Tín hiệu vui từ việc thí điểm xe buýt điện, xe đạp công cộng

(VOH) - Phát triển giao thông công cộng là xu thế tất yếu để phát triển đô thị văn minh, hiện đại và bền vững.

Hướng đến mục tiêu này, trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang khẩn trương triển khai nhiều đầu việc, đẩy nhanh các dự án theo đề án đã phê duyệt. Giao thông công cộng thành phố đang ghi nhận nhiều tín hiệu vui, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách đi lại trên xe buýt đã tăng trở lại. Tuyến xe buýt điện vừa đưa vào thí điểm tạo những hiệu ứng tích cực. Việc thí điểm xe đạp công cộng qua mấy tháng cũng đang cho kết quả vượt mong đợi.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, sau mấy tháng đưa vào thí điểm, mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn Quận 1 với 500 chiếc tại 43 trạm đã ghi nhận có gần 1.500 tài khoản đăng ký mỗi ngày. 100% thời gian trong ngày đều có khách sử dụng dịch vụ. Vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều đến tối, lượng xe sử dụng luôn lớn hơn 50%; đặc biệt các trạm trung tâm quanh khu vực phố đi bộ… thường xuyên sử dụng hết xe. Hầu hết người dân đều sử dụng dịch vụ một cách rất văn minh, trả xe đúng nơi quy định, xếp xe gọn gàng. Sau trải nghiệm đạp xe lẫn chất lượng dịch vụ, đa số khách hàng phản hồi rất tích cực.

Tín hiệu vui từ việc thí điểm xe buýt điện, xe đạp công cộng 1
Người dân thích thú với xe đạp công cộng. Ảnh minh họa: PN

Với mô hình mới mẻ này tại thành phố, người dân và du khách tham quan khu vực trung tâm có thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông, từ đó tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai. Từ những thống kê ban đầu có phần vượt cả kỳ vọng, Sở Giao thông vận tải cho biết, dự kiến sẽ đề xuất mở rộng dịch vụ ra một số quận khác sau thời gian thí điểm một năm, ưu tiên khu vực quanh nhà ga tuyến metro số 1 và các tuyến xe buýt.

Cùng với dịch vụ xe đạp công cộng, tuyến xe buýt điện đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vừa khai trương hồi đầu tháng 3 vừa qua cũng ghi nhận nhiều phản hồi tích cực. Xe mới, êm, thân thiện với môi trường, cửa lên và xuống có chế độ tự động hạ thấp khi dừng để đảm bảo an toàn cho người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai... lên xuống xe. Nhiều trang thiết bị thông minh được trang bị trong xe như: cổng sạc USB và WiFi miễn phí, bảng điện tử thông báo điểm dừng sắp tới... Công nghệ hiện đại, dịch vụ tiện nghi, nhân viên phục vụ văn minh, lịch sự và thân thiện đã mang đến nhiều thiện cảm và sự thích thú cho hành khách. Nhiều hành khách sau khi trải nghiệm đã nhận định rằng cần mở rộng thêm nhiều tuyến buýt điện thông minh ở các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.

Khi tuyến buýt điện đầu tiên ra mắt, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố nhấn mạnh, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bền vững, phát triển giao thông công cộng, đặc biệt vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện được coi là mũi nhọn, giải quyết vấn đề giao thông đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Lâm, việc thí điểm đưa xe buýt chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng, không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày một tốt hơn.

Từ những kết quả bước đầu đầy khả quan, cơ quan chức năng sẽ xem xét, rà soát hiệu quả của các tuyến đã thực hiện để có thể triển khai dịch vụ được tốt hơn, đảm bảo các tuyến kết nối chặt chẽ với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố, phục vụ đông đảo người dân. Dự kiến, trong năm 2022, ngoài việc đầu tư 5 tuyến xe buýt điện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch mở thêm một số tuyến xe buýt khác. Đến giữa năm 2023 sẽ có thêm 18 tuyến xe buýt nhỏ đưa đón khách từ khu dân cư đến với metro số 1.

Đương nhiên, chỉ đầu tư xe buýt hay xe buýt điện không chưa đủ. Để người dân đi lại tiện lợi hơn, thành phố cũng triển khai nhiều phương án, giải pháp nâng cao chất lượng, sự tiện ích của xe buýt truyền thống, nâng cao thái độ tài xế, tiếp viên… để thu hút người dân. Đặc biệt là cải tạo hạ tầng, đảm bảo trật tự vỉa hè và lòng lề đường cho người dân dễ dàng hơn để đón xe buýt. Thường xuyên rà soát điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt nhằm mở rộng mạng lưới tuyến, tăng cường kết nối các điểm thu hút phục vụ người dân.

Việc thí điểm mô hình xe đạp công cộng, xe buýt điện chất lượng cao mà thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai được xem là bước chuẩn bị cho việc hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy sau năm 2030 tại 5 thành phố lớn, mà Nghị định 48 của Chính phủ đề ra. Trong đó, giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống xe buýt, phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Dĩ nhiên, để giao thông công cộng phát triển như mong đợi là một lộ trình dài. Song, tín hiệu vui từ hiệu quả ban đầu của việc thí điểm xe buýt điện, xe đạp công cộng là những bước đầu tiên để rút ngắn lộ trình đó, hướng đến phát triển đô thị văn minh, hiện đại và bền vững.

Bình luận