Thực tế từ các dòng kênh

(VOH) - TPHCM đã và đang triển khai sâu rộng Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.

Với sự tham gia quyết liệt từ các cấp, các ngành đã tác động tích cực, làm chuyển biến ý thức người dân. Nhiều điểm đen về rác được xóa bỏ, nhiều khu phố, tuyến hẻm được xanh hóa, nhiều người dân đã dần dần có ý thức không xả rác ra đường. Tuy nhiên, cuộc vận động mới dừng lại ở một mặt của vấn đề vì rác trên các kênh, rạch vẫn còn nhiều và chưa được quản lý chặt chẽ, làm mất vẻ mỹ quan đô thị.

Thực tế từ các dòng kênh

Thanh niên TPHCM tham gia dọn vệ sinh trên kênh rạch. Ảnh: SGGP

TPHCM có khoảng 2.000km kênh rạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn thành phố. Những năm qua, với sự nỗ lực của thành phố, một số tuyến như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần hồi sinh. Tuy nhiên, nhiều kênh rạch khác chưa thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm bởi nước thải không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường và đặc biệt rác vẫn ngập tràn.

Đi thực tế tại một số tuyến đường có giáp ranh bờ kênh, bờ sông như bờ kè đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, bờ kè đường Tôn Thất Thuyết, bờ kè đường Bến Vân Đồn, Quận 4, bờ kè đường Võ Văn Kiệt, Quận 1 và đi tuyến buýt đường sông tại Bến Bạch Đằng, Quận 1 vẫn còn tình trạng các loại rác thải đổ tràn lan ra kênh, rạch. Rác thải nổi nhấp nhô trên mặt nước, nào là vỏ dừa, vỏ chai nhựa, bao ny lông, bao bố, xác động vật,…

Điều này cho thấy xung quanh nhiều người dân có ý thức về bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định thì hiện nay, vẫn còn không ít người dân thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Họ vẫn có thói quen xả rác bừa bãi ở bất cứ nơi đâu, nhất là tình trạng xả rác xuống hệ thống kênh rạch, rãnh thoát nước, sông, hồ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh.

Bà Trần Thị Thiên Lý, người dân sống dọc đường Võ Văn Kiệt, Quận 1 cho rằng: "Tôi thấy rác trên sông Cầu Ông Lãnh cũng không được sạch. Rác ở trên cỏ thì còn có các công nhân đi quét dọn, còn ở trên sông rạch thì không. Nếu như chúng ta cho người đi ghe vớt rác mỗi ngày thì tôi nghĩ sẽ đỡ hơn".

Ghi nhận những cải thiện về môi trường, tình trạng rác thải trên sông có giảm, anh Phạm Hoàng Huân, ở gần Cầu Dừa, Quận 4 cho biết: "Tôi thấy tình hình xử lý rác thải hiện nay bên môi trường nhà nước mình cũng xử lý tốt nhưng thấy tình trạng người dân sống gần đây họ còn vứt rác xuống sông nhiều lắm, gây ra tình trạng ùn ứ rác, bốc mùi hôi thối trên sông. Tôi đề nghị thành phố nên tuyên truyền để cho người dân họ quý trọng môi trường hơn, đừng xả rác xuống sông nữa để cho thành phố được sạch, đẹp hơn".

Việc rác thải trôi bồng bềnh trên mặt nước không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng không tốt đến tâm lý khách du lịch đến Việt Nam, làm cho họ có cái nhìn không tốt về ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta. Đánh giá về điều này, bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền, khách đi tuyến buýt đường sông bến Bạch Đằng, Quận 1 cho hay: "Nếu so với ngày trước thì số lượng có giảm bớt nhưng cũng có một số người thiếu ý thức, vẫn còn bỏ rác ở trên sông. Tôi nghĩ, ý thức người dân là trên hết bởi vì người ta nói Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Ô nhiễm môi trường là mối đe dọa trực tiếp đến tới cuộc sống và sức khỏe của mỗi cá nhân. Do đó, không ai hết, chính người dân thành phố hãy là nhân tố tích cực bảo vệ môi trường nói chung, xanh hóa các con kênh, dòng sông nói riêng.

Ngành chức năng thành phố cũng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để xây dựng một ước mơ chính đáng, có được môi trường sống trong lành của hàng triệu người dân thành phố.