Nghe nội dung bài viết
Bộ phim “Em là bà nội của anh” là bộ phim mở đầu cho sự hợp tác thành công giữa hai nền điện ảnh Việt - Hàn.
Từ những con số biết nói...
Theo số liệu thống kê của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc, hiện nay Hàn Quốc đang đứng thứ 7 về doanh thu phòng vé. Năm 2015 có khoảng 217 triệu lượt người tới rạp, số phim thương mại tính đến thời điểm tháng 6/2016 có 232 phim nội địa được phát hành, trung bình mỗi phim có chi phí sản xuất khoảng 365 triệu won, chi phí quảng bá lên tới 3 tỷ won.
Hàn Quốc có 3 hệ thống rạp chiếu lớn với tổng cộng 2.424 phòng chiếu. Tất cả phòng vé đều kết nối với mạng máy tính tích hợp để theo dõi doanh thu và sẽ trích 3% doanh thu tiền vé để đóng góp vào Quỹ phát triển điện ảnh.
Điều đáng nói là Hàn Quốc có đến 2 quỹ phát triển điện ảnh: “Quỹ đầu tư điện ảnh” thành lập từ năm 2005 do các công ty vừa và nhỏ tạo ra với số tiền huy động ban đầu là 2.000 tỷ won nhưng đến nay con số này đã vượt 11.000 tỷ won. Còn “Quỹ phát triển điện ảnh Hàn Quốc” do Chính phủ thành lập từ năm 2007 với mức đầu tiên là 2.000 tỷ won.
Tại Việt Nam, con số này khiêm tốn hơn rất nhiều khi chỉ có 538 phòng chiếu, năm qua phát hành được 41 phim nội địa chiếm 17% tổng số phim phát hành tại VN, số lượt người xem đạt 51 triệu lượt người.
... đến việc giữ bản sắc dân tộc
Diễn đàn trao đổi hợp tác điện ảnh Việt - Hàn mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức không nhỏ đối với cả hai bên. Đây là bước khởi đầu cho sự gặp gỡ tiến tới hiện thực hóa những lĩnh vực về sản xuất, phát hành phim, đào tạo nhân lực.
Tại Việt Nam, hệ thống rạp CGV, Lotte của Hàn Quốc chiếm hơn 60% thị phần vì vậy đây cũng là nơi giúp các nhà làm phim trong nước tìm hiểu, được tạo điều kiện để được phát hành với chính sách ưu đãi và hợp lý. Ông Kim Hyoun Soo - Trưởng Phòng nghiên cứu chính sách Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc đề nghị: "Để thúc đẩy sự phát triển điện ảnh VN và Hàn Quốc, trước tiên phải có sự gặp gỡ giao lưu giữa doanh nghiệp hai bên, sau đó cùng ký kết thực hiện một bộ phim hợp tác".
“Em là bà nội của anh” là bộ phim mở đầu cho sự hợp tác thành công giữa hai nền điện ảnh khi phim này làm lại từ bộ phim Hàn đã đạt kỷ lục doanh thu phòng vé từ trước đến nay. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không giấu những băn khoăn: "Đối với phim này, có tranh cãi như chọn ngôi sao hay không, phim dài quá hay cắt ngắn đi, mình muốn làm bộ phim đúng ý nên không thay đổi và thỏa hiệp nhiều nên khi phim ra gần như ý muốn".
Thực tế cho thấy, việc hợp tác làm phim sẽ là con đường thuận lợi khi điện ảnh của nước bạn đang có trình độ phát triển vượt bậc cả về nhân lực lẫn tài lực. Tuy vậy, phim hợp tác không chỉ liên quan đến vấn đề kịch bản, kinh phí và quảng bá mà “bản sắc văn hóa” phải được đặt lên hàng đầu để phim hợp tác không bị “Hàn hóa”.
Nhà sản xuất Châu Thổ đang chuẩn bị thực hiện một dự án điện ảnh Việt - Hàn phân vân: "Ban đầu dự định làm remake phim Single của Hàn Quốc nhưng đưa phim và đưa kịch bản tôi thấy không phù hợp với thị hiếu người Việt và tôi phải viết lại gần như 90%. Nhưng nếu chúng ta biến điện ảnh Việt chỉ làm remake hoặc hợp tác mà không xuất phát từ những câu chuyện, kịch bản, đạo diễn con người Việt Nam thì rất đáng lo ngại".
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch khẳng định, trong quá trình hội nhập thì bản sắc dân tộc không thể bị lu mờ: "Cái quý giá của chúng ta là liên kết để cùng phát triển, cùng nhau giữ bản sắc. Chỉ số phát triển kinh tế là chỉ số chung toàn cầu nhưng giá trị văn hóa là giá trị quốc gia, nên toàn cầu hóa phát triển sâu rộng mà giữ được bản sắc là việc khó".