Trẻ ngạt nước tại nhà: Cảnh báo những cái chết thương tâm

(VOH) - Dù nhiều lần cảnh báo nhưng Khoa Cấp cứu của bệnh viện Nhi đồng 1 năm nào cũng tiếp nhận nhiều trường hợp như vậy.

Mời quý vị nghe nội dung bài viết hoặc đọc chi tiết 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết dù nhiều lần cảnh báo nhưng tại bệnh viện vẫn rất thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ chết đuối ngay trong nhà mình.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bé gái gần 11 tháng tuổi được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Hóc Môn đến trong tình trạng tím tái, dù được hồi sức tim phổi nhưng bé không qua khỏi sau hai ngày điều trị tích cực. Bác sĩ cho biết vì thời gian bé cắm đầu vô xô nước khá lâu, phát hiện muộn nên khó lòng cứu chữa. Người nhà cho biết, khi trông con thì cha bé ngủ trưa, tỉnh dậy không thấy con trong phòng, sau đó phát hiện thấy bé chổng đầu vào xô nước.

Không riêng trường hợp này, đầu tháng 3 vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận một trẻ 17 tháng đến cấp cứu vì ngạt nước cũng tương tự như vậy. Trong lúc người lớn không để ý bé chạy vòng ra sau nhà, rồi với tay vô xô nước, ngã chúi mặt vào trong và khi phát hiện thì tình trạng ngạt khá lâu, bé cũng không qua khỏi…

Một trường hợp bé trai 10 tháng tuổi ngã vào xô nước được BV Nhi Đồng 1 cứu sống - Ảnh: 24h

Những tai nạn thương tâm như thế này không chỉ là bài học cho những bậc cha mẹ, người lớn khi trông giữ con mà cũng để lại cho các bác sĩ, nhân viên y tế nỗi thương cảm không nguôi. Đáng tiếc là dù nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo nhưng theo bác sĩ Đinh Tấn Phương thì Khoa Cấp cứu của bệnh viện năm nào cũng tiếp nhận nhiều trường hợp như vậy và đau lòng là hầu hết không qua khỏi.

Trẻ chỉ cần ngưng thở trên 4 phút là sẽ bị thiếu oxy não để lại di chứng và trên 10 phút thì khả năng cứu chữa vô cùng thấp, cho dù có được hồi sức tim phổi, sơ cứu ngay sau phát hiện. Do vậy, để tránh những cái chết thương tâm xảy ra thì tại gia đình, người giữ trẻ phải luôn theo sát chúng, trông coi cẩn thận và không để trẻ nghịch ở những khu vực có vật chứa nước như thau, chậu hay những khạp nhựa chứa nước mà cư dân khu vực đô thị rất hay dùng.

Chỉ cần sơ sẩy vài phút thôi nhưng cha mẹ sẽ hối tiếc, day dứt cả đời khi con mình mất đi. Tai nạn sinh hoạt trong gia đình kiểu như vậy thì rất nhiều, từ những việc nhỏ nhặt người lớn không để ý nhưng với trẻ nhỏ thì luôn tiềm ẩn, rình rập hiểm nguy như sờ tay vào ổ điện, thò tay vào quạt máy, bàn ủi điện, té ngã cầu thang và thường gặp nhất là ngạt nước. Trẻ con vốn rất thích chơi giỡn, nghịch nước, do vậy chỉ cần người lớn không để ý tới là trẻ chạy ngay vô nhà tắm, ra chỗ có nước để nghịch và nếu không phát hiện kịp sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng thương tâm.

Hè đã gần kề, trẻ sinh hoạt tại nhà nhiều hơn nên các bậc phụ huynh cần quan tâm, phòng tránh tai nạn sinh hoạt cho trẻ nhất là ngạt nước.

Đừng để những cái chết thương tâm xảy ra vì cho dù thế nào thì câu chuyện này luôn để lại nỗi ám ảnh không nguôi trong chúng ta. Hãy bảo vệ con trẻ bằng tất cả tình thương, sự quan tâm và quan trọng là sự cẩn trọng khi giữ trẻ.