Quan trọng là lợi ích của người học

(VOH) – Câu chuyện về việc lựa chọn sách giáo khoa, trong đó có việc chi trả thù lao của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho Sở Giáo dục và Đào tạo TP, là vấn đề thu hút sự quan tâm khá lớn từ dư luận.

Nhiều người cho rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thù lao từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc chọn lựa sách giáo khoa ở thị trường lớn như TPHCM. Những điều lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi mà một đơn vị quản lý giáo dục, có vai trò tham mưu lựa chọn sách giáo khoa lại tham gia công tác biên soạn, dù chỉ ở mức hỗ trợ chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn, chứ không phải là thù lao làm công tác phát hành sách, như một lãnh đạo Sở đã khẳng định. Nhiều quan điểm, lập luận tranh cãi đã nảy ra, qua đó cho thấy sự quan tâm của dư luận xã hội trước vấn đề tưởng như hàn lâm cao xa nhưng lại liên quan sát sườn đến mỗi gia đình, tưởng chỉ thiên về học thuật nhưng lại mang cả những giá trị kinh tế không nhỏ.

Và thật đáng mừng khi những vấn đề đưa ra phân tích, tranh luận phản biện đều với tiêu chí đặt quyền lợi người học lên hàng đầu. Làm sao người học thực sự nhận được những lợi ích cần thiết trong công cuộc đổi mới giáo dục, trong đó có sự góp phần không nhỏ của chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh, phụ huynh lựa chọn.

Ảnh minh họa.

Còn nhớ ngày ngồi trên ghế trường phổ thông, người viết, một học sinh tỉnh lẻ, đã nhiều lần nghe những than phiền của chính giáo viên đứng lớp về tính hàn lâm, nặng về kiến thức của sách giáo khoa thời điểm bấy giờ. Những thầy cô giáo chỉ ra nguyên nhân của vấn đề nằm ở việc những người viết sách giáo khoa phần lớn là những giáo sư, chuyên gia đầu ngành với bề dày học thuật sâu rộng. Họ am hiểu sâu sắc về triết lý giáo dục, cơ sở lý luận, mục đích, phương pháp giáo dục, nhưng với góc nhìn của một học giả, của nhà nghiên cứu, chứ ít người có cách nhìn tư duy, phương pháp dạy học của chính giáo viên, những người trực tiếp đứng lớp. Những bất cập về chương trình, về sách giáo khoa cũng đã được Đảng và Nhà nước nhận ra và thể hiện cụ thể qua Nghị quyết 29 Trung ương, năm 2013, về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và Nghị quyết 88 Quốc hội, năm 2014, về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trước bối cảnh đó, với truyền thống năng động sáng tạo, luôn đi đầu, tìm tòi, đổi mới, đề ra những giải pháp, những mô hình phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn của TPHCM, ngành giáo dục thành phố đã xây dựng định hướng đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác biên soạn bộ tài liệu dạy học mới.

Bộ sách quy tụ không chỉ các chuyên gia học giả hàng đầu mà cả những giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới sáng tạo và nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Bộ tài liệu dạy học phù hợp với chủ trương đổi mới sáng tạo dù trên nền tảng chương trình hiện có lúc bấy giờ. Để tập hợp được lực lượng từ chuyên gia đầu ngành đến đội ngũ giáo viên giỏi, có thực lực thiết nghĩ khó đơn vị nào làm tốt hơn cơ quan chủ quản về giáo dục và đào tạo. Và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã tiên phong thực hiện công việc đó.

Thù lao của Nhà xuất bản chi trả giai đoạn từ 2015-2018 cũng được tính toán dựa trên công sức thực tế bỏ ra. Và việc các chuyên viên, lãnh đạo Sở tham gia vào công tác phối hợp, tổ chức, biên soạn là việc làm không sai, khi mà các văn bản quy định không có dòng nào cấm cơ quan quản lý nhà nước tham gia biên soạn sách giáo khoa. Thời điểm này, Luật Giáo dục chưa được sửa đổi và quy định UBND cấp tỉnh, giữ quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trên địa bàn cũng chưa được đề ra. Nên việc nhận thù lao có thể nói là việc rất bình thường với bao công sức bỏ ra của đội ngũ biên soạn. Khoản thủ lao ấy khó liên quan đến việc quyết định chọn lựa sách giáo khoa khi mà quyền lựa chọn khi đó, không nằm trong tay họ. Thực tế trong giai đoạn này, bộ tài liệu dạy học được phát hành và sử dụng tại các trường học hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, và ghi nhận được tính hiệu quả cao. Nhưng không phải trường nào lớp nào trên địa bàn thành phố cũng sử dụng bộ tài liệu dạy học này.

Tuy nhiên, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được thông qua với cơ cấu chương trình môn học cụ thể. Bộ tài liệu dạy học được đầu tư, biên soạn, thẩm định theo yêu cầu của chương trình phổ thông mới và trở thành một trong những bộ sách giáo khoa được đưa ra chọn lựa trên cả nước. Việc chi trả thù lao cho đơn vị tổ chức biên soạn được đặt ra, trở thành vấn đề bức xúc khi theo quy định mới chính họ cũng là đơn vị tham mưu lựa chọn sách cho thị trường Thành phố rộng lớn. Tính khách quan của công việc này dù thế nào đặt ra cho dư luận xã hội những nghi ngờ. Ranh giới giữa tiên phong đổi mới với những vi phạm, sai lầm trở nên rất mong manh.

Tuy nhiên, đó cũng là thực tiễn của quá trình phát triển. Và khi giải quyết tốt những mâu thuẫn, trở ngại này chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội tốt hơn cho nền giáo dục.

Trước mắt, đó là sự đa dạng của những bộ sách giáo khoa hay, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Đó là những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn nhằm tạo sự khách quan trong quá trình chọn lựa sách ở các địa phương. Và trên hết chính là lợi ích của thế hệ trẻ, những người sẽ nhận được những tinh hoa kết tinh từ những đầu sách chất lượng, được thử thách, minh chứng từ thực tiễn.

Bình luận