Sáng ngời đạo lý tri ân

(VOH) - Những ngày tháng 7 tri ân, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 đã và vẫn đang diễn ra trang trọng, thành kính trên khắp mọi miền đất nước. Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của người Việt, công tác đền ơn đáp nghĩa bao năm qua luôn được Đảng, Nhà nước, đồng chí và đồng bào quan tâm sâu sắc, với tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng, như mệnh lệnh từ trái tim, tri ân lớp lớp cha anh đã đổ máu xương cho dân tộc hưởng trái ngọt hòa bình hôm nay.

Hiện cả nước có trên 9 triệu đối tượng người có công, xấp xỉ 10% dân số. Hàng triệu người, gia đình, thân nhân người có công được hưởng chính sách chăm lo của Nhà nước, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trên 117 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng danh hiệu, gần 1 triệu thương, bệnh binh được hưởng chính sách. Hàng triệu người có công với cách mạng, tham gia công cuộc giải phóng dân tộc được tặng huân, huy chương kháng chiến. Hàng vạn chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tù đày, thanh niên xung phong, được hưởng trợ cấp ưu đãi… Những con số báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hiện thân cho truyền thống yêu nước tiếp nối ngàn đời, là thể hiện tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập của dân ta, sẵn sàng đánh đổi tất cả cho khát vọng hòa bình.

Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đã và đang không ngừng được nhân rộng, vun đắp, phần nào xoa dịu nỗi đau và những mất mát của người có công, thân nhân, gia đình. Đảng, Nhà nước chưa bao giờ thôi quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình và người có công với nước, dù đất nước còn không ít khó khăn, thách thức. Cả xã hội đã dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công, những tình cảm đặc biệt và tấm lòng tri ân vô hạn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đền ơn đáp nghĩa trở thành một phong trào sâu rộng, lan toả khắp cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kịch tại Ấp Mũi Lớn, xã Tân Hội An, huyện Củ Tri. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đến nay, đã có hơn 98% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức thu nhập trung bình ở nơi cư trú. Tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, đều được phụng dưỡng; hàng vạn thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn được các đoàn thể, chính quyền và người dân địa phương chăm lo chu đáo... con em của thương binh, liệt sĩ được đỡ đầu, trợ cấp, phong trào xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Cả cộng đồng chung tay nỗ lực, làm rất nhiều việc để cuộc sống của người có công với cách mạng và thân nhân ngày càng tốt hơn. TP.HCM, thành phố anh hùng “Vì cả nước, cùng cả nước” cũng luôn đi đầu trong công tác đền ơn đáp nghĩa, phát động các phong trào chăm lo người có công và gia đình chính sách, bằng tất cả trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng.

Đã có rất nhiều sự sẻ chia, song chúng ta vẫn chưa thể yên lòng khi vẫn còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa – như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, là niềm day dứt khôn nguôi trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta. Vẫn còn những hạn chế, bất cập, thậm chí có nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công.

Hiện vẫn còn gần 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn nằm lại với cỏ cây nơi chiến trường xưa, chưa được về với quê hương; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Rồi còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã và đang phải quằn quại gánh chịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Hàng ngàn cựu thanh niên xung phong vẫn sống trong cơ cực và bệnh tật. Và không chỉ trong thời chiến, cả trong hòa bình hôm nay, vẫn có những người thầm lặng hy sinh, những chiến sĩ đổ máu xương giữ vững chủ quyền đất nước.

Những vướng mắc trong thực tiễn cần sớm được giải quyết, hoàn thiện chính sách, thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với người có công. Các cấp chính quyền, địa phương cần quan tâm sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các gia đình chính sách có công, có cuộc sống tinh thần và vật chất đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Cả cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước bằng những việc làm cụ thể, cũng là thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Cần thêm, nhiều thêm nữa những tấm lòng thơm thảo chung tay đáp nghĩa tri ơn.

Đài TNND TPHCM (VOH) khánh thành Bia tưởng niệm chiến sĩ, liệt sĩ Đài phát thanh Giải phóng tại rừng Lò Gò, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - ngày 26/7/2017. (Ảnh: VOH)

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ là dịp để cả đất nước ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, dịp nhắc nhớ chúng ta rằng, trên mảnh đất này, những người thanh niên đầy nhựa sống đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, hàng triệu người khác bị thương tật hoặc phải gánh những di họa của chiến tranh tàn khốc… Từ đó hiểu hơn ý nghĩa và biết bao hy sinh vô giá cho hòa bình hôm nay.

Đất nước đang trên đà đổi mới, phát triển, song hậu quả, vết tích chiến tranh vẫn còn hằn rõ đây đó trên các vùng đất quê hương. Là dịp cả dân tộc tỏ lòng tri ân, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 giúp mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ bồi đắp thêm lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Không chỉ giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng, các thế hệ hôm nay tri ân sâu sắc sự hy sinh của thế hệ cha anh, những người đã nằm xuống cho cả dân tộc đứng lên. Đau thương và mất mát của chiến tranh đã trải, hơn ai hết, mỗi người Việt Nam hôm nay luôn trân quý giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập. Như lời hứa dành cho những người đã hi sinh, cách tri ân tốt nhất với sự hy sinh to lớn của các bậc cha anh, chính là mỗi người dân cần nỗ lực đưa đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.