Tối 20/5, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc gửi đi thông báo chính thức về việc phim Vợ ba dừng chiếu chỉ sau 4 ngày ra rạp. Phía nhà phát hành CGV cũng đã xác nhận phim rút dần suất chiếu từ chiều và tối 20/5.
Lột tả nhiều góc khuất của xã hội Việt Nam thế kỷ 19, "Vợ Ba" trở thành những thước phim vừa nghệ vừa đời trong mắt quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bộ phim lại không được chào đón.
Nguyên văn thông cáo báo chí NSX Trần Thị Bích Ngọc:
Trước tiên thay mặt cho đoàn làm phim xin chân thành cảm ơn quý báo đã dành nhiều sự quan tâm cho bộ phim Vợ Ba trong thời gian vừa qua. Chúng tôi xin thông qua văn bản này nhà sản xuất của Vợ Ba và công ty Luật PA Law Firm xin phép được gửi phản hồi về những vấn đề pháp lý liên quan đến việc diễn viên Trà My đảm nhận nhân vật Mây trong phim dựa trên những quan tâm của khán giả và báo chí trong những ngày gần đây.
Ngoài ra, hiện nay nhà sản xuất cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để gửi phản hồi đến các cơ quan có liên quan đồng thời có thể khởi kiện đối với các cơ quan, bài báo, trang tin điện tử làm tổn hại đến nhà sản xuất, bộ phim và danh dự của diễn viên Trà My. Và nhà sản xuất quyết định chủ động trình Cục Điện Ảnh xin ngừng chiếu phim trước sức ép của báo chí và dư luận vì không muốn câu chuyện được một số trang báo định hướng là một vấn đề xã hội được đẩy đi quá xa và điều này ảnh hưởng đến gia đình cũng như cuộc sống của diễn viên Trà My.
Nhà sản xuất cũng chia sẻ thẳng thắn quan điểm Vợ Ba là một bộ phim điện ảnh được đánh giá là có thẩm mỹ và nhân văn nhưng phim ảnh không phải là đời thực, không đáng bị lên án một cách có chủ ý và thiết nghĩ chúng ta nên giải quyết một số vấn nạn xâm hại trẻ em ngoài đời thực chứ không phải tập trung chỉ trích một bộ phim điện ảnh.
Nhà sản xuất khẳng định bộ phim Vợ Ba vẫn bảo toàn tính pháp lý được trình chiếu tại các quốc gia khác theo đúng lịch phát hành đã định trước. Chúng tôi thật sự rất buồn vì quyết định này sau tất cả những nỗ lực của đoàn làm phim, chúng tôi cũng gởi lời xin lỗi chân thành đến dàn diễn viên, ekip làm phim cùng những khán giả đã ủng hộ bộ phim và hi vọng với thông tin này quý báo sẽ tôn trọng quyết định của nhà sản xuất cũng như không tiếp tục đưa tin về thông tin ảnh hưởng đến tâm lý cũng như cuộc sống của Trà My. Và chúng ta sẽ khép lại câu chuyện ở đây.
Một lần nữa xin cảm ơn quý báo đã ủng hộ bộ phim,
Trân trọng, Trần Thị Bích Ngọc
Theo như thông tin trước đó, vào chiều ngày 20/05, thông tin Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo kiểm tra lại quy trình cấp phép phim Vợ Ba. Trước thông tin này, một số khán giả cho rằng thông báo này được đưa ra quá sát giờ chiếu, nhiều người trong số họ đã mua vé trước để thưởng thức bộ phim.
Liên hệ với ekip sản xuất của Vợ Ba, chúng tôi ghi nhận thông tin "Cả ekip lẫn nhà phát hành đều xác nhận vẫn chưa nhận được thông báo gì từ Bộ, đây chỉ là thao tác kiểm tra quy trình cấp phép".
Hình ảnh của văn bản gửi Cục Điện ảnh yêu cầu kiểm tra lại quy trình cấp phép và kiểm duyệt bộ phim tham mưu lãnh đạo bộ phương án xử lý, đồng thời yêu cầu cục có báo cáo đến bộ trước ngày 24/5.
Không phải vấn đề gì to tác, đây chỉ là thao tác kiểm tra quy trình cấp phép, nhưng phim lại công bố ngừng chiếu ngay sau đó.
Mặc dù chỉ là kiểm tra quy trình cấp phép nhưng đến 22h cùng ngày, yêu cầu ngừng chiếu phim trên toàn quốc đã được thực hiện. Vợ Ba chính thức ngừng chiếu sau 4 ngày vì sức ép dư luận quá lớn đối với gia đình và bản thân nữ diễn viên chính của phim là Trà My.
Nguyễn Phương Trà My (15 tuổi), nữ diễn viên thủ vai Mây trong phim Vợ Ba khi mới 13 tuổi.
Phim Vợ ba kể về thân phận người phụ nữ với kiếp sống chung chồng cuối thế kỷ 19. Câu chuyện phim mở đầu khi Mây (Nguyễn Phương Trà My đóng) về làm vợ ba của một địa chủ khi 14 tuổi. Mặc dù khởi chiếu vào ngày 17/5, nhưng Vợ Ba ngay từ lúc chưa công chiếu đã gây ra làn sóng tranh cãi trái chiều xung quanh việc diễn viên Nguyễn Phương Trà My thực hiện một số cảnh phim nhạy cảm như động phòng, sinh con, hôn đồng giới... khi mới học lớp 6. Một bộ phận khán giả chỉ trích đạo diễn Nguyễn Phương Anh và đoàn phim gây tổn hại tâm lý cho diễn viên tuổi vị thành niên.
Trước sức ép dư luận, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chủ động làm đơn trình Cục Điện ảnh xin dừng chiếu phim, đồng thời tiến hành các thủ tục pháp lý, khởi kiện một số đơn vị truyền thông gây ảnh hưởng tiêu cực tới bộ phim và nữ diễn viên chính Nguyễn Phương Trà My.
Chị khẳng định việc hợp tác giữa đoàn phim và Trà My đúng về phương diện pháp lý. Việc dừng chiếu tại Việt Nam không ảnh hưởng lịch phát hành của phim tại gần 30 quốc gia trên thế giới, sau khi giành giải Phim châu Á xuất sắc tại LHP Quốc tế Toronto cùng nhiều giải thưởng khác.
NSX sẽ khởi kiện một số đơn vị truyền thông gây ảnh hưởng tiêu cực tới bộ phim và nữ diễn viên chính Nguyễn Phương Trà My.
Mặc dù ở trong nước, Vợ Ba vấp phải làn sóng phản đối và tạo nên khá nhiều tranh cãi tiêu cực nhưng trong mắt bạn bè quốc tế, Vợ Ba vẫn được đánh giá là một tác phẩm chất lượng và bật lên sự thương cảm cho số phận người phụ nữ thời phong kiến. Vấn đề nhạy cảm, cảnh nóng của diễn viên nhí không phải là cái mà các tờ báo nước ngoài quá xoáy sâu phân tích. Thay vào đó, góc nhìn của họ lại tập trung vào chuyên môn điện ảnh, kịch bản và cách đạo diễn Ash Mayfair kể lại câu chuyện của chính bà cố mình trong phim.
Tờ New York Times nhận xét về phim Vợ Ba là "Quá hấp dẫn cho thể loại melodrama, nhưng lại quá xinh đẹp cho thể loại phim chính trị".
Chuyên trang điện ảnh Screendaily lại xoáy sâu hơn vào cách làm phim. Họ nhận định Vợ Ba là "Bức tranh tổng hòa góc nhìn của nữ đạo diễn Ash Mayfair về số phận tạo nên một sự đồng cảm xuyên biên giới".
Chuyên trang về giải trí Hollywood đánh giá, chủ đề của Vợ Ba có thể được tiếp cận bằng một cách gợi tình mà vẫn sâu sắc, đằm thắm.
Hiện tại, vẫn còn rất nhiều khán giả chưa xem phim cảm thấy tiếc nuối trước thông tin ngừng chiếu của Vợ Ba. Nhiều người cho rằng khán giả chưa xem phim thì không nên đưa ra phán xét, như vậy rất vội vã và bất công với công sức mà đoàn phim bỏ ra. Đây rõ ràng là một tác phẩm điện ảnh có giá trị và nhận được sự chào đón từ nhiều nước, trong khi khán giả nước ngoài thì được thưởng thức, còn người trong nước thì lại tự khước từ quyền xem phim Việt của người Việt.