Phòng bệnh hơn chữa bệnh trong bảo vệ sức khỏe và quản lý xã hội

(VOH) - Phòng bệnh hơn chữa bệnh là câu nói của người xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là khi khỏe mạnh, chúng ta cần sử dụng các biện pháp để phòng ngừa bệnh bởi việc phòng bệnh rẻ tiền, hiệu quả hơn. Phòng bệnh ở đây không chỉ liên quan đến sức khỏe con người mà cả trong quản lý xã hội.

Tình trạng quá tải thường gặp tại các bệnh viện lớn. Ảnh: NLĐ

Lâu nay, các phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương tăng cường thông tin về phòng chống các dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người. Các biện pháp phòng chống như tiêm phòng vắcxin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, điều trị dự phòng...

Đối với con người, hiện nay, các dịch bệnh lúc nào cũng có nguy cơ xảy ra như bạch hầu, ho gà, uốn ván, dại, lao, cúm, HIV, sốt xuất huyết, Zika... Còn với vật nuôi, cần phòng các bệnh riêng cho từng loại gia súc, gia cầm và cả những bệnh chung cho các động vật như lở mồm long móng, cúm gia cầm... Như thế chi phí phòng bệnh luôn thấp hơn nhiều lần chi phí điều trị khi để xảy ra dịch bệnh.

Đối với sức khỏe con người phòng bệnh là cần thiết và đối với quản lý xã hội cũng cần phải quản lý rủi ro, phòng ngừa càng quan trọng hơn. Không để sự việc xảy ra rồi mới đi giải quyết hậu quả.

Ví dụ mới đây, sau sự việc bác sĩ người Trung Quốc gây ra tình trạng chết não của một nữ bệnh nhân đến khám và điều trị tại một phòng khám ở thành phố Hà Nội, ngành y tế đã vào cuộc chỉ đạo ngành và đề nghị các địa phương thanh, kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương.

Tại sao cơ quan quản lý nhà nước không phòng ngừa sự việc đáng tiếc này xảy ra bằng các hoạt động chuyên ngành theo quy định như cấp phép hành nghề, giám sát hoạt động khám chữa bệnh, kê toa, bán thuốc, quy trình khám chữa bệnh... Nếu có hoạt động phòng ngừa tốt có thể đã không xảy ra sự cố đáng tiếc trên. ​

Một số chuyên gia ngành y tế cho rằng, cũng rất đáng cảnh báo là việc lên án thái quá một bộ phận thiểu số nhân viên y tế đánh mất phương châm “lương y như từ mẫu” đang khuyến khích nhiều bệnh nhân và thân nhân người bệnh có hành động xâm hại sức khỏe cũng như xúc phạm đến người thầy thuốc, đến ngành y. Sự việc này xảy ra ở hầu hết các khoa khám bệnh và khoa cấp cứu tại các bệnh viện công.

Lâu nay, mỗi khi có sự cố bệnh nhân tử vong hoặc nhân viên y tế bị hành hung, ngành y tế và cơ quan chức năng mới vào cuộc để giải quyết sự cố. Rõ ràng là chữa bệnh tốn kém hơn phòng bệnh về tiền bạc, sức khỏe, thời gian, công sức, nguồn lực xã hội...

Những hình ảnh dọn dẹp lòng lề đường, trả lại không gian cho hoạt động công cộng, hiện đang được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện và đang được nhân dân ở các địa phương đồng tình ủng hộ. Song trong việc thực hiện các ngành chức năng cũng cần phải tính toán là làm đúng luật và không để thiệt hại đến tài sản của dân nhân.

Rõ ràng, nếu thực hiện tốt các nội dung như vừa nêu trên thì việc phòng bệnh hơn chữa bệnh rất đúng trong nhiều hoàn cảnh. Không chỉ ứng dụng trong bảo vệ sức khỏe con người mà còn trong quản lý kinh tế, xã hội...