Phòng chống thiên tai, sạt lở không thể xem nhẹ

(VOH) - Theo thống kê gần đây từ Sở Giao thông Vận tải, toàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 40 vị trí, điểm sạt lở.

Thông tin từ Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện còn nhiều công trình chống thiên tai, sạt lở trên địa bàn các quận huyện chậm tiến độ trong triển khai thi công. Thậm chí, không ít công trình dù đã có chủ trương của  thành phố nhưng nhiều năm qua vẫn “ dậm chân tại chỗ”. Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc nếu xảy ra sự cố sạt lở, thiên tai ở những nơi được dự báo có nguy cơ cao tại các quận huyện ngoại thành, địa bàn giáp ranh sông, kênh, rạch, biển....

Theo thống kê gần đây từ Sở Giao thông Vận tải, toàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 40 vị trí, điểm sạt lở. Trong đó, có ít nhất 5 vị trí sạt lở được xem là ở cấp độ nguy hiểm nằm rải rác tại các quận, huyện như Quận 2, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ như: Bờ phải rạch Tra (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), khu vực bờ phải rạch Bầu Le (thượng lưu cầu Bầu Le, thuộc địa bàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), khu vực bờ trái sông Sài Gòn, cách cầu Sài Gòn 4,5 km về phía thượng lưu hay bờ trái tuyến Tắc Ông Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400 m, thuộc ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ)...

Ảnh minh họa - Nguồn: TTO

Trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các tuyến vận tải giao thông đường thủy cũng trở nên dày đặc và nhất là tình hình biến đổi khí hậu hết sức khó lường, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra sạt lở, sự cố trên địa bàn thành phố với những diễn biến rất phức tạp. Đề phòng sự cố xảy ra và để chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại về người, tài sản nhân dân, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các Sở-ngành, quận- huyện liên quan tăng cường lập kế hoạch, dự án, xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở nhằm hạn chế rủi ro.

Thành phố cũng yêu cầu trước mắt, các cơ quan chức năng cần xử lý ngay những vị trí đặc biệt nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống người dân, tăng cường các giải pháp quản lý tại hệ thống bến thủy, cảng thủy nội địa, các chủ bến bãi cam kết đảm bảo an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển... do lưu thông và neo đậu tàu thuyền.

Đặc biệt, việc lấn chiếm trái phép hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch cũng cần phải được kiên quyết xử lý, không để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Về mặt chủ trương, thành phố đã rất chủ động với các phương án và giải pháp đề ra. Vì vậy có nhiều dự án, công trình phòng chống sạt lở, thiên tai đã được thành phố phê duyệt, thông qua chủ trương để các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây chỉ có khoảng 390 công trình trên tổng số gần 550 dự án/ công trình tại các quận-huyện được hoàn thành. Tỷ lệ chỉ đạt khoảng 70% số lượng và tiến độ. Trong khi đó, các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố thực hiện chưa vượt quá tỷ lệ 67%. Với các công trình sử dụng nguồn vốn thuộc Quỹ phòng chống thiên tai, dù được chấp thuận chủ trương nhưng đến nay cũng vẫn “ án binh bất động” và không vượt quá tỷ lệ 77%. Qua đó có thể thấy, vẫn còn nhiều dự án, công trình không hiểu vì lý do gì chưa được động thổ, thi công.

Liên tiếp nhiều năm qua, trên địa bàn các quận- huyện giáp ranh sông, kênh, rạch như Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Thạnh... từng xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa tính mạng người dân.

Từ thực tế đó, việc các công trình, dự án chống sạt lở, phòng chống thiên tai ở nhiều quận- huyện trong tình trạng chậm tiến độ, thi công ì ạch, thậm chí “ đứng yên” chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc ngăn chặn các nguy cơ sự cố có thể xảy ra.

Vấn đề hiện hay là các quận-huyện, Sở-ngành có liên quan cần nhanh chóng rà soát, khởi động lại những dự án, công trình đã được thông qua về chủ trương, giải ngân kịp thời nguồn vốn để kế hoạch và các giải pháp chống thiên tai, sạt lở của thành phố sớm được phát huy tác dụng. Việc này sẽ góp phần ngăn chặn, đề phòng sự cố một cách hiệu quả nhất, tránh những thiệt hại đáng tiếc chỉ vì do thiếu chủ động hay chậm trễ tiến độ mà ra.