Trong chương trình biểu diễn, hơn 20 bài biểu diễn được kết cấu thành 2 phần chính, xen kẽ các ca khúc Việt – Nhật được thể hiện bởi những giọng ca nội lực là phần độc tấu, hòa tấu nhạc cụ vô cùng tinh tế. Tiếng violin lúc da diết, khi ngắt quãng điệu nghệ hòa cùng giai điệu piano mượt mà đưa khán giả đến không gian âm nhạc đầy mê hoặc. Để khi những âm thanh ấy chợt dừng lại, cả khán phòng như trở về từ cơn say lịm để rồi tặng cho các nghệ sĩ từng tràng pháo tay giòn giã không dứt.
Điểm nhấn của đêm hòa nhạc có lẽ là phần trình diễn chéo của các nghệ sĩ. Khán phòng gần như vỡ òa, ngạc nhiên và thích thú trước bản “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt được thể hiện bởi các nam ca sĩ đất nước mặt trời mọc. Phát âm chưa gọi là chuẩn nhưng giọng hát vẫn sáng, khỏe và đặc biệt là khi họ hòa giọng, bao tình cảm thiết tha trào dâng như thể chuyện tình đẹp trong ca từ là của chính họ.
Để phát âm tròn trĩnh Tiếng Việt với 6 thanh âm trúc trắc, giàu nhạc tính trong thời gian ngắn là điều không hề đơn giản, nhưng qua phần thể hiện của các nghệ sĩ Nhật Bản, ta đã đọc được sự nỗ lực rèn luyện một cách cực kì nghiêm túc. Nói về quá trình tập luyện nghệ sĩ Kazuhiro Tsunoda kể: “Tôi đã có một giáo viên người Việt dạy tôi 3 lần bài hát này, hướng dẫn tôi từng câu nên tôi hiểu. Cứ hát đến câu nào thì tôi thể hiện tình cảm theo đúng như lời hát.”
Nếu như khán giả yêu mến giọng hát của họ bao nhiêu thì lại càng khâm phục tính chuyên nghiệp trong cách làm việc và trân trọng đức khiêm nhường của họ bấy nhiêu. Không chỉ ghi nhận sự cống hiến của các nghệ sĩ nước ngoài, các ca sĩ của Việt Nam cũng đã tập luyện rất nhiều lần để có thể hoàn thành một cách tròn trịa nhất các ca khúc bằng tiếng Nhật. Đó vừa là kỉ niệm đẹp vừa là cơ hội để các nghệ sĩ của chúng ta được thể nghiệm giọng ca của chính mình bằng một ngôn ngữ mới.
Ca sĩ Ngọc Tuyền bày tỏ: “Rất là vui, mình nghe được những giọng ca rất đẹp và các nghệ sĩ chơi rất hay, học hỏi được rất nhiều điều ở họ. Tuyền cũng đã tập trước 1 tháng, sau đó nhờ 1 chú người Nhật để chú nghe phát âm của mình cho chính xác, phải giống người Nhật một chút xíu. Đến khi họ qua đây nghe mình hát thì họ nói ồ không cần sửa gì nữa, tốt rồi. Mình có hỏi thêm về ý nghĩa của bài hát để thể hiện cảm xúc một cách tốt hơn” .
Có lẽ cũng chính điểm nhấn này đã khắc họa một cách đậm nét tính giao lưu giữa hai nền văn hóa đến từ phương Đông và từ đó toát lên tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản. Ông Kamata Tsunori – Phó tổng thư kí Hội đồng Hòa bình Hữu Nghị Nhật Bản – Việt Nam (JVPF) hân hoan chia sẻ cảm xúc trước phần trình diễn chéo này của các nghệ sĩ 2 nước.
Ông nói: “Hôm nay khách xem tại khán phòng chật hết các ghế, chứng tỏ buổi hòa nhạc rất thành công. Trong chương trình thứ 2 có rất nhiều tiết mục hay. Trước khi đến với buổi tối hôm nay, chúng tôi đã đến thăm giao lưu với trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Qua giao lưu với các em khiếm thị, chúng tôi đã học được rất nhiều điều. Sang phần 2 của chương trình, các nghệ sĩ Việt Nam sẽ hát bài hát Nhật Bản và ngược lại. Tôi nghĩ giữa 2 nền văn hóa có nhiều điểm có thể pha trộn lại với nhau và sẽ học được nhiều điều tốt đẹp. Phần biểu diễn thứ 2 thể hiện chuyên môn về âm nhạc rất cao, thể hiện rõ tài năng của mỗi nghệ sĩ. Thông qua trình độ chuyên môn đó, chúng ta sẽ học hỏi được lẫn nhau.”
Các ca khúc đa phần được thể hiện bằng tiếng Nhật nhưng vẫn khiến cho cả khán phòng say mê dõi theo. Đó có lẽ là một minh chứng giá trị cho sức mạnh của âm nhạc và nghệ thuật. Một sức mạnh có khả năng phá bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ, khoảng cách địa lí, chênh lệch tuổi tác hay khác biệt giới tính.
Có lẽ không ít khán giả vẫn chưa tường tận được nội dung lời ca nhưng chắc chắn rằng những giai điệu âm nhạc đã chạm được tới trái tim của họ và mang đến bao xúc cảm. Thể loại thính phòng như thế này được cho là khá kén chọn khán giả, nhất là các bạn trẻ nhưng đêm nhạc này cũng đã phần nào tạo ấn tượng mới mẻ và thay đổi tư duy âm nhạc của họ như sinh viên Quỳnh Trang – Sinh viên đại học Sư Phạm TP.HCM tâm sự: “Mình rất hào hứng khi tham gia buổi hòa nhạc này. Hầu hết là dòng nhạc thính phòng nên cũng thấy mới mẻ, nhất là so với lứa tuổi sinh viên như mình. Qua buổi hòa nhạc mình nghĩ có thể phổ biến nền văn hóa của cả hai nước cho nhau. Chúng ta cũng có thể thấy được sự khác biệt giữa hai dòng nhạc cũng như ngôn ngữ của hai nước nhưng có chung một tình yêu âm nhạc nên cũng thấy được điểm tương đồng”.
Những tràng pháo tay liên hoàn của khán giả vừa là món quà tán dương phần biểu diễn tuyệt vời, vừa chúc mừng cho tình hữu nghị tốt đẹp của 2 dân tộc. Hạnh phúc khi được trình diễn trong sự yêu thương và đón nhận nồng nhiệt của khán giả TP.HCM, nghệ sĩ Kazuhiro Tsunoda hào hứng chia sẻ cảm xúc của mình: “2 năm trước tôi đã biểu diễn ở Hà Nội và thông qua những tràng pháo tay tôi thấy rằng người Việt Nam rất nhiệt tình. Khi quay về Nhật Bản tôi mong muốn được quay trở lại Việt Nam và lần này, cùng với những nhà chuyên môn âm nhạc tôi đã cùng các nghệ sĩ đến đây biểu diễn chương trình ca nhạc này. Các tràng pháo tay của khán giả kéo dài rất lâu, điều đó cho thấy sự thành công của chương trình này. Tuy nhiên, tôi và thầy Tâm đều là lớp nghệ sĩ lớn tuổi nên tôi hi vọng lần sau sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ giao lưu với nhau” .
Bài hát Subaru (tạm dịch là chòm sao tua rua) được chọn để khép lại chương trình trong giọng hòa ca của tất cả các nghệ sĩ. Thế nhưng trước sự cổ vũ và yêu mến quá đỗi của khán giả, các nghệ sĩ đã ngẫu hứng trình diễn thêm 2 ca khúc nữa.
Giai điệu O selo mio đã kết lại đêm giao lưu nghệ thuật trong bầu không khí ấm áp chất tình. Tình nghệ sĩ và khán giả, tình bạn giữa những âm hồn nghệ sĩ. Cũng như sức mạnh không biên giới của âm nhạc, xin chúc cho tình hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam sẽ ngày càng bền chặt và phát triển.