Chờ...

Tăng tốc về đích để lấy lại niềm tin!

(VOH) - Được khởi công tháng 8/2012, sau những lần gia hạn, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ đưa vào khai thác, vận hành cuối năm 2021.

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, tuyến metro số 1 dự định thực hiện trong 5 năm nhưng nay kéo dài gần 10 năm trong điều kiện có độ vênh giữa thực tiễn và pháp lý, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặc pháp luật…

Đến nay, cơ bản Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực, tích cực phối hợp cùng các bộ ngành từng bước gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến đưa vào khai thác năm 2021, nghĩa là đã rất cận kề, nên 2020 sẽ là năm bản lề để tăng tốc nước rút cho công trình quan trọng này, đảm bảo tiến độ và củng cố niềm tin của người dân. 

Tăng tốc về đích để lấy lại niềm tin!

Thi công tuyến metro số 1, TP.HCM. Ảnh minh họa: TBKTSG 

Cần nhấn mạnh rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không thể trở thành “đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, nếu như không có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được kỳ vọng sẽ giúp mang đến một diện mạo mới, nâng tầm đô thị cho Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, ngay ở dự án giao thông được quan tâm và ưu tiên số 1 tại Thành phố, thời gian qua lại liên tục trễ hẹn vì nhiều nguyên nhân. Những thiệt hại và hệ lụy có thể thấy rõ, và không chỉ là chuyện kinh tế, mà còn là uy tín, môi trường đầu tư. Tiến độ càng chậm thiệt hại càng lớn. Mỗi lần trễ hẹn là thêm một lần sự kỳ vọng của người dân giảm đi ít nhiều. Thậm chí có không ít thông tin bi quan, nghi ngờ tiêu cực.

Nhận thấy những vấn đề phát sinh, lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến dự án có ý nghĩa quan trọng này, tích cực tháo gỡ vướng mắc. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân Thành phố, Thành phố đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để từng bước tháo gỡ, giải quyết. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 25 về lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, nhận thức sâu sắc các dự án đường sắt đô thị là dự án ưu tiên trong các dự án ưu tiên, cấp bách của lĩnh vực giao thông; cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo tiến độ dự án thực hiện theo kế hoạch đề ra. Xác định mục tiêu hoàn thành xây dựng công trình và đưa vào khai thác vận hành metro số 1 trong quý 4/2021; tuyến metro số 2 hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm nhất tháng 6/2020, khởi công các gói thầu xây lắp chính vào năm 2021, đưa vào khai thác cuối năm 2026.

Từ những sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của cấp có thẩm quyền, tháng 11/2019 vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho cả 2 tuyến metro số 1 và 2, về cơ bản không vượt tổng mức đầu tư theo quy định của Quốc hội: Tuyến số 1 là 47.000 tỷ đồng, tuyến số 2 là 48.000 tỷ đồng. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được UBND Thành phố quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là trên 43.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là hơn 38.200 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 5.500 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, 3.400 tỷ đồng là tổng số tiền tiết kiệm được sau khi thành phố loại bỏ hết các yếu tố, các khoản không cần thiết và từ khâu đấu giá, đấu thầu. Dù tổng vốn đầu tư tuyến metro số 1 giảm nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX trong phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 17 cuối năm 2019 cũng đã thông qua 2 nghị quyết về việc cho phép UBND Thành phố vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên và số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Ảnh minh họa. 

Với những sự quan tâm đặc biệt như đã kể, đến thời điểm này, các khó khăn từ vấn đề pháp lý, nguồn vốn và những chuyện phát sinh khác đã dần được gỡ vướng, tạo những điều kiện tốt nhất cho công trình metro số 1 “chạy nước rút” về đích. Việc còn lại là đảm bảo tiến độ, chất lượng, bởi không thể chậm trễ hơn nữa. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, nên năm 2020 được xem là một năm khẩn trương tăng tốc. Mọi thứ liên quan đến tuyến metro 1 sẽ phải hoàn tất, đầu máy và toa xe sẽ về, cùng với việc tiến hành đào tạo nhân sự để khai thác, vận hành một cách hiệu quả nhất.

Năm 2019 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng và đầy phấn khởi trên các lĩnh vực. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh xây dựng Thành phố thông minh. Trong bối cảnh phấn khởi đó, dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên càng phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch để củng cố lại niềm tin, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân Thành phố. Một khi dự án đó hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ, hoặc sớm hơn sẽ tạo ra những phản ứng tích cực cho toàn bộ hệ thống, là động lực để đẩy nhanh các tuyến metro tiếp theo, cải thiện bộ mặt giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - góp phần xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bế mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Sau 2 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 11/2.