10.000 người tham gia Lễ hội nguyên tiêu ở quận 5

(VOH) - Với nhiều hoạt động văn hóa diễn ra liên tục từ ngày 20 đến 22/2 (tức 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa ở Quận 5 chính thức kết thúc vào tối qua. Cao điểm của hoạt động này chính là màn diễu hành nghệ thuật đường phố của 1.000 diễn viên đi qua nhiều tuyến phố chính trên địa bàn quận và kết thúc ở Trung tâm văn hóa Quận 5.

Đúng 18h30, đoàn diễu hành với trang phục rực rỡ sắc màu hòa trong âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ dân tộc lần lượt đi qua lễ đài để trình diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất trước các đại biểu và đông đảo người dân.

Bên cạnh trang phục sặc sỡ của người Hoa, người xem còn ấn tượng với sự góp mặt của nhiều màu áo đại diện cho các dân tộc khác như Chăm, Khơ-mer, các dân tộc vùng núi phía Bắc...

Màn biểu diễn “Long lân mai hoa thung” của đoàn Lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường.

Ấn tượng nhất của các khán giả trong đêm hội Rồng - Đăng đó là được xem lại màn biểu diễn “Long lân mai hoa thung” của đoàn Lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường.

Ngoài ra, không gian của đêm hội còn mang nhiều ý nghĩa hơn khi người xem được hòa mình vào những trò chơi dân gian đậm chất của cộng đồng người Hoa như đi cà kheo, sân khấu hóa Phúc Lộc Thọ, chơi đố đèn, Vớt cá vàng...

Với cộng đồng người Hoa, màu vàng tượng trưng cho lộc. Ai vớt được cá vàng sẽ mang lại sự may mắn trong công việc làm ăn của cả năm.

Ông Huỳnh Chí Cầu, quận 5, chia sẻ: “Màu vàng tượng trưng cho kim, cá vàng là kim. Ai vớt được cá vàng cũng sẽ nhận được tài lộc trong năm mới và cả sự may mắn, niên niên hữu dư. Con cái có tiêu bao nhiêu cũng không hết mà còn dư nhiều để trong két sắt”.

Viết thư pháp, vẽ tranh về mùa xuân và cỏ cây hoa lá cũng là một hoạt động mang đậm dấu ấn của cộng đồng người Hoa mỗi dịp năm mới không thể thiếu trong khuôn khổ của Đêm hội Rồng - Đăng.

Năm nay, CLB Mỹ thuật quận 5 tạo dấu ấn cho du khách bằng một bức tranh dài 6m và rộng gần 2m, có chủ đề “Phú quý chừng xuân - Hòa bình an lạc”. Theo ông Trương Hán Minh, Chủ nhiệm CLB, bức tranh này được 21 họa sĩ vẽ trong vòng 15 ngày, từ 27 tháng Chạp cho đến 14 tháng Giêng.

Ông Trương Hán Minh cho biết thêm: “Bức tranh này do 21 họa sĩ thực hiện vẽ tranh tập thể, thể hiện sức mạnh của đoàn kết. Mỗi người vẽ những gì tượng trưng cho mùa xuân, phú quý, hòa bình. Bức tranh này cũng thể hiện kinh tế dồi dào, phú quý, là mùa xuân đi liền với vui mừng, là bà con nhân dân mừng đón xuân mới”.

Đông đảo người dân tham gia Lễ hội nguyên tiêu ở quận 5

Đối với cộng đồng người Hoa, Hội nguyên tiêu vào đêm rằm tháng Giêng là một trong những hoạt động truyền thống trong dịp Tết nguyên đán, mang ý nghĩa đón mừng đêm trăng tròn đầu tiên trong năm, để người người, nhà nhà cầu mong một năm hòa thuận, quốc thái dân an. Cũng chính vì vậy mà hoạt động này được chuẩn bị chu đáo, không chỉ là lễ hội dành riêng cho cộng đồng người Hoa mà qua đó còn gắn kết cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn TPHCM.

“Thông qua một hoạt động của cộng đồng dân tộc Hoa nhưng có sự gắn kết của người Kinh và các dân tộc khác để tạo nên một cộng đồng chung, là sự đoàn kết của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó phát huy được truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, dù là dân tộc nào cũng đều là người VN nên có sự đoàn kết và gắn bó lẫn nhau”, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch UBMTTQVN TP cho biết thêm.

Một hoạt động tại Lễ hội nguyên tiêu

Chỉ trong vòng 3 ngày, thế nhưng, thông qua nhiều hoạt động lớn nhỏ diễn ra khắp các địa chỉ văn hóa ở quận 5 như Hội quán Nhị Phủ, Hội quán Sùng Chính, Cự Thạch, Ôn Lăng... Lễ hội Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách là con số không hề nhỏ. Sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách qua lễ hội này càng thấy, bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa không chỉ được gìn giữ mà qua đây còn góp phần được tôn vinh và quảng bá mạnh mẽ.

Bình luận