Tiêu điểm: Nhân Humanity

"Khuyến khích các nhà văn sáng tác, quảng bá tác phẩm về học tập Bác Hồ"

(VOH) - Năm 2012 đã khép lại với rất nhiều hoạt động của Hội nhà văn TPHCM như: Tổ chức những trại sáng tác cho các nhà văn và cho các cây bút trẻ về đề tài biển đảo quê hương, về đời sống công nhân, nông dân, về văn học thiếu nhi…Ngoài ra, Hội nhà văn TP.HCM còn thực hiện nhiệm vụ chính trị như hưởng ứng cuộc vận động tìm hiểu, viết văn bia, lịch sử về Sài Gòn- Gia Định do Thành ủy tổ chức, tham gia cùng các đoàn văn nghệ sĩ ra Trường Sa. Song song đó, Hội nhà văn TPHCM cũng đã bắt tay cho những hoạt động chào mừng kỉ niệm 50 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật cũng như 30 năm thành lập Hội nhà văn TP.HCM…
Nhà văn Lê Quang Trang, chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM.ảnh: hoinhavantphcm

Nhìn lại 1 năm hoạt động, phóng viên Đài TNND TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà văn Lê Quang Trang, chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, để cùng ông chia sẻ thêm về những thành tựu nổi bật trong năm 2012 và những phương hướng trong năm 2013 mà Hội nhà văn TP.HCM sẽ thực hiện:

Nghe nội dung phỏng vấn:

Thưa ông, nhìn lại hoạt động của Hội năm 2012, ông có những đánh giá tổng kết như thế nào?

Hoạt động của Hội năm 2012 có nề nếp hơn và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động được nâng cao như tổ chức đêm thơ nguyên tiêu hay các trại sáng tác. Tuy nhiên việc chính của Hội là tập trung tổ chức sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học đến với công chúng thông qua lý luận phê bình. Về trại sáng tác thì Hội có 3 trại quan trọng: Trại sáng tác ở Đà Lạt cho 14 thành viên, trại sáng tác ở Vũng Tàu cho 12 thành viên và phối hợp với Hội Gia Lai tổ chức trại viết về Tây Nguyên. Ngoài ra, các hội viên hội nhà văn TP.HCM cũng là Hội viên hội nhà văn Việt Nam tham gia trại viết cho thiếu nhi và sáng tác kịch bản điện ảnh cho Hội điện ảnh. Trước hết, các trại này là hình thức giao lưu nghề nghiệp và quan trọng là phải có tác phẩm. Một số sáng tác mới đã được sáng tác tại các trại này và các tác giả hoàn thiện bản thảo của mình. Các trại đã tăng được sự hiểu biết, đoàn kết giữa các hội viên và khích lệ sáng tạo.

Hội nhà văn TP.HCM trong năm qua đã có các hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị?

Hội đã làm các nhiệm vụ như hưởng ứng cuộc vận động tìm hiểu, viết văn bia, lịch sử về Sài Gòn Gia Định đo Thành ủy tổ chức. Tham gia cùng các đoàn văn nghệ sĩ nói chung ra Trường Sa. Số nhà văn tham gia chuyến đi này hơn 10 người, có ý thức chính trị tốt và sáng tác trong, sau chuyến đi này cũng đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí, trang web hội nhà văn thành phố và trung ương. Hội cũng tổ chức một số chuyến đi như Về nguồn cho 50 nhà văn trẻ và các nhà văn đã từng hoạt động văn nghệ ở căn cứ kháng chiến Củ Chi nhằm giúp các bạn trẻ hiểu hơn truyền thống hoạt động văn nghệ Cách mạng trong thời kì gian khổ. Song song đó, Hội tổ chức các chuyến đi tìm hiểu về nông nghiệp, công nghiệp cho khoảng 5 đến 20 thành viên như về Củ Chi, đến Tân Tạo hay khu công nghiệp Biên Hòa. Từ đó mà các nhà văn có những sáng tác ngắn, kịp thời, và giúp cho những nhà văn có hướng bám trụ sâu vào mảng đề tài nông nghiệp, công nghiệp. Riêng các nhà văn trẻ thì đoàn gồm 12 nhà văn cũng đã đi thực tế, tìm hiểu đời sống công nhân làm việc ở rừng cao su Biên Hòa.

Thưa ông, mức độ đầu tư của Hội dành cho hội viên trong năm qua được quan tâm như thế nào?

Năm nay chúng tôi đầu tư cho gần 30 nhà văn với quỹ của Hội. Nhưng đồng thời với quỹ của Liên hiệp thì cũng có một số nhà văn tiêu biểu tham gia cũng được hỗ trợ. Ví dụ như viết về đề tài nông thôn mới có 3 nhà văn, hướng tới 50 năm liên hiệp hội có 3 nhà văn, và viết về TP.HCM truyền thống lịch sử và công cuộc đổi mới. Các nhà văn được đầu tư đều có sản phẩm. Xem xét bước đầu chúng tôi thấy đó là sản phẩm tốt và phù hợp với chương trình chung. Tuy nhiên các nhà văn cũng có sự vận động, sáng tạo. Các nhà văn cao tuổi như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Thanh Giang, Lê Văn Thảo…cũng đã có sách ra năm 2012 qua. Lớp nhà văn 50-60 tuổi thì đây là lớp đang độ tuổi sung sức và độ chín với sáng tác văn học thì có rất nhiều tác phẩm ra đời trong năm vừa rồi. Lớp trẻ và tương đối trẻ thì chúng tôi thấy có những cây bút rất sung sức, có người ra 2-3 đầu sách một năm. Với sức sáng tạo của những nhà văn này thì cũng đã đáp ứng một phần nhu cầu đọc của công chúng thành phố.

Với công tác quảng bá tác phẩm thì năm qua Hội nhà văn TP.HCM đã có những bước đi ra sao?

Hội đã kết hợp với nhà xuất bản và địa phương ra được 2 tập sách trong năm qua. Quyển 1 là tập Vĩnh Long- địa linh nhân kiệt, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng và 90 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt. Tác phẩm này cũng được công chúng rất hoan nghênh. Quyển 2 là tập lý luận phê bình Nhìn lại để đi tới, tức là những bài tham luận, bài lí luận phê bình bàn về văn học thành phố nhân 30 năm thành lập Hội nhà văn TP.HCM. Tập phê bình này bước đầu giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tình hình hoạt động cũng như là các vấn đề đặt ra cho Hội nhà văn TP.HCM. Bên cạnh đó, giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm thành phố. Đây là lần đầu tiên mà thành phố tổ chức giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (2006- 2011). Riêng về văn học thì có 5 tiểu thuyết đoạt giải. Đây là những tác phẩm có chất lượng, có tiếng vang trong các cuộc thi, khi xuất bản ra thì cũng được dư luận chú ý.

Quả thật là có rất nhiều các hoạt động trong năm qua của Hội và năm qua có chủ đề rất được quan tâm, là chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy, Hội đã đạt được những thành tựu gì năm qua?

Về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì chúng tôi rất quan tâm và cho rằng đó là nội dung quan trọng của hoạt động Hội. Vì làm sao để thấm vào những công việc, những sinh hoạt hằng ngày của các nhà văn, nhà văn là Đảng viên và chưa Đảng viên, tác động tích cực đến lối sống và nếp sống xã hội. Cũng đồng thời đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái xuất hiện đây đó trên các trang mạng xã hội. Với công việc nhà văn thì phải tiếp tục khuyến khích sáng tạo, quảng bá tác phẩm về học tập Bác Hồ để có được những tác phẩm tốt hơn, quảng bá tác phẩm rộng rãi hơn các tác phẩm viết về Bác. Về đầu tư thì chúng tôi cũng ưu tiên hơn cho lĩnh vực này, đề tài này. Đối với các tác giả vẫn viết thường xuyên về Bác đã từng đạt giải ví dụ Đoàn Minh Tuấn, Trịnh Quang Phú, các nhà thơ khác,…viết về những vấn đề này khi có cảm xúc hoặc có những vấn đề được đặt ra. Chúng tôi đang tìm kiếm và tổ chức sách viết về đề tài này. Hiện, chúng tôi có 2 bản thảo. Một là tuyển tập thơ “Bác là Hồ Chí Minh”, tuyển tập thơ viết về Bác và thơ của Bác. Trong đó có phần rất quan trọng là các nhà thơ thành phố Hồ Chí Minh- thành phố mang tên Bác- viết về Bác. Tập này chúng tôi đang xử lí để in được trong nay mai. Thứ 2 là tập Thơ chúc tết mừng xuân của Bác. Tập này viết xung quanh về thơ và tư liệu về thơ chúc tết và mừng xuân của Bác từ năm 1947 đến khi Bác mất. Đây là tập phong phú về tư liệu, trong đó có các bài thơ và lời bình thơ thú vị, hấp dẫn. Ngoài ra, Hội đang tìm kiếm và phát hiện nếu có tác giả nào viết tác phẩm viết về đề tài này thì chúng tôi cũng sẽ khích lệ để tác giả hoàn thành được tác phẩm của mình.

Trong năm mới 2013, Hội nhà văn đã có những kế hoạch gì?

Cùng với việc quan tâm đến số lượng thì chúng tôi quan tâm hơn đến chất lượng tác phẩm. Đặc biệt đi sâu vào những vấn đề thành phố quan tâm, đi vào những đề tài, vùng đất, những chiến khu căn cứ cũ hoặc điển hình mới, vấn đề về biển đảo và chủ quyền quốc gia. Đó là những vấn đề mà chúng tôi quan tâm, mong muốn và khích lệ các nhà văn đi sâu tìm hiểu và có những tác phẩm về vấn đề này. Về thể loại thì chúng tôi chú ý đến khâu lý luận phê bình. Ngoài ra, trong hoạch định 5 năm thì năm 2013 chúng tôi có hội thảo về thơ phương nam để tìm ra đặc điểm chung, đặc trưng riêng. Đặt ra những vấn đề cho sáng tác cũng như công tác Hội, đầu tư như thế nào cho nó hiệu quả. Năm 2013 là kỷ niệm 50 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM thì hội nhà văn cũng sẽ có những hoạt động chào mừng và tổ chức vào quí 4 năm 2013.

Trong năm mới 2013 ông có gửi lời chúc nào đến các nhà văn trẻ- tương lai văn học TP.HCM?

Đúng là lực lượng nhà văn trẻ là tương lai nước nhà. Thành phố của chúng ta lực lượng viết trẻ là khá đông, nhiều sắc thái, đa dạng phong phú so với mặt bằng chung của cả nước. Các nhà văn trẻ đang sung sức, tác phẩm ra đều. Đó là hoạt động đáng quý. Trong kho

ảng 2-3 năm gần đây có một số cây bút trong lớp trẻ gia nhập hội và đóng góp tốt cho hoạt động của Hội. Tuy nhiên, đọc vào một số tác phẩm của các bạn trẻ thì thấy hiện thực trong lớp trẻ còn bó hẹp, chủ yếu liên quan đến thân phận cá nhân trong khi công chúng cần mở rộng hơn về đề tài, về phạm vi bao quát xã hội, liên quan nhiều hơn đến vấn đề của thành phố và cả nước, dân tộc và thời đại. Ngoài ra cũng có thực tế là có các cây bút trẻ có những thành công bước đầu thì đã không có độ bền trong tình yêu với văn chương và trong bút lực sáng tác. Điều này cũng rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng công tác hội cần tiếp thêm, truyền thêm ngọn lửa đam mê sáng tạo trong văn chương để tạo ra đội ngũ hùng mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận