Nhắc đến Việt Bắc là nhắc đến cội nguồn của cách mạng Việt Nam, là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Những ai đã từng ở chiến khu Việt Bắc đều không bao giờ quên hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với phong thái giản dị, thanh bạch, hòa đồng, gần gũi với đồng bào chiến sĩ, bà con và các dân tộc anh em ở nơi đây. Với họa sĩ Trịnh Kim Vinh cũng vậy, vào năm 1954 - 1955, trong chuyến đi thực tế tại Việt Bắc, bà vinh dự được gặp Bác. Sau bao nhiêu năm kháng chiến trường kỳ, rồi cách mạng thành công, đất nước thống nhất, họa sĩ Kim Vinh (nay đã trên 80 tuổi) nhưng bà vẫn nhớ như in và mãi mang theo hình ảnh Bác trong tâm tưởng của mình.
Những hồi ức về vị cha già kính yêu của dân tộc khi còn ở Việt Bắc được bà khắc họa nên tác phẩm “Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc”. Tác phẩm ra đời vào cuối năm 2011, thể hiện chân dung Người lúc đang làm việc nơi chiến khu Việt Bắc. Đó là hình ảnh Bác Hồ với dáng dấp cao gầy trong bộ kaki bạc màu, gương mặt đang trầm tư, trăn trở về vận mệnh đất nước. Với bút pháp tinh tế, xuất thần, họa sĩ đã cho ra đời một bức tranh có sức truyền cảm mạnh đối với người xem, tác phẩm này được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật người cao tuổi TPHCM vừa qua và được coi là tác phẩm đẹp nhất về đề tài Bác Hồ của Họa sĩ Kim Vinh trong suốt quá trình sáng tác.
Bà bộc bạch: "Năm nay tôi 82 tuổi, tôi đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đến nơi Bác Hồ đóng quân ở Tuyên Quang, chổ Bác ngồi giống như cái hình tôi vẽ, Bác có một cái bàn làm việc ở đó, tôi có đến thăm Bác, nhìn Bác rất đơn giản, lúc gặp Bác tuổi tôi còn rất nhỏ. Sau này tôi mới nghĩ lại cảnh Bác ngồi nhìn ra mây trời, sông nước. Từ đó tôi vẽ nên bức tranh này".
Họa sĩ Trịnh Kim Vinh sinh năm 1932, tại Hà Nội, bà tham gia cách mạng vào năm 1966 và đã đạt nhiều giải thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng, tiêu biểu như: Huy chương kháng chiến hạng nhất (1961), nhiều huy chương về sự nghiệp nghệ thuật, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra, bà còn được phong danh hiệu là Nhà giáo ưu tú (1990). Về hội họa, bà nhận được nhiều bằng khen của Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Tổng Cục chính trị.
Một số tác phẩm nổi bật của họa sĩ Kim Vinh được biết đến như: “Cảng Nhà Rồng”, “Thư tín Bắc Nam”, “Hành quân qua rừng”, “Nữ du kích gác biển trời”, “Đi học trong thời chiến”... Tất cả những tác phẩm này đang được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Việt Nam.
Về tác phẩm “Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc” của tác giả Kim Vinh, họa sĩ Nguyễn Xuân Đông chủ nhiệm CLB Mỹ thuật người cao tuổi nhận xét: "Họa sĩ Trịnh Kim Vinh là một nhà đồ họa chuyên nghiệp, sáng tác của họa sĩ chỉ có sử dụng chì sáp đen trắng để diễn tả chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc. Với màu sắc hết sức cô đọng, chỉ có 2 màu đen trắng, mà đen trắng là đỉnh cao của phương tiện nghệ thuật đồ họa tạo hình. Tuy màu sắc đơn giản, giản dị nhưng đã đạt được hiệu quả tối đa. Đây là thể hiện thành công của tác giả đối với tác phẩm ”Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc”.
Không chỉ là hồi ức những lần được gặp Bác, học tập ở Bác những đức tính quý báu, họa sĩ Kim Vinh còn gửi gắm những tình cảm, tâm huyết của mình về Bác Hồ kính yêu vào trong sáng tác của mình. Tác phẩm “Bác Hồ làm việc nơi chiến khu Việt Bắc” của Họa sĩ Kim Vinh chỉ với chất liệu bằng chì sáp không cầu kỳ, nhưng đã đạt được đỉnh cao của phương pháp nghệ thuật đồ họa tạo hình thật sinh động, có hồn và mang một dấu ấn không thể phai mờ, bởi vì cả cuộc đời của bà gắn liền với cái nôi cách mạng Việt Bắc. Họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM đã nhận xét về tác phẩm của họa sĩ Trịnh Kim Vinh: "Ngoài việc đào tạo thì cô Kim Vinh vẫn sáng tác đều về đề tài - hình tượng Bác Hồ. Cô có những đóng góp rất lớn, sau này có nhiều học viên thạc sĩ Mỹ thuật viết về đề tài này trong công cuộc đổi mới, hầu hết là lấy dẫn chứng từ tranh của cô Kim Vinh rất là nhiều. Việc sáng tác của cô luôn hướng về hình tượng Bác và sống theo gương của Hồ Chủ Tịch".
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng sự nghiệp cách mạng của Bác vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vẫn mãi ngời sáng, là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ noi theo. Đề tài về Bác luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận đối với những người làm nghệ thuật, trong đó có nữ họa sĩ lão thành Trịnh Kim Vinh.