Quản lý người tâm thần trong cộng đồng còn nhiều khoảng trống: Sống chung với lũ

(VOH) - Nhiều người bị tâm thần, nghiện ma túy sau một thời gian điều trị thì được trở về tái hòa nhập cộng đồng, đó là cách giúp họ không bị kỳ thị và sớm trở lại trạng thái bình thường.

 Vậy làm thế nào để họ có thể tái hòa nhập thành công mà không để lại những di chứng về sau?

Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Chuyên khoa II, Chuyên khoa Thần Kinh - Tâm lý - Nội tổng quát cho biết, trong bệnh lý tâm thần, dạng bệnh nặng nhất là tâm thần phân liệt thể hoang tưởng vì xuất hiện ảo giác, ảo thanh xúi biểu người bệnh có người hãm hại mình nên người bệnh dễ gây tội ác man rợ mà bình thường không dám làm nhưng khi hành động xong thường không nhớ gì.

Để ngăn ngừa nguy cơ người tâm thần gây án, quan trọng nhất phải phát hiện các biểu hiện sớm như mất ngủ, căng thẳng, rối loạn lo âu. Khi thấy những biểu hiện này, gia đình cần phải đưa người thân đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị. Sau khi điều trị nội trú ở bệnh viện tâm thần đã ổn định thì theo dõi sức khỏe bệnh nhân tâm thần ngoại trú tại phòng khám chuyên khoa tâm thần quận huyện.

“Làm tốt công tác kết nối từ nội trú là bệnh viện tâm sau khi xuất viện về nhà tiếp tục điều trị ngoại trú được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần của các quận huyện theo dõi kĩ lưỡng thì sẽ hạn chế được tình trạng bệnh nhân tái bệnh hoặc kích động.” - Bác sĩ Trần Minh Khuyên cho biết thêm.

Với những bệnh nhân tâm thần không có người thân, không nơi nương tựa, đi lang thang sẽ được đưa về chăm sóc, điều trị tại trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần thuộc Sở LĐ-TB&XH. Còn những bệnh nhân có thân nhân thì sau khi điều trị thuyên giảm ở bệnh viện Tâm thần được về với gia đình, cộng đồng tiếp tục cuộc sống.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh chuyển nặng nhưng gia đình lại không đưa trở lại bệnh viện vì thương con, cho rằng đến bệnh viện tâm thần con mình sẽ cực khổ nên đã để con ở nhà dù rằng con đã nhiều lần đánh lại cha mẹ hay những người trong cộng đồng. Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Phương, việc tập huấn các kiến thức, kỹ năng chăm sóc người bị bệnh tâm thần cho những người thân trong gia đình rất quan trọng.

“Dĩ nhiên người ta không muốn đẩy con em họ vào trại đâu, ai cũng vậy, mặc dầu con bệnh hoạn, tình thương lấn át lý trí đây, nhưng người ta quên sức khỏe của cộng đồng rất quan trọng. Cứ để những người đó ở ngoài thì họ làm cái gì họ không chịu trách nhiệm trước pháp luật đâu, cho nên quần chúng xung quanh phải lên tiếng, phải cách ly với cộng đồng. Khi nào bên y tế xác nhận việc điều trị đã có kết quả, đã hoàn tất thì mới trả về với cộng đồng, còn nếu không phải giữ lại.” - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Phương.

Ông Bùi Thanh Tuấn – Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân – một đơn vị thường xuyên tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy có dấu hiệu loạn thần vào quản lý cho biết: người nghiện ma túy hiện nay đa dạng thành phần, có hoàn cảnh gia đình, trình độ, nhận thức khác nhau. Gây khó khăn nhiều cho công tác quản lý, điều trị thường là những đối tượng có biểu hiện loạn thần, một số trường hợp sức khỏe yếu, mắc bệnh mãn tính, ý thức chấp hành kém…

Vì tinh thần không tỉnh táo nên người nghiện ma túy có dấu hiệu loạn thần thường bất hợp tác với cán bộ quản lý, đập phá, gây mất an ninh trật tự…nên việc quản lý người loạn thần sống trong cộng đồng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành.

Ảnh minh họa: VTV 

Bên cạnh đó, đa số người bắt đầu đi vào con đường nghiện ma túy dẫn đến loạn thần ở độ tuổi thanh thiếu niên - lứa tuổi của sự phát triển tâm lý và hoàn thiện nhân cách nên rất cần sự quan tâm, chăm lo, giáo dục của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Đối với trường hợp bị loạn thần đó, sức khỏe yếu gây khó khăn trong việc quản lý cho phù hợp, cần rất nhiều thời gian và công sức để rèn luyện

Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, quản lý bệnh nhân tâm thần, là địa chỉ để người bệnh có chốn đi về bình yên nhưng cũng cần phải lên tiếng mạnh mẽ khi người thân của mình có biểu hiện nguy hiểm. Khi sống chung với lũ, các gia đình có người thân không bình thường về mặt tâm lý cần phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở, chính quyền địa phương để kịp thời có cách xử lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên xử phạt nghiêm những đối tượng có hành vi làm giả giấy chứng nhận tâm thần bởi các đối tượng này bỗng dưng mắc bệnh thì ngoài việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì có đâu ngờ họ chính là người tạo ra những mối nguy hiểm khôn lường cho xã hội.

Chưa kiểm soát được các nhà thuốc và phòng khám tư nhân trong kê đơn kháng sinh - Sáng 21/12, tại TPHCM, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp tổ chức Lễ phát động: “Cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.
Phụ nữ bị tiểu đường có nên có thai? - Làm mẹ là hành trình thiêng liêng nhất mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn được trải qua. Nhưng nếu bị tiểu đường, các chị em có nên có thai?