Sống chung với nước cống, vệ sinh vào bịch ni lông

(VOH) - Gần 2 tháng nay, hàng chục hộ dân ở tổ dân phố 63, khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh phải sống chung với nước cống hôi thối tràn vào nhà mà nguyên nhân được cho là việc thi công cống thoát nước ở cầu Kinh Thanh Đa có "vấn đề".

Nhiều hộ dân phải đào nền nhà lên để khắc phục tình trạng ngập nước

Ngày 06/07, đường dây nóng của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) nhận được điện thoại cầu cứu của ông Phan Văn Đức ở số 777, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh.

“Lúc trước nhà tôi ở mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng khi cầu Kinh thi công nới thêm cả trăm mét và nâng tĩnh cầu lên thì nhà tôi ở bên cạnh gầm cầu. Trước khi làm cầu họ mở rộng đường, giải tỏa nhà tôi hết 4m, trong 4m đó, họ thi công một đường ống thoát nước.

Không biết đấu nối thế nào mà bây giờ nước cống không thoát được mà tràn hết vào nhà người dân, gây bức xúc và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của rất nhiều hộ dân", ông Phan Văn Đức nói.

Đi vệ sinh vào bịch ni lông

Phóng viên Đài VOH tiếp cận hiện trường và ghi nhận bức xúc của nhiều người dân tổ dân phố 63, khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang số nhà 779 Xô Viết Nghệ Tĩnh yêu cầu làm lại công trình sao cho nước thoát chứ mấy tháng nay gia đình phải sống chung với nước hôi thối. Nhà lại có trẻ em, rất đáng sợ. Trước đây không ngập, từ khi cầu và lề đường này làm xong là nhà bị ngập.

Ông Trương Hồng Sơn, em bà Trang, ngụ cùng nhà số 779 Xô Viết Nghệ Tĩnh bổ sung: “Hồi trước, đi vệ sinh dội nước là hết, bây giờ dội là nó tràn lên miệng cầu, còn miệng cống thì ọc nước lên nên phải dùng bơm bơm ra ngoài. Thủy triều lên là nước bẩn tràn lên nhà lai láng”.

Bi đát nhất là hộ gia đình ông Trần Huy Liệu ở số 771 Xô Viết Nghệ Tĩnh, nền nhà bị đào xới như bãi chiến trường mà nước thải dơ bẩn cứ xâm xấp nền nhà. Cách đây gần 1 tháng, gia đình ông không chịu nổi cảnh ngập nước nên thuê thợ đào nền nhà để tìm biện pháp thoát nước nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Gia đình có 10 người nhưng phải sơ tán gần hết. 

Ông Liệu cám cảnh: ”Vệ sinh toilet là khổ nhất, phải đi vào bịch ni long rồi đem đi đổ. Lúc nào cũng sắp sẵn bịch nilon. Kêu thợ đào lên để xử lý nhưng nước bên ngoài cứ tràn vào nên không làm gì được, phải sống chung với nước cống”.

Khó tưởng tượng sống giữa đô thị mà hàng ngày những người trong gia đình ông Liệu phải đi vệ sinh vào bịch ni lông rồi đem đi chỗ khác đổ vì không còn cách nào khác!

Phía trong nhà ông Trần Huy Liệu bị đào lên như một bãi chiến trường

Cốt nền đúng quy hoạch

VOH đã liên hệ với Ban quản lý dự án công trình này là Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thì được một cán bộ phản hồi: “Hiện nay, đường làm cốt nền theo quy hoạch mà nhiều nhà tồn tại lâu rồi nên cốt nền thấp, hệ thống thoát nước cũng thấp hơn. Xưa nay thoát ra hệ thống cũ thì bây giờ mình phải sửa, thông lại cho người ta.

Cũng có những cống thoát nằm trong phạm vi của dự án nên anh em đang khắc phục. Tuy nhiên đây là công trình ngầm nên cũng khó, phải theo con nước, nước cao thì không làm được, chờ nước xuống sẽ tiếp tục kiểm tra, cố gắng khắc phục cho người dân”.

Vì sao mọi việc không được tính toán kỹ ngay từ đầu? Đây có phải là hậu quả của việc thi công cẩu thả?

Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan và quan trọng hơn hết là tình trạng trên phải sớm được khắc phục để trả lại sinh hoạt bình thường cho các hộ dân nơi đây.