Triều Tiên tính toán gì?

(VOH) - Sáng sớm hôm qua (18/4) theo giờ Việt Nam, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã thử nghiệm một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật.

Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên của Triều Tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2 vừa qua tại Hà Nội. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ thử nghiệm và gọi đây là “sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn”. Vậy Triều Tiên tính toán gì trong vụ thử này?

Theo hãng tin Triều Tiên (KCNA), vụ thử được thực hiện bằng nhiều mô hình bắn khác nhau và nhằm vào các mục tiêu khác nhau. Hãng tin Triều Tiên không mô tả cụ thể loại vũ khí này là loại vũ khí gì, song lại dùng từ “chiến thuật” để ám chỉ một loại vũ khí tầm ngắn, trái ngược với những tên lửa đạn đạo vốn bị Mỹ coi là một mối đe dọa.

Cũng theo KCNA, vũ khí được thử là loại đặc biệt “có điều khiển” và “có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”. Phát biểu sau vụ thử, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng đây là “sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn” trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Ông Kim Jong Un nói: "Hoàn tất việc phát triển hệ thống vũ khí này được xem là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc tăng cường sức mạnh tác chiến của quân đội Triều Tiên".

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Đáng chú ý, thông tin về vụ thử được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ thông báo đã phát hiện một số hoạt động tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang tái chế những nguyên liệu phóng xạ để phục vụ chế tạo bom.

Phản ứng về vụ Triều Tiên thử vũ khí dẫn đường chiến thuật sáng hôm qua (18/4), Bộ Chỉ huy phương Bắc và Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ cho biết không phát hiện một vụ phóng tên lửa từ phía Triều Tiên và đang tiến hành kiểm tra thêm. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng nói: "Chúng tôi đã biết thông tin này và hiện chưa có bình luận gì thêm". Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có phản ứng tương tự.

Động thái mới nhất này là vụ thử đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2 vừa qua tại Hà Nội.Vụ thử diễn ra sau khi ông Kim Jong Un từng đề cập hạn chót là đến cuối năm cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ sau khi hội nghị trên kết thúc mà không đạt thỏa thuận.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là Triều Tiên đang tính toán gì với vụ thử vũ khí mới nhất này?

Giới phân tích cho rằng, đây có thể là một động thái thể hiện  sự bất mãn của Triều Tiên trước các cuộc đàm phán hạt nhân hiện đang bế tắc với Mỹ. Tin tức về chuyến thăm của ông Kim Jong Un đến địa điểm thử nghiệm vũ khí chiến thuật được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên này đến thăm Lực lượng phòng không của Triều Tiên, kiểm tra máy bay và bày tỏ sự "hài lòng " với sự sẵn sàng chiến đấu của họ.

Hãng tin Mỹ CNBC dẫn lời một chuyên gia nhận định, Triều Tiên là quốc gia khó đoán nhưng ở thời điểm này, động thái thử vũ khí có lẽ chỉ là một cách để “nhắc nhở” chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng tại sao họ lại đưa cuộc đàm phán về “vạch xuất phát”. Chuyên gia này nhận định rõ ràng, Triều Tiên đang muốn nâng cao vị thế đàm phán nếu Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un gặp nhau một lần nữa.

Hãng CNN dẫn lời ông Vipin Narang, Giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts chuyên nghiên cứu về phổ biến hạt nhân,cho rằng loại vũ khí này có thể khác với các tên lửa tầm xa mà Triều Tiên đã thử nghiệm trong vài năm qua. Ông Vipin Narang cũng nhận định Triều Tiên thử vũ khí mới là thông điệp gửi đến Mỹ và đồng minh rằng “súng đã nạp đạn” và tất cả đang phụ thuộc vào thái độ của Mỹ trong các bước hướng tới cuộc đàm phán tiếp theo.

Theo chuyên gia Harry Kazianis, thuộc Trung tâm Vì Lợi ích Quốc gia Hàn quốc, thông qua vụ thử tên lửa, Triều Tiên đang muốn chứng tỏ năng lực quốc phòng của nước này đang phát triển từng ngày và đây là 1 lời cảnh báo đến Mỹ với sự thiếu linh hoạt của Washington trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Và rằng, thực tế Triều Tiên vẫn có thể thử nghiệm nhằm hiện đại hóa kho vũ khí bên cạnh lời hứa với Mỹ là không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.Còn theo ông Kim Dong-yup của Đại học Kyungnam, thì vụ thử tên lửa của Triều Tiên còn có ý nghĩa tăng cường niềm tin của người dân nước này vào sức mạnh an ninh quốc gia, bên cạnh những chính sách đối ngoại có phần mền mỏng hơn trước.

Tờ Bưu điện Washington lưu ý rằng, lần thử vũ khí này diễn ra vào thời điểm nhà lãnh đạo Triều Tiên chuẩn bị tới Nga, động thái được cho là tìm sự trợ giúp khi Mỹ chưa đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Các thôn gtin từ phái Nga cho biết cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang được tích cực chuẩn bị. Cộng thêm việc thử vũ khí mới, dường như Triều Tiên muốn tạo các lợi thế trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 diễn ra.

Vậy nếu các vụ thử này vẫn tiếp tục, hệ lụy nào sẽ diễn ra? Trang tin Express.co.uk của Anh nhận định dù hiện chưa rõ đây là loại vũ khí gì, nhưng vụ thử thành công cho thấy diễn biến đáng lo ngại trong mối quan giữa Triều Tiên và phương Tây.Tháng 11 năm ngoái nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng giám sát vụ thử một loại vũ khí chiến lược không xác định mà truyền thông trong nước miêu tả như “bức tường thép bảo vệ Triều Tiên”.

Rất may mắn bởi những khúc mắc giữa Triều Tiên và Mỹ, phương Tây đã được giải quyết và các bên đã gặp nhau tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, việc Mỹ và Triều Tiên gặp nhau mà không đưa ra được một Tuyên bố chung Hà Nội cũng đã đặt ra nhiều nguy cơ. Nay với việc Triều Tiên thử vũ khí hiện đại mới với nhiều thông điệp kể trên, nếu Mỹ và phương Tây không có các biện pháp hữu hiệu, rất có thể tình hình sẽ diễn biến theo những chiều hướng khác nhau khó kiểm soát.

17 nước Arab tham gia 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc - Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận trị giá hàng nghìn tỷ USD với 17 nước Arab về sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Time công bố 100 người ảnh hưởng nhất thế giới - Tạp chí Time của Mỹ vừa cho công bố danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019.