này đã đặt ra rất nhiều thách thức cho người dân cũng như chính quyền địa phương, ngành chuyên môn trong việc kiểm soát chất lượng môi trường đối với nghề nuôi. Tuy nhiên, nuôi thủy hải sản ở vùng biển xa bờ sẽ hạn chế những ảnh hưởng xấu này.
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn trên thế giới. Ngành nuôi trồng thủy sản trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cải thiện sinh kế cho người dân. Phát triển nuôi thủy hải sản cũng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển.