"Hồ Chí Minh – Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

(VOH) - “Sự nghiệp văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang lại sức mạnh to lớn cho dân tộc mà còn đem đến cho kho tàng văn hóa thế giới những giá trị lớn, thể hiện khát vọng của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau...”.

Đó là một phần nội dung của ấn phẩm sách “Hồ Chí Minh – Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Ảnh minh họa - Nguồn: HUC.

Tìm hiểu thêm Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa trong ấn phẩm mới này, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã có cuộc phỏng vấn với tác giả - PGS.TS. Bùi Đình Phong – Người đã có gần 30 năm nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh.

VOH: Thưa PGS.TS. Bùi Đình Phong, Động lực nào để ông phối hợp với NXB Tổng hợp TPHCM ra mắt ấn phẩm “Hồ Chí Minh – Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”?

PGS.TS. Bùi Đình Phong: Ấn phẩm này được tôi nung nấu trong gần 30 năm nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 30 năm đổi mới, kỷ niệm ngày thành lập Đảng và đặc biệt là chào mừng Đại hội XII của Đảng là dịp để chúng ta có một ấn phẩm vừa khẳng định được công lao đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung và đối với nền văn hóa Việt Nam nói riêng, đồng thời khẳng định một trong những nhiệm vụ lớn của Đảng ta hiện nay là cùng với phát triển kinh tế thì phải chăm lo phát triển văn hóa.

* VOH: Để có được 4 chương sách với trên 270 trang in thì ông thực hiện ấn phẩm này trong bao lâu và điều mà ông tâm đắc nhất khi tác phẩm đã hoàn thành là gì?

PGS.TS. Bùi Đình Phong: Cuốn sách này tập hợp nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu của tôi đăng trên các tạp chí nghiên cứu trong nhiều năm qua. Để hoàn thành ấn phẩm này thì tôi đã biên tập lại; bổ sung thêm những quan điểm, nhận thức mới của Đảng.

 Thời gian trực tiếp thực hiện ấn phẩm thì trong 1 năm trở lại đây.

Với “Hồ Chí Minh – Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tôi viết dựa theo một câu trong lời nói của Bác để thể hiện tinh thần cốt lõi của tác phẩm, còn toàn bộ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là rất rộng lớn nên cuốn sách này chưa thể nào phản ánh được đầy đủ sự cống hiến của Bác về văn hóa.

Ấn phẩm này ra đời nhằm gởi gắm đến độc giả một kết cấu bốn chương sách gắn kết rất chặt với nhau: 

Chương I - “Hồ Chí Minh – Dân tộc và nhân loại” nói về những cống hiến rất lớn đối với dân tộc và nhân loại trên các phương diện khác nhau, đặc biệt là phương diện về văn hóa; 

Chương II – “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước trước đây và trong công cuộc đổi mới hiện nay; 

Chương III – “Dưới ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh” thì cho thấy từ nghiên cứu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta tiếp tục phát triển tư tưởng đó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; dù thế giới và đất nước đã có nhiều thay đổi nhưng tư tưởng của Bác về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị; 

Với chương cuối cùng, tôi muốn khẳng định rằng di sản văn hóa Hồ Chí Minh đã được sự tôn vinh rất lớn của thế giới, bao gồm những ý kiến cơ bản của bạn bè thế giới đối với cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, bao gồm cả văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

* VOH: Ông nhận thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cộng đồng xã hội hiện nay như thế nào?

PGS.TS. Bùi Đình Phong: Việc Đảng ta phát động việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất đúng và chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, với kết quả đó, nếu đánh giá một cách nghiêm túc, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật thì kết quả đó chủ yếu vẫn nằm ở góc độ nhận thức, học tập về tư tưởng; còn việc làm theo và hành động theo tư tưởng của Bác thì chúng ta vẫn còn phải cố gắng rất nhiều.

Do đó, tinh thần Đại hội XII của Đảng cũng đã tiếp tục nêu lại vấn đề này, tiếp tục nâng cao hiệu quả việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đặc biệt là nhấn mạnh không chỉ về đạo đức, phong cách mà còn về việc học tập tư tưởng. Tôi cho rằng nếu việc này được tổ chức với phương pháp tốt thì chúng ta sẽ có điều kiện thu được những kết quả tốt hơn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội nói riêng và thúc đẩy công cuộc đổi mới nói chung.

* VOH: Sau ấn phầm này thì ông có những dự định, những ấn phẩm gì mới trong thời gian tới?

PGS.TS. Bùi Đình Phong: Nếu được NXB Tổng hợp TPHCM chấp thuận thì tôi sẽ gởi tiếp những bản thảo nghiên cứu của mình, ví dụ như “Hồ Chí Minh – Đạo đức là gốc của người cách mạng” hoặc bản thảo nghiên cứu về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tôi cho rằng sau khi các nhà nghiên cứu có tâm huyết cho ra đời những tác phẩm viết về Bác Hồ, về Đảng thì ngoài việc các NXB in ấn phát hành thì các phương tiện truyền thông cũng nên tăng cường tập trung giới thiệu, quảng bá các tác phẩm; đặc biệt là trong những dịp lễ, những ngày kỷ niệm thì việc quảng bá sẽ có tác dụng rất lớn đối với các thế hệ nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ.

* VOH: Xin cám ơn ông!

Bình luận