Hai siêu cường thế giới Mỹ - Trung đã bước vào cuộc chiến thương mại từ năm 2018. Những ảnh hưởng từ cuộc chiến này là không hề nhỏ, kéo theo rất nhiều hậu quả và có tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Tháng 1/2020, cả hai quốc gia đã đồng ý nới lỏng một số hạn chế áp đặt lên các mặt hàng nhập khẩu từ đối phương. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung những tháng vừa qua không hề được cải thiện mà ngược lại, căng thẳng đã leo thang liên tục vì những bất đồng liên tiếp xung quanh những sự kiện trong và ngoài khu vực.
Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có quyết định được xem là đối chọi trực tiếp với Trung Quốc khi cấm mọi hoạt động giao dịch trên lãnh thổ Mỹ đối với hai ứng dụng đình đám đến từ quốc gia tỷ dân, là TikTok và WeChat. Lý do ông Trump đưa ra là những công ty này thu thập dữ liệu của nước Mỹ, gửi về chính quyền Bắc Kinh và là mối đe dọa đến an ninh quốc gia.
Không chỉ WeChat, TikTok và trước đó là Huawei, mới đây hàng chục công ty Trung Quốc cũng đã bị chính quyền Donald Trump cho vào danh sách đen trong lĩnh vực kinh tế và thiệt hại là không hề nhỏ.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế học kỳ cựu từ Tổ chức kinh tế HIS Markit có trụ sở ở London, Anh nhận định: “Chính phủ Mỹ sẽ có những nước đi mạnh tay hơn để ngăn chặn việc rò rỉ dữ liệu từ nước này do các doanh nghiệp Trung Quốc lưu trữ, cũng như sẽ siết chặt việc sử dụng hệ thống cáp quang biển Internet giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới.”
Lệnh cấm trên của Trump là mâu thuẫn mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh.
Ngoài ra bất đồng từ những vấn đề liên quan đến luật an ninh mới ở Hong Kong, tập đoàn công nghệ Huawei và nguồn gốc của Sars-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng là những nguyên nhân đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào ngõ cụt như hiện nay.
“Cả hai quốc gia đều đang có những hành động làm tăng nhiệt mâu thuẫn từ đầu năm nay, và rõ ràng là giữa họ có rất nhiều điều cần phải bàn thảo. Ít nhất, chúng ta mong chờ những nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nên đặt câu hỏi về cam kết của họ trong việc cho ra đời một thỏa thuận thương mại giữa hai bên - công cụ cơ bản giúp bảo vệ các doanh nghiệp nước nhà trước sức ép từ phía Mỹ”, Nick Marro - chuyên gia thương mại toàn cầu từ Cơ quan tình báo kinh tế quốc tế, cho biết.
Tranh vẽ cổ động nối lại đàm phán thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: BBC
Vì sao nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có thời gian dài cáo buộc Trung Quốc có những chính sách thương mại không công bằng, thỏa đáng và có dấu hiệu đánh cắp các sản phẩm sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Trung Quốc lại hoài nghi việc Mỹ đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng và củng cố sức mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu.
Chính mâu thuẫn trên đã dẫn đến việc từ năm 2018, hai cường quốc đã liên tục có động thái đáp trả qua lại bằng cách áp các mức thuế nhập khẩu cao ngất lên hàng hóa của đối phương, ước tính trị giá lên đến hơn 450 tỷ USD.
Hành động “ăn miếng trả miếng” này đã kéo theo vô số hậu quả đối với kinh tế toàn cầu. Mãi cho đến đầu năm 2020, tình hình mới có chút khả quan khi cả hai đã đồng ý kéo giãn một số hạn chế. Đây thường được gọi là “Giai đoạn một” của thỏa thuận.
Có gì trong thỏa thuận “Giai đoạn một”?
Theo giới chức Trung Quốc, thỏa thuận sơ bộ ký kết vào tháng 1/2020 được đánh giá là có lợi cho đôi bên. Trong đó, Trung Quốc cam kết đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa Mỹ thêm 200 tỷ USD so với năm 2017, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp sẽ tăng thêm 32 tỷ USD giá trị và các sản phẩm thuộc công nghiệp chế tạo sẽ tăng thêm 78 tỷ USD.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý bổ sung, đẩy mạnh hoạt động pháp lý trong bảo vệ sở hữu trí tuệ bằng cách tăng cường các biện pháp chống gian lận và đánh cắp bí mật thương mại.
Về phía Mỹ, nước này chấp thuận dỡ bỏ một số mức thuế quan mới áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù một số đầu thuế chính vẫn còn được áp dụng, tuy nhiên đây được xem là bước tiến lớn trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019, tổ chức tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Thế giới trông đợi điều gì?
Dù chỉ mới hơn 6 tháng kể từ thỏa thuận “Giai đoạn một” chính thức có hiệu lực, nhưng cục diện tình hình hiện nay đã hoàn toàn thay đổi. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã có những bước thụt lùi không thể lường trước được và thương mại toàn cầu cũng trở nên đình trệ, bên bờ vực khủng hoảng vì tác động của đại dịch Covid-19.
“Bởi sự khác biệt quá lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, thật khó để trông đợi điều gì đột phá ở những lần đàm phán sắp tới”, ông Biswas chia sẻ.
Mặc dù vậy, không phải là không có cơ hội.
Cam kết của Trung Quốc về việc sẽ sở hữu ít nhất thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm 2020 và 2021 sẽ là một trong những điểm cần lưu tâm. Trước khi cam kết này được ký, nhiều chuyên gia thương mại còn cho rằng đây là mục tiêu viển vông.
Tuy nhiên nếu đặt trong tình hình hiện tại, có lẽ sẽ còn nhiều khó khăn phía trước vì kinh tế của cả hai siêu cường cũng đã chao đảo không nhỏ vì đại dịch Covid-19. Các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, đóng cửa nhà máy, xí nghiệp, tạm ngừng các hoạt động thông thương suốt nửa năm qua khiến không chỉ Mỹ - Trung mà những nền kinh tế lớn trên thế giới đều lần lượt ngấm đòn.
Có thể trong thời gian tới, một cuộc họp trực truyến sẽ được tổ chức nhằm phân tích dữ liệu từ hoạt động thương mại gần đây của hai nước để xác định liệu mục tiêu trên có còn khả thi hay không.
“Quan điểm cơ bản của chúng tôi là thỏa thuận sẽ vẫn còn nguyên sau các cuộc họp. Sẽ quá tốn kém cho cả hai bên, nếu chấm dứt nó ngay bây giờ”, chuyên gia Marro từ EIU nhận định.