* Thưa ông, cho đến nay đã qua 7 lần tổ chức, Festival Huế thực sự đã trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ ở VN mà cả trên phạm vi quốc tế, trong khuôn khổ Festival Huế lần này có những dấu ấn gì đặc biệt?
- Ông Ngô Hòa: Festival Huế ngày càng lan tỏa và khẳng định trong cộng đồng quốc tế. Chính vì thế, lần này rất nhiều đơn vị nghệ thuật của các quốc gia tham dự Festival Huế lần thứ 8 cùng với đó là các đơn vị nghệ thuật của Trung ương, các vùng miền, Thủ đô Hà Nội, TPHCM và của Thừa Thiên Huế. Năm nay có những điểm nhấn trong thời gian diễn ra Festival Huế. Ngoài chương trình khai mạc có chủ đề “Cố đô hội tụ và tỏa sáng”, rồi còn có chương trình bế mạc. Năm nay cũng nhằm hướng đến kỷ niệm 115 năm Cầu Trường Tiền, 115 năm Chợ Đông Ba, 120 năm Bệnh viên Trung ương Huế - Bệnh viện Tây y đầu tiên của VN, 115 năm Trường Cao đẳng công nghiệp (trước đây là trường Bá Công). Năm nay chúng tôi sẽ chú ý để tôn vinh, làm rực rỡ lên, lung linh lên, huyền ảo lên, uy nghiêm lên, hoành tráng lên trong Đêm hoàng cung. Chúng tôi cũng sẽ làm một lễ hội cộng đồng để tôn vinh Ca Huế - một loại hình nghệ thuật dân gian rất đặc sắc của vùng đất cố đô này, từ trong cung đình ra đến ngoài dân gian, từ Ca Huế trong thính phòng mang tính bác học đến Ca Huế ở ngoài cuộc sống xã hội. Đây là những điểm nhấn trong thời gian diễn ra Festival lần này. Bên cạnh đó, chương trình lễ hội đường phố với sự tham dự của các đơn vị nghệ thuật đến từ các quốc gia khu vực Đông Á, Mỹ La Tinh… sẽ là những điểm nhấn rất tưng bừng, hào hứng và sẽ thu hút du khách cũng như người dân Cố đô Huế. Trong thời gian diễn ra còn có một số hoạt động quốc tế như Liên hoan ẩm thực quốc tế, Liên hoan múa quốc tế, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa nghệ thuật các quốc gia trong cộng đồng ASEAN với công thức 10+3. Tại hội nghị này, sẽ chuyển giao thành phố văn hóa từ Singapore qua cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian diễn ra Festival.
* Một Festival được đánh giá là thành công khi nó thu hút đông du khách trong và ngoài nước tham gia, ở Festival Huế, tiêu chí này được thể hiện như thế nào qua 7 lần tổ chức trước đây?
- Ông Ngô Hòa: Đây là điều chúng tôi hết sức chú ý. Làm Festival là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người VN đối với bạn bè quốc tế. Chúng ta cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế đến quá trình phát triển một cách hòa bình, ổn định, an toàn của đất nước chúng ta trong thời kỳ kiến thiết để xây dựng đất nước. Festival Huế cũng là một cơ hội để thu hút nhiều hơn bạn bè quốc tế đến với VN, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch trong lĩnh vực dịch vụ. Chính vì vậy, qua các kỳ Festival, đặc biệt là kỳ Festival lần thứ 7, trong thời gian 9 ngày diễn ra Festival chúng tôi đã thu hút hơn 180.000 lượt khách lưu trú ở 526 cơ sở lưu trú ở Thừa Thiên Huế, trong đó có hơn 80.000 khách lưu trú quốc tế đến từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế dịch vụ. Từ thúc đẩy phát triển du lịch, không những nhà nước, các doanh nghiệp có lợi ích mà ngay cả người dân trong cộng đồng cùng được hưởng những lợi ích kinh tế thông qua sự phát triển của Festival, phát triển du lịch.
* Trước đây Festival Huế thường được tổ chức vào tháng 6, bắt đầu từ 2 Festival gần đây chúng ta chọn triển khai vào tháng 4, phải chăng để tránh khí hậu ở Huế thường bị ảnh hưởng bởi gió Lào, rất khô và nóng?
- Ông Ngô Hòa: Chúng tôi đã qua nhiều lần lựa chọn. Vì sao trước đây chọn tháng 6 mà giờ lại chọn tháng 4? Trong tháng 4, chúng tôi đã lựa chọn giữa tiết thanh minh và tiết công vụ. Bây giờ vẫn đang còn trong tiết thanh minh của mùa xuân năm Giáp Ngọ này. Và trong tháng 6 chúng ta có một số sự kiện như: một là Quốc hội bận họp, thứ 2 chúng ta sẽ vấp phải hoặc là giải bóng đá Euro, hoặc là World Cup. Ngay trong tháng 6 năm nay cũng là World Cup. Và chúng tôi đã lựa chọn tháng 4 cũng bởi vì đây là thời điểm bắt đầu mùa du lịch của Tây để hấp dẫn du khách quốc tế. Có thể nói, trong tháng 4 cũng bắt đầu mùa du lịch, nếu quảng bá tốt thì chúng ta sẽ đón được nhiều lượt khách quốc tế đến với Festival, và qua đó để thúc đẩy phát triển du lịch.
* Hiện tại, công tác an ninh, an toàn cho du khách, những vấn nạn như chặt chém, vệ sinh an toàn thực phẩm trong kỳ Festival đã được siết chặt hay chưa, thưa ông?
- Ông Ngô Hòa: Điều này chúng tôi hết sức quan tâm. Vấn đề an ninh, an toàn trong một Festival với một quy mô trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó Huế là trung tâm hạt nhân. Với lượng du khách đông đúc như thế, nhiều hoạt động, sự kiện diễn ra như thế thì vấn đề an ninh, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Đối với các doanh nghiệp du lịch, chúng tôi cũng đã có những sự chỉ đạo ngay từ đầu và chúng tôi cũng muốn xây dựng một môi trường du lịch lành mạnh, tạo ra sự thân thiện giữa người dân và du khách. Chính vì vậy, đây là một vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm trong quá trình chuẩn bị và triển khai cho Festival với quy mô như thế. Vấn đề niêm yết giá chúng tôi cũng đã cho lên mạng, thông báo giá, niêm yết giá và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong vấn đề các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở lưu trú thực hiện các quy định công khai giá, niêm yết giá và vấn đề chất lượng dịch vụ đi theo với giá phải đảm bảo như thế nào. Chúng tôi sẽ có những biện pháp chế tài, xử lý rất nghiêm trong chuyện này.
* Trong Festival Huế lần trước số lượng trường hợp bị xử phạt và phản ánh của người dân có nhiều hay không về tình trạng vi phạm niêm yết giá?
- Ông Ngô Hòa: Vấn đề này thì chỗ nào cũng thế thôi. Quan trọng là chúng ta phải truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở lưu trú trong vấn đề tổ chức đón tiếp và phục vụ cho du khách khi đến với Festival Huế. Việc mà bạn nêu tôi thấy ngày càng giảm đi và cũng chưa có trường hợp nào nghiêm trọng lắm qua các đợt Festival vừa rồi.
* Xin cảm ơn ông.