Chờ...

Khai hội Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM

(VOH) - Tối 4/3, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 đã chính thức khai mạc tại Trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (số 81, Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3, TP.HCM).

Một tiết mục hoạt cảnh thơ của các nhà thơ trẻ thành phố

Sau tiếng trống khai hội, Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề “Xuân thống nhất, phát triển và hướng về biển đảo tổ quốc” đã chính thức diễn ra. Tại buổi lễ, nhà văn Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP.HCM, Phó Ban Tổ chức khẳng định những giá trị của thơ ca trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, lịch sử hình thành và ý nghĩa tốt đẹp của Ngày Thơ trong đời sống thi ca và văn hóa Việt Nam.

“TP.HCM đang cùng cả nước bước vào xuân mới với nhiều thuận lợi nhưng khó khăn thách thức cũng rất lớn. Thơ cũng vậy, thiết nghĩ, để có một bài thơ hay thì chắc chắn mỗi nhà thơ phải có cảm xúc đẹp và năng lực sáng tạo. Nhưng trên hết và xuyên suốt rất cần sự thấu hiểu và thắm nhuần hai câu thơ của Bác Hồ:“Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong”” - nhà văn Trần Văn Tuấn chia sẻ.

Đêm thơ Nguyên tiêu năm nay gồm 18 tiết mục đọc thơ, diễn ngâm, trình diễn ca khúc phổ thơ, hoạt cảnh thơ của các thế hệ nhà thơ thành phố thuộc 6 thế hệ: chống Pháp, chống Mỹ và bốn thế hệ nhà thơ từ năm 1975 đến nay. Đêm thơ đã mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm mới về chặng đường 40 năm thống nhất và phát triển của thành phố, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Xúc động khi được đọc lại chính bài thơ “Viết ở Trường Sa” của mình tại đêm thơ Nguyên tiêu năm nay, Nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu tâm sự: “Bất kỳ một ngày hội thơ nào cũng khiến cho tôi xúc động. Hôm nay được sống trong cảm xúc, trong chủ đề hướng về biển đảo tổ quốc thì càng xúc động hơn nữa... Những đêm thơ như thế này luôn có sức hút và nhận được quan tâm rộng rãi của tất cả công chúng yêu thơ. Tôi hi vọng rằng hoạt động văn hóa ý nghĩa này sẽ ngày càng có sức lan tỏa rộng hơn và sẽ có sự tham gia nhiều hơn nữa của các trường học...”

Ngày Thơ tại thành phố năm nay kéo dài đến hết ngày 05/3/2015 với sự góp mặt giao lưu, giới thiệu tác phẩm thơ của 25 đơn vị, CLB thơ đến từ các quận, huyện, trường đại học, ban, ngành; các nhà thơ đến từ nhiều dân tộc như Hoa, Chăm, Khmer... trên địa bàn TP.HCM. Sân thơ trẻ năm nay đa dạng và hài hòa hơn với nhiều hình thức trình diễn khác nhau như: đọc thơ, ngâm thơ, kịch thơ, tổ khúc thơ... Đặc biệt, vào chiều ngày 05/3 sẽ diễn ra sự kiện bán đấu giá tập thơ độc bản “40 năm lớn lên cùng thành phố”, bao gồm 40 bài thơ của 40 tác giả sinh ra và lớn lên tại TP.HCM từ sau 30/4/1975.

Nhà thơ trẻ Minh Đan cho biết thêm, so với năm trước năm nay sân thơ trẻ có nhiều thay đổi mới lạ hơn. Chúng tôi đã rất nỗ lực để xây dựng được một cuốn độc bản viết về Sài Gòn, toàn bộ số tiền đấu giá cuốn độc bản này chúng tôi sẽ dành để hỗ trợ cho các cây bút trẻ của thành phố, chưa là hội viên của thành phố, có hoàn cảnh khó khăn...

Ngày hội thơ ca năm nay còn thu hút công chúng với rất nhiều các hoạt động nghệ thuật phụ trợ như: thư pháp thơ cổ, thư pháp thơ hiện đại, tranh thơ, triển lãm ấn phẩm thơ; vẽ chân dung, nặn tượng, chụp ảnh... Đến với Ngày Thơ năm nay, cô Nguyễn Thị Thanh Hòa (CLB thơ ca Làng hoa Gò Vấp) phấn khởi cho biết: “Tất cả mọi người ai cũng náo nức chờ đợi Ngày Thơ 2015. Năm trước Ngày Thơ Việt Nam có chủ đề từ Điện Biên đến biển đảo còn chủ đề của năm nay thì sôi nổi hơn là hướng đến 40 năm giải phóng Sài Gòn và hướng về biển đảo. Tuy rằng không ra được biển đảo nhưng những câu thơ, những bài hát này sẽ giúp cho các chiến sĩ ngoài đảo xa yên tâm bảo vệ, giữ vững từng đất mà cha ông chúng ta để lại...”