Phòng ngừa tai nạn lao động - Trách nhiệm không của riêng ai!

(VOH) - Một vụ tai nạn lao động đau lòng đã xảy ra vào ngày 18/4 tại công trình xây dựng tòa nhà tái định cư ở đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM. Nguyên nhân là do sập giàn giáo thi công làm 2 công nhân rơi từ tầng 9 của tòa nhà xuống đất khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương nặng.

Nghe nội dung bài viết

Hiện trường vụ tai nạn lao động ở công trình xây dựng tòa nhà tái định cư ở đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Ảnh: PLO

Vụ tai nạn xảy ra ngay trong thời điểm ngành chức năng đang ra sức chuẩn bị phát động tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Trước đó ngày 22/3, trong lúc thi công công trình cổng trường Cao đẳng Nghề tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tọa lạc tại phường 11, TP Vũng Tàu, 4 công nhân cũng bị vùi lấp trong đống đổ nát do hệ thống giàn giáo bị sập và bị thương rất nặng. Từ 2 vụ việc trên cho thấy, tai nạn lao động liên quan đến lĩnh vực xây dựng đã lên mức báo động.

Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra gần 7.000 vụ tai nạn lao động, riêng trong năm 2016 có gần 8.000 vụ với gần 900 người tử vong. Các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… là những địa phương có số vụ tai nạn lao động chiếm tỷ lệ cao.  Trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động thì lĩnh vực xây dựng luôn đứng đầu về số người chết và bị thương. Các nguyên nhân chủ yếu là ngã từ trên cao, điện giật, vật liệu rơi, đổ sập, chôn vùi...

Tại buổi tập huấn về an toàn lao động diễn ra mới đây, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho rằng, phần lớn người chết vì tai nạn lao động thường tập trung ở khu vực làm việc không có hợp đồng lao động. Và khi sự việc xảy ra rất khó bảo vệ quyền lợi cho họ. Có một thực tế là lao động tham gia trong lĩnh vực xây dựng chiếm đa phần là lao động thời vụ, đến từ khu vực nông thôn, sau khi hết mùa vụ, tranh thủ những tháng nông nhàn, về các đô thị lớn để làm việc tại các công trình xây dựng. Do hạn chế về kiến thức, trình độ lại có phần chủ quan lơ là, không tuân thủ đúng qui trình an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân nên rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong quá trình làm việc.

Trong các buổi thanh tra thực tế về an toàn lao động tại các công trình xây dựng, phần lớn người lao động không sử dụng các phương tiện bảo hộ vì cho rằng vướng víu, khó chịu, thậm chí leo trèo trên cao cũng không thắt dây an toàn. Theo phân tích của ngành chức năng, lỗi của người lao động chiếm gần 19% trong tổng số vụ tai nạn lao động xảy ra. Còn đối với người sử dụng lao động, có không ít trường hợp cho rằng, do thời gian xây dựng các công trình ngắn, tại nhiều địa điểm khác nhau nên họ tuyển lao động thời vụ để tránh các khoản phí về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tai nạn và Bảo hiểm y tế. Và cũng theo phân tích từ kết quả  điều tra cho thấy, 53% số vụ tai nạn lao động  là do người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, tổ chức lao động không hợp lý và điều kiện lao động không đảm bảo, không có thiết bị đảm bảo an toàn cho người lao động, 28% là do các nguyên nhân khác.

Bộ luật An toàn vệ sinh lao động năm 2016 đã quy định rất rõ về quyền của người lao động là được đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, được cung cấp đầy đủ thông tin về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng chống. Quan trọng là được đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra, người lao động cũng có quyền từ chối làm công việc, nơi làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của mình và cũng có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Song, như đã đề cập ở trên, đa phần người lao động có ít kiến thức về pháp luật, không hiểu rõ về những quyền và nghĩa vụ của mình và họ nghĩ đơn giản là chỉ làm việc vài tháng lại về quê nên cũng không tính đến chuyện ký kết hợp đồng lao động.

Khi tai nạn lao động xảy ra, nếu chết người thì chỉ được người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp tượng trưng, còn đối với những người bị thương tật, tàn phế cũng không được sự hỗ trợ suốt đời vì không có sự ràng buộc về pháp lý. Như vậy, thiệt thòi phần lớn thuộc về phía người lao động. Còn về phía chủ sử dụng lao động, đôi khi còn giấu giếm, không khai báo tai nạn lao động, tự thoả thuận bồi thường cho người bị tai nạn để họ giữ kín chuyện, nếu như  khi sự việc bị phanh phui, thanh tra có kết luận sai phạm thì cùng lắm là sẽ bị xử phạt hành chính, nhiều nhất cũng vài chục triệu đồng, còn việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh lao động là quá ít, chưa đủ sức răn đe.

Có thể nói, tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đều gây thiệt hại lớn về con người và tài sản, hậu quả để lại kéo dài và rất nặng nề. Và tai nạn lao động có thể xảy ra bất kể trong thời gian nào nếu như công tác phòng ngừa chưa được thực hiện tốt. Cho nên từ người lao động đến người sử dụng lao động phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Điều quan trọng cần phải làm là tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, trang bị đầy đủ trang thiết bị phương tiện bảo hộ lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn và xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát và xử phạt cũng như nhắc nhở, buộc doanh nghiệp phải thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động. Việc phòng ngừa tai nạn trong lao động không thể chỉ diễn ra trong 1 tuần lễ  hay 1 tháng mà phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ và mọi lúc mọi nơi để trách xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Bình luận