Điêu khắc công cộng TPHCM: chờ làn gió mới

(VOH) - Ngày 9/9, tại Trung tâm Hội nghị TPHCM (272 Võ Thị Sáu, Q.3) đã diễn ra buổi tọa đàm mang tên “Điêu khắc trong không gian công cộng tại TPHCM”.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng chuẩn bị cho Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TPHCM lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây.

Những bức tượng được sắp xếp chen dày ở công viên Tao Đàn (TP.HCM) - Ảnh: TTO

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo thành phố, các nhà quản lý mỹ thuật, các nhà nghiên cứu, các điêu khắc gia trong và ngoài nước cùng trao đổi, bàn luận nhiều vấn đề liên quan đến Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TPHCM 2015 cũng như những bất cập và giải pháp đặt ra cho điêu khắc đô thị thành phố.

Thiếu nhiều tác phẩm nơi công cộng

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều thừa nhận rằng không gian công cộng của TPHCM hiện nay còn thiếu rất nhiều tác phẩm điêu khắc. Từ nhiều năm nay, dù nhiều cuộc họp, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra nhưng cho đến nay vẫn chưa có được quy hoạch tổng thể cho các công trình điêu khắc ở không gian ngoài trời.

Các đại biểu cho rằng thành phố đang có sự mất cân đối về đề tài, về tỷ lệ và qui mô của hệ thống tượng đài. Vị trí và chất lượng nghệ thuật của một số công trình không còn phù hợp với tính hiện đại và nhu cầu phát triển của thành phố và cần có những biện pháp khắc phục kịp thời.

“Các tác phẩm điêu khắc ở không gian công cộng tại TPHCM hiện nay còn nhiều bất cập, không chỉ riêng gì TPHCM mà ở tất cả các đô thị của VN. Trong số 50 công trình tượng đài của TPHCM hiện nay (10 công trình trước 1975, 40 công trình sau 1975) thì đa số là các công trình điêu khắc về đề tài lịch sử cách mạng (chiếm trên 70 %), còn các công trình về văn hóa đặc thù của vùng miền thì thiếu rất nhiều. Các công trình điêu khắc của TPHCM hiện nay đều nằm hầu hết ở quận, huyện ngoại thành, còn khu vực trung tâm thành phố thì rất ít”, Nhà điêu khắc - PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM chia sẻ.

Một thực trạng dễ nhận thấy nữa mà các bài tham luận đều đề cập là tại công viên và các không gian công cộng như bến xe, nhà ga,... hiện nay gần như không có tượng điêu khắc. TPHCM hiện nay tuy có nhiều công trình điêu khắc hoành tráng nhưng vẫn thiếu rất nhiều các công trình “xứng tầm” làm điểm nhấn cho không gian văn hóa đô thị thành phố và 24 quận, huyện. Nhà lý luận, phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân phân tích: “Các công viên của thành phố hiện nay còn vắng tượng, nếu có thì lại mang tính tuyên truyền và xa cách với sinh hoạt vui chơi, thể thao, giải trí của người dân. Chúng ta cần từ bỏ quan niệm điêu khắc chỉ để thờ cúng, thắp nhang, chào cờ, đặt hoa,... Khu vườn tượng hiện nay ở công viên Tao Đàn thì giống như một triển lãm hơn là một vườn điêu khắc, ít người xem mà vui chơi giải trí cũng không tiện lợi. Điêu khắc công cộng có chủ đề văn hóa, về các danh nhân văn hóa còn đang bị bỏ quên”.

Mở rộng phạm vi

Với quy hoạch phát triển hiện nay thì nhu cầu về tác phẩm điêu khắc của thành phố là rất lớn, phạm vi không dừng lại ở các quảng trường, công viên, giao lộ mà còn ở rất nhiều công trình mới trong nhiều lĩnh vực. Và điều mà tất cả những nhà quản lý mỹ thuật, nhà điêu khắc đang quan tâm hiện nay là cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch kiến trúc thành phố và ngành điêu khắc, cần sớm có quy hoạch tổng thể cho điêu khắc công cộng tại thành phố.

Nhận định về giải pháp chiến lược lâu dài cho điêu khắc thành phố trong thời kỳ hội nhập, Nhà giáo Nhân dân - Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP chia sẻ: “Hiện tại, chúng ta có các trung tâm văn hóa, trung tâm công nghệ mà nước ngoài đang đầu tư xây dựng thì nên chăng trong thiêt kế của họ mình bắt buộc họ phải làm tượng. Họ bỏ tiền ra làm tượng và quản lý tượng thì thẩm mỹ đô thị của chúng ta sẽ phong phú hơn; hoặc là đối với các danh nhân thì các dòng họ có thể tự bỏ tiền ra làm tượng chứ không nhất thiết Nhà nước phải làm, thì sẽ giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu, mở rộng xã hội hóa để công chúng có thể tham gian và nâng cao chất lượng các công trình điêu khắc”.

Chờ làn gió mới

Trong khi chờ đợi sự ra đời của các thiết chế về văn hóa như: nhà hát, bảo tàng mỹ thuật, các nhà triển lãm mỹ thuật, thì việc Lãnh đạo thành phố quyết định mở Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015 là một tín hiệu vui, là một sự kiện ý nghĩa để góp phần mở rộng giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa VN và quốc tế.

Các đại biểu đều nhất trí việc bổ sung các tác phẩm điêu khắc hòa nhập vào các không gian công cộng không hề đơn giản mà cần phải được nghên cứu và tiến hành một cách cẩn trọng.

Chúng ta cũng không nên vì nhu cầu cấp bách mà ảo tưởng, dễ dãi trong việc sử dụng các tác phẩm từ các trại sáng tác. “Không phải cứ ở không gian ngoài trời là chúng ta làm tượng hoành tráng. Cũng không phải là tổ chức xong các trại điêu khắc thì tất cả tượng đều đem đi đặt khắp nơi. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ, tác phẩm đẹp và đạt giá trị thì chúng ta mới lắp đặt, còn tác phẩm không đẹp thì nhất quyết không dùng cho dù đó là tác phẩm của những điêu khắc gia nổi tiếng", nhà điêu khắc Trần Long nhấn mạnh.

"Chúng ta phải tuyển chọn rất rõ ràng trước khi lắp đặt tác phẩm và trước đó thì chúng ta nên vẽ thiết kế 3D để xem điểm lắp đặt như thế là có phù hợp hay không. Nếu làm được điều đó thì tôi tin chắc rằng Trại sáng tác điêu khắc TPHCM 2015 sẽ đạt hiệu quả rất tốt", nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên nói.

Nhiều đề xuất, giải pháp cụ thể liên quan đến quy hoạch điêu khắc, kích thước, chủ đề, chất liệu, vị trí lắp đặt, công tác thi công tác phẩm, tiêu chí và thời gian tổ chức định kỳ cho Trại sáng tác điêu khắc của thành phố đã được các đại biểu bàn luận sôi nổi tại tọa đàm và được Lãnh đạo thành phố, Ban tổ chức trại sáng tác ghi nhận. Hi vọng rằng với sự quan tâm của chính quyền đối với quy hoạch đô thị cũng như với tài năng, nhiệt huyết, kinh nghiệm của thế hệ các nhà điêu khắc trong và ngoài nước, Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TPHCM lần thứ nhất vào tháng 11 tới đây sẽ thành công tốt đẹp và sẽ là cột mốc quan trọng cho diện mạo phát triển đô thị trong tương lai.

Bình luận